09:45 31/08/2007

Cuộc chiến “mát lạnh” giữa Nestlé và Unilever

Kiều Oanh

Hiện nay, ngành công nghiệp kem toàn cầu trị giá 59 tỷ USD đang nằm dưới sự thống trị của hai người khổng lồ là Nestlé và Unilever

Quyết định tấn công vào “lĩnh vực mát lạnh” đã đền đáp xứng đáng cho cả Nestlé và Unilever.
Quyết định tấn công vào “lĩnh vực mát lạnh” đã đền đáp xứng đáng cho cả Nestlé và Unilever.
Chứng kiến dòng du khách xếp hàng dài thườn thượt để chờ tới lượt thanh toán trước tiệm kem Bertillon ở Ile Saint-Louis, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Paris, ai cũng nhận thấy rằng, trong những ngày hè oi bức như thế này, không gì có thể giúp người ta chống chọi lại cái nóng tốt hơn một cốc kem mát lạnh.

Từ những loại kem thượng hạng như Chunky Monkey của Ben & Jerry, món kem ít béo của Dreyer, tới sản phẩm kem hoa quả vô cũng hấp dẫn của Bertillon, các hãng kem trên thế giới đang tạo ra những hương vị kem đáp ứng mọi loại khẩu vị và túi tiền.

Hiện nay, ngành công nghiệp kem toàn cầu trị giá 59 tỷ USD đang nằm dưới sự thống trị của hai người khổng lồ là Nestlé của Thụy Sỹ và Unilever của Anh và Hà Lan. Hai tập đoàn này đang kiểm soát hơn 1/3 thị trường kem thế giới và chiếm phân nửa thị trường kem tại Mỹ. Hiện nay, cả Nestlé và Unilever đều đang có chiến lược mở rộng thị trường sang các khu vực đang phát triển tại châu Á và Mỹ Latin.

Đây là một cuộc chiến với chiến lợi phẩm vô cùng hấp dẫn, diễn ra trên một thị trường rộng lớn và màu mỡ. Theo tính toán của cơ quan nghiên cứu Euromonitor, doanh số của ngành công nghiệp kem toàn cầu đang tăng trưởng với tốc độ 2,5% mỗi năm và sẽ đạt giá trị 65 tỷ USD vào năm 2010.

Tại Tây Âu, thị trường kem lớn nhất của thế giới, một lượng kem trị giá 21,5 tỷ USD đã được tiêu thụ trong năm ngoái. Con số này của khu vực Bắc Mỹ là 16,3 tỷ USD. Hiện nay, đối với những hãng kem, thị trường có tiềm năng tăng trưởng hứa hẹn nhất là những nền kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc và Brazil, nơi doanh số tiêu thụ kem hàng năm lần lượt tăng 8,5% và 8% hàng năm.

Lợi nhuận cao

Hai thập kỷ trước, cả Nestlé và Unilever đều không chú trọng nhiều đến mảng sản xuất kem. Tuy nhiên, từ đầu thập niên 1990, cả hai tập đoàn này cùng bắt đầu một chiến dịch mua lại mạnh mẽ. Nestlé thôn tính các thương hiệu kem Haagen-Dazs, Dreyer’s và Movenpick của Thụy Sỹ. Còn Unilever thì “nuốt chửng” Breyers Ice Cream và Ben & Jerry. Hiện tại, Nestlé chiếm thị phần 17,5% trên thị trường kem toàn cầu, còn Unilever đang ở vị trí sát nút với 16%.

Phần còn lại của thị trường kem thế giới rất phân tán, hãng sản xuất kem lớn thứ ba tại Mỹ, Wells’ Dairy chỉ chiếm thị phần khiêm tốn là 5%. Một số hãng kem có tiếng khác trên thế giới là Baskin-Robbins (một bộ phận của Dunkin’ Brands) và Lotte, thương hiệu kem lớn nhất của Nhật Bản. Hãng sản xuất kem hàng đầu Trung Quốc Yili Nội Mông chiếm thị phần 17% tại thị trường trong nước và sẽ là nhà tài trợ độc quyền các sản phẩm sữa cho Olympics Bắc Kinh 2008.

Quyết định tấn công vào “lĩnh vực mát lạnh” đã đền đáp xứng đáng cho cả Nestlé và Unilever. 20% trong tổng doanh số 42 tỷ USD của Nestlé trong nửa đầu năm nay là từ bộ phận sản xuất kem và các sản phẩm từ sữa. Với tỷ suất lợi nhuận trước thuế là 20%, bộ phận kem sữa của Nestlé thu về gần 900 triệu lợi nhuận, cao hơn so với lợi nhuận của bất kỳ bộ phận nào khác trong công ty này.

Cũng không kém cạnh, mảng sản xuất kem và đồ uống của Unilever cũng chiếm 20% trong tổng doanh thu 26,7 tỷ USD trong nửa đầu năm nay của tập đoàn này. Ước tính, chỉ riêng các sản phẩm kem đã chiếm 10% trong khoản lợi nhuận 3 tỷ USD mà Unilever thu về trong nửa đầu năm nay.

Để thúc đẩy tăng trưởng, cả Nestlé và Unilever cùng tìm mọi cách để thu hút khách hàng. Với việc mua lại hai thương hiệu kem của Mỹ là Haagen-Dazs và Ben & Jerry’s hiện đã có mặt trên khắp thế giới, hai tập đoàn này đã đi đầu trong việc tạo ra một xu hướng tiêu dùng mới, kéo khách hàng ra khỏi thị trường kem cấp thấp được sản xuất hàng loạt, sang những sản phẩm kem cao cấp, đem lại mức lợi nhuận cao hơn.

“Thông qua việc tập trung vào những thương hiệu kem cao cấp, cả hai công ty này đã tăng giá trị sản phẩm của họ,” nhà phân tích về thực phẩm đóng hộp Francisco Redruello ở Euromonitor nói.

Những sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe

Những nền kinh tế đang nổi lên trên khắp thế giới sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng tiêu dùng mà Nestlé và Unilever đã tạo ra, khi mà người tiêu dùng có thu nhập cao hơn để chi vào những mặt hàng như kem cao cấp.

“Việc tập trung vào chất lượng sản phẩm, những thương hiệu được ưa thích là một phần không thể tách rời trong chiến lược tăng trưởng của chúng tôi,” Jean-Marie Gurne, người đứng đầu bộ phận chiến lược của mảng sản xuất kem thuộc Nestlé nói. Ông dự đoán, doanh số tiêu thụ kem toàn cầu của Nestlé sẽ tăng 3% vào năm tới.

Bên cạnh đó, cả Nestlé và Unilever đều cùng dành sự quan tâm cho các vấn đề về sức khỏe của khách hàng, đặc biệt tại châu Âu và Bắc Mỹ. Hai hãng đã tung ra những sản phẩm kem có hàm lượng chất béo và calorie thấp.

Việc Nestlé bỏ ra 2,5 tỷ USD để mua lại thương hiệu kem Dreyer’s Grand Ice Cream vào năm 2002 đã giúp hãng đảm bảo thị phần trong mảng thị trường đang mỗi ngày một thêm quan trọng này ở Bắc Mỹ. Sản phẩm kem ít béo Slow Churned của Dreyer’s, với lượng chất béo giảm 50% và lượng calorie giảm 30%, đã thu được thành công rực rỡ, và thậm chí còn buộc Unilever cũng phải tung ra những sản phẩm tương tự với thương hiệu Ben & Jerry.

Nhằm vào thị trường châu Á

Mặc dù những sản phẩm có lợi hơn cho sức khỏe như nói trên đã giúp Nestlé và Unilever tăng doanh số tại các thị trường phát triển, triển vọng tăng trưởng lớn nhất dành cho hai “ông lớn” này lại nằm ở châu Á, nơi mà thị trường kem được dự báo là sẽ tăng trưởng ở mức hai con số trong vòng 5 năm tới. Tổng doanh thu từ kem tại thị trường châu Á – Thái Bình Dương trong năm ngoái đã đạt mức 11,6 tỷ USD, trong đó, chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã đạt 3,7 tỷ USD.

Hiện nay, mức độ thâm nhập của Nestlé và Unilever vào các thị trường đang phát triển vẫn còn thấp, mặc dù cả hai hãng này đều đang tăng tốc ở những thị trường như Philippines và Indonesia với hy vọng sẽ thu hút được nhiều khách hàng cao cấp hơn. Do nhiều gia đình ở các nước đang phát triển không có tủ lạnh, hai hãng kem này tập trung vào việc bán những khẩu phần kem cho một người ăn thông qua các quán vỉa hè. Chiến lược này sẽ giúp mở rộng thị trường cho họ tại các nước mà tủ lạnh vẫn còn là một mặt hàng xa xỉ.
Ở thời điểm hiện tại, Nestlé và Unilever là hai đối thủ cân sức trên thị trường kem toàn cầu, nhưng một số nhà phân tích lại cho rằng, Nestlé có khả năng thích nghi tốt hơn với các thị trường địa phương hơn đối thủ kia. Dù thế nào đi chăng nữa, mức độ toàn cầu hóa ngày càng cao trong ngành công nghiệp kem thế giới đang khiến cho các hãng kem nhỏ lẻ khó lòng có thể vượt qua được hai “ông lớn” này. Với hệ thống phân phối rộng lớn và ngân sách dồi dào cho hoạt động tiếp thị, Nestlé và Unilever có ưu thế hơn hẳn. Cả hai hãng này cho biết, trong tương lai họ sẽ tiếp tục mua lại các đối thủ nhỏ con, đặc biệt là châu Á.

Rõ ràng, đến một lúc nào đó, sẽ không còn những hãng kem địa phương nhỏ bé nữa. Nhưng miễn là Nestlé và Unilever đem đến những hương vị kem tuyệt vời để giúp mọi người xua tan cái nóng của mùa hè, sẽ chẳng một ai chú ý đến điều đó.

(Theo Business Week)