07:00 05/02/2022

“Cửa sáng” cho những thương vụ M&A ngân hàng

Đào Hưng

Các thương vụ M&A ngành ngân hàng Việt được dự báo sẽ sôi động trong vài năm tới. Yếu tố thúc đẩy đến cả từ phía nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng thương mại trong nước...

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam

Nhiều tập đoàn tài chính lớn trên thế giới đều mong muốn đầu tư vào các ngân hàng tại Việt Nam. Nguyên nhân nào tạo nên sức hấp dẫn của thị trường M&A ngân hàng Việt đến vậy? Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có buổi trò chuyện với ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, về xu hướng này.

Dưới góc nhìn của một ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về những thay đổi trong môi trường kinh doanh ngành ngân hàng hiện nay?

Có nhiều minh chứng rõ ràng cho thấy ngành ngân hàng Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển. Chính phủ Việt Nam tương đối ổn định và cởi mở trong việc hợp tác với các nước khác trong khu vực châu Á, từ đó hỗ trợ hoạt động tiếp thu, học hỏi công nghệ mới cũng như thông lệ tốt nhất trong ngành.

Ngoài ra, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì mức tăng trưởng GDP vào khoảng 6,5%/năm trong vòng 5 năm tới, góp phần nâng mức thu nhập và mở rộng tầng lớp trung lưu vốn đang phát triển nhanh trong những năm qua. Việt Nam là một quốc gia có dân số hàng đầu trong khu vực ASEAN với tỷ lệ tiết kiệm cao và tiềm năng tăng trưởng thu nhập nhanh kéo theo sự phát triển của các hoạt động hoạch định tài chính và quản lý tài sản.

Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng đang dần gỡ bỏ những hạn chế với các doanh nghiệp nước ngoài, cân nhắc nâng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành và lĩnh vực, có những chính sách hỗ trợ và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã cải thiện rất nhiều trên bảng xếp hạng Chỉ số Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, từ vị trí thứ 82/190 hồi quý 1 năm 2016 lên vị trí 70 vào quý 1 năm 2019. Chất lượng pháp lý và môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt giúp Việt Nam hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn.

Đáng chú ý, năm 2021 chứng kiến những bước tiến tích cực trên thị trường tài chính xanh của Việt Nam với nhiều giao dịch lớn liên quan đến bền vững. Tuy nhiên, thị trường này mới đang ở giai đoạn non trẻ và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Việt Nam là quốc gia đón nhận lượng FDI lớn nhất ở ASEAN xét trên tỷ trọng với GDP.

Các tập đoàn toàn cầu ngày càng chú trọng đến ESG và bền vững, họ sẽ đòi hỏi một nguồn lực bền vững tốt hơn cả về chất lẫn lượng ở các quốc gia họ có hoạt động. Chúng ta có thể đặc biệt yên tâm khi nhìn vào mảng năng lượng tái tạo, Việt Nam tiếp nhận giá trị đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất ở khu vực ASEAN.

Vừa qua, một loạt ngân hàng Việt Nam được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng triển vọng. Theo ông, đâu là lý do để các tổ chức xếp hạng quốc tế đưa ra quyết định này?

Mỗi ngân hàng sẽ có một kết quả đánh giá khác nhau nhưng điểm chung giữa họ là triển vọng vĩ mô và môi trường vận hành. Theo quan điểm của chúng tôi, triển vọng lâu dài của ngành dịch vụ tài chính và ngân hàng Việt Nam vẫn rất sáng sủa trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng bình quân ở mức 6,5%/năm.

Trước mắt, chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư FDI mạnh mẽ trở lại tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất từ đó thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) Việt Nam ký trong vòng hai năm qua bắt đầu mang lại trái ngọt.

 

Việt Nam là một quốc gia có tốc độ phát triển nhanh chóng, dân số khoảng 100 triệu người, đặc điểm dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang mở rộng và tỷ lệ người dân chưa có điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng còn cao. Số liệu thống kê cho thấy thị trường còn tiềm năng rất lớn chưa được khai thác.

Chỉ số môi trường vận hành (operating environment – OE) của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã trở lại mức trước đại dịch là “bb-” cho thấy các điều kiện kinh doanh đã bớt khó khăn hơn rất nhiều so với kỳ vọng của chúng tôi tại thời điểm bùng dịch Covid-19 hồi tháng 4/2020.

Kinh tế Việt Nam đã trải qua giai đoạn suy giảm trong năm 2020 và 2021, nhưng chúng tôi tin rằng các điều kiện cơ bản trong trung hạn vẫn còn nguyên vẹn và triển vọng tăng trưởng vẫn mạnh mẽ. Điểm OE cao hơn cùng với tình hình kinh doanh ổn định của ngân hàng trong bối cảnh kinh doanh thuận lợi đã góp phần nâng cao các chỉ số đánh giá hồ sơ tài chính cũng như khả năng sinh lời (Viability Rating - VR).

