15:13 21/02/2024

Cục Thuế Hà Nội sắp cưỡng chế 2.238 chủ thể chây ỳ nghĩa vụ ngân sách gần một nghìn tỷ đồng

Ánh Tuyết

Cục Thuế TP. Hà Nội vừa công khai lần đầu thông tin 2.238 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước đến thời điểm khóa sổ ngày 31/12/2023, với số tiền nợ hơn 993 tỷ đồng...

Trong quý 1/2024, cơ quan thuế sẽ tập trung rà soát các trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh, nghi ngờ buôn bán hóa đơn.
Trong quý 1/2024, cơ quan thuế sẽ tập trung rà soát các trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh, nghi ngờ buôn bán hóa đơn.

Cơ quan thuế cho biết việc công khai danh sách này do doanh nghiệp trốn thuế, chây ỳ không nộp tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước đúng thời hạn được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 100 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Điểm g Khoản 1 Điều 29 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

DOANH NGHIỆP ĐỊA ỐC ĐỨNG ĐẦU DANH SÁCH NỢ THUẾ

Trong danh sách do Cục Thuế TP. Hà Nội vừa công bố, một số doanh nghiệp có số tiền nợ thuế lớn được điểm danh như: Công ty cổ phần Công nghiệp Hàn Việt Nam nợ 75,8 tỷ đồng; trong đó, nợ 51 tỷ đồng tiền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê; 23 tỷ tiền chậm nộp các khoản khác điều tiết 100% ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật do ngành thuế quản lý…

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác nợ thuế lần đầu được Cục thuế thành phố công khai thông tin như: Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản Văn hóa - Thông tin nợ 19 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Nam nợ hơn 14 tỷ đồng; Công ty TNHH Quốc tế Tăng Thành Công nợ 13 tỷ đồng; Công ty TNHH Phát triển dự án Toàn Cầu nợ hơn 8,6 tỷ đồng; Công ty cổ phần BKAV nợ 4,3 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thương mại và Thực phẩm Mini Garden nợ hơn 3,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xây dựng Cầu Đường 369 nợ hơn 2,7 tỷ đồng…

Theo lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội, thời gian qua, công tác quản lý, đôn đốc, thu hồi nợ đọng về thuế, nợ tiền sử dụng đất, thuế đất và nghĩa vụ tài chính đã được triển khai và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, nợ đọng về thuế, nợ tiền sử dụng đất, thuê đất và nghĩa vụ tài chính giảm qua các năm. Tuy nhiên, số tiền nợ nghĩa vụ tài chính, tiền nợ thuế có tỷ lệ nợ đọng chiếm tỷ trọng lớn.

Nhằm đôn đốc thu hồi nợ đọng, cuối năm vừa qua, Cục Thuế TP. Hà Nội mời 30 đơn vị nợ thuế lớn đến làm việc nhằm tháo gỡ khó khăn, đôn đốc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội khuyến khích các chủ đầu tư, đại diện doanh nghiệp chủ động sắp xếp nguồn lực tài chính và nêu cao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước, bởi việc nợ đọng sẽ gây ra các hệ lụy như chậm tiến độ thực hiện cũng như chậm triển khai các dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, cục thuế và các cơ quan liên ngành luôn sẵn sàng tiếp nhận tất cả các nội dung liên quan để cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đơn vị triển khai các dự án. Các tổ chức, doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp đến các đơn vị quản lý để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời. 

Sau khi được tháo gỡ về chính sách, các doanh nghiệp tham dự buổi làm việc đã cam kết cùng cơ quan thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế còn dang dở.

CHUYỂN HỒ SƠ DOANH NGHIỆP CHÂY Ỳ NỘP THUẾ SANG CÔNG AN

Bước vào năm 2024, dự báo nền kinh tế sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn do biến động của tình hình chính trị, kinh tế của thế giới sẽ tiếp tục có những tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước, vì vậy có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp rời bỏ thị trường, mất khả năng thanh toán, điều này dẫn đến công tác cưỡng chế nợ thuế sẽ càng gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, việc áp dụng các biện pháp thu nợ hiện cũng gặp nhiều khó trong công tác phối hợp với các cơ quan ban, ngành có liên quan trên địa bàn, trong khi chế tài trong công tác thu hồi nợ thuế còn chưa đủ mạnh. 

Tại Hội nghị trực tuyến công tác cưỡng chế nợ thuế do Tổng cục Thuế vừa tổ chức, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh đề nghị Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế quan tâm chỉ đạo các cơ quan thuế cần tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ.

 

Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế các cấp tập trung rà soát các trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh, phối hợp chuyển hồ sơ các trường hợp cố ý chây ỳ nợ thuế sang cơ quan công an để có các chế tài mạnh đối với các trường hợp này nhằm nâng cao tính răn đe đến người nợ thuế.

Một, kiên quyết thực hiện áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản chính sách pháp luật đến người nộp thuế cũng như các biện pháp cưỡng chế để nâng cao tính tuân thủ, tự giác thực hiện nộp thuế, phòng ngừa nợ thuế.

Các cục thuế cần nghiêm túc áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế theo quy định đối với người nộp thuế phải áp dụng biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin theo quy định để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.

Ba, thực hiện công khai thông tin người nộp thuế dây dưa, chây ỳ nợ thuế lên báo, đài, website của cơ quan thuế.

Bốn, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan như: cơ quan công an, Ngân hàng Nhà nước, toà án, quản lý thị trường, kế hoạch đầu tư, tài nguyên và môi trường... trong việc thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản...

Năm, tập trung rà soát các trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh, phối hợp chuyển hồ sơ các trường hợp cố ý chây ỳ nợ thuế sang cơ quan công an để có các chế tài mạnh đối với các trường hợp này nhằm nâng cao tính răn đe đến người nợ thuế.

Sáu, cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý nợ, đồng thời chỉ đạo các bộ phận trong cơ quan thuế như: pháp chế, kê khai, thanh tra - kiểm tra, quản lý hộ, quản lý đất… phối hợp chặt chẽ với bộ phận quản lý nợ để đảm bảo việc thực hiện quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đạt hiệu quả cao.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết thêm trong quý 1/2024, cơ quan thuế sẽ tập trung rà soát các trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh, đặc biệt lưu ý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, nghi ngờ có buôn bán hóa đơn, để áp dụng các biện pháp cưỡng chế và xem xét ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với đại diện pháp luật theo quy định.

 

Trong năm 2023, ngành thuế thu hồi được 41.557 tỷ đồng nợ thuế. Tính đến cuối năm 2023, tổng số tiền thuế nợ ngành thuế quản lý ước tính gần 164.000 tỷ đồng, tăng 0,2% so với thời điểm ngày 30/11/2023 và tăng 10,9% so với thời điểm ngày 31/12/2022.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, năm 2024, ngành thuế tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, thu hồi tiền thuế nợ. Cơ quan thuế áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng trường hợp nợ thuế, không để nợ dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ mới phát sinh.