10:40 26/09/2024

“Cuộc đua” biến cửa hàng thành điểm đến thu hút giới thượng lưu

Minh Nguyệt

Theo Bloomberg, Chanel đã mua lại bất động sản tại số 42 Đại lộ Montaigne, cách không xa Đại lộ Champs-Élysées ở Paris, Pháp. Thương hiệu này hiện đã sở hữu một cửa hàng boutique tại đây, và một cửa hàng khác ở số 51 trên cùng đại lộ…

Ảnh: The Business of Fashion
Ảnh: The Business of Fashion

Thương vụ này nối tiếp các giao dịch mua bất động sản khác của Chanel trong năm qua tại Paris và các thành phố lớn như London (Anh) và Biarritz (Pháp). Việc sở hữu bất động sản giúp Chanel tránh được áp lực từ giá thuê mặt bằng ngày càng tăng, đồng thời dễ dàng đầu tư lớn để biến các cửa hàng thành điểm đến hấp dẫn cho giới thượng lưu.

Đây được xem là một yếu tố quan trọng đối với một thương hiệu không bán sản phẩm trực tuyến và xem các cửa hàng thời trang là một phần thiết yếu của chiến lược thương mại. Việc mua lại này cũng là một phần trong chiến lược đầu tư mạnh mẽ của Chanel, dự kiến ​​sẽ tăng 50% chi tiêu vốn vào năm 2024, bắt đầu từ mức kỷ lục 1,23 tỷ