Năng lực tín nhiệm quốc gia của Việt Nam là một yếu tố quan trọng tác động tới xếp hạng tín nhiệm ngân hàng trong nước bởi nó ảnh hưởng đến kết quả đánh giá khả năng hỗ trợ các ngân hàng của chính phủ trong các giai đoạn khó khăn. Triển vọng ổn định của Việt Nam có thể giúp tăng điểm tín nhiệm cho các ngân hàng trong nước.

Từ các yếu tố trên, ông đánh giá thế nào về thị trường M&A ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian tới?

Các thương vụ M&A ngành ngân hàng Việt sẽ sôi động trong vài năm tới. Yếu tố thúc đẩy sẽ đến cả từ phía nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng thương mại trong nước. Bởi lẽ, lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam đang nổi lên thành một điểm sáng. Nó thu hút mọi ánh nhìn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài là các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn khá nhiều ngân hàng so với các nước trong khu vực. Hiện có khoảng 97 ngân hàng, 52 văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài và 16 công ty tài chính (tính đến cuối tháng 9/2021, và đây là một con số khá nhiều cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế như Việt Nam.

Còn về phía các ngân hàng Việt Nam, họ cũng có nhu cầu tăng vốn và tìm kiếm đối tác chiến lược nhằm nâng cao năng lực quản lý rủi ro, hiệu quả hoạt động, công nghệ và số hóa. Chúng tôi tin rằng các ngân hàng Việt Nam có nhiều bước tăng trưởng ngoạn mục so với khu vực trong bối cảnh kinh tế có triển vọng tích cực, tỷ lệ sử dụng dịch vụ ngân hàng còn tương đối thấp và tầng lớp trung lưu đang phát triển.

Tuy nhiên, giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lại là yếu tố “làm khó” cản trở các hoạt động M&A xuyên biên giới bởi chỉ những ngân hàng lớn nhất trong nước mới đủ khả năng thu hút sự quan tâm chiến lược của các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên ngoài nhóm ngân hàng nội địa lớn nêu trên, hoạt động M&A trong những năm gần đây chủ yếu tập trung hơn vào lĩnh vực tiêu dùng (cả doanh nghiệp tài chính tiêu dùng và ngân hàng/ngân hàng số hướng đến tiêu dùng) tăng trưởng mạnh mẽ và lợi nhuận cao thu hút nhóm đầu nhắm tới lợi ích như các quỹ đầu tư tư nhân (PE fund) tham gia.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy thời gian qua, thị trường M&A ngành ngân hàng chủ yếu hút vốn từ khu vực châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Theo ông, đâu là nguyên nhân của diễn biến trên?

Trước hết, các nhà đầu tư châu Á có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam, vì vậy họ sẽ dễ dàng thấu hiểu văn hóa, giá trị và các vận hành của ngân hàng lẫn doanh nghiệp Việt.

Các nhà đầu tư này có xu hướng quan tâm đến lĩnh vực bán lẻ vốn là trọng tâm của phần lớn ngân hàng trong nước với số lượng khách hàng tương đối lớn. Ngoài ra, Việt Nam là một quốc gia có tốc độ phát triển nhanh chóng, dân số khoảng 100 triệu người, đặc điểm dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang mở rộng và tỷ lệ người dân chưa có điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng còn cao. Số liệu thống kê cho thấy thị trường còn tiềm năng rất lớn chưa được khai thác.

Theo Merchant Machine, Việt Nam đứng thứ 2 trong số 10 quốc gia có tỷ lệ người dân chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng cao nhất thế giới với 69% dân số chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống hoặc tổ chức tài chính tương tự.

Thêm nữa, nhóm dân trong độ tuổi lao động của Việt Nam dự kiến sẽ gia tăng trong vài năm tới, từ đó kéo theo gia tăng nhu cầu về dịch vụ tài chính và ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với cơ hội lớn cho phát triển hoạt động ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam.

Để tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại, theo ông, bản thân ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước cần phải tiếp tục làm gì trong năm 2022?

Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đã nỗ lực tiêu chuẩn hóa nhằm giúp hệ thống ngân hàng trở nên tương thích và dễ tiếp cận với các nước khác sau khi tham gia một loạt FTA. Nhìn chung, những kết quả mà Basel II mang đến có thể là cơ sở để Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và bản thân các ngân hàng thương mại cân nhắc triển khai cải tổ theo tiêu chuẩn Basel III vốn được thế giới đánh giá là tiêu chuẩn pháp lý tốt nhất để phát triển hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng bền vững, ổn định. Các ngân hàng Việt Nam sẽ cần thời gian để dần chuyển đổi, nhưng “nhiệm vụ” không hoàn toàn là bất khả thi.

Ngoài ra, tôi đánh giá cao những chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ trong thời gian gần đây. Cụ thể, ban hành Quyết định 1963/QĐ-NHNN ban hành Chương trình hành động của ngành ngân hàng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021- 2025.

Một trong những mục tiêu chính là đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn; nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng các yêu cầu về vốn và quản lý rủi ro đối với các ngân hàng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nhằm giúp các ngân hàng Việt Nam tăng vốn. Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ có thể cân nhắc nới rộng giới hạn sở hữu nước ngoài để thu hút thêm nhà đầu tư ngoại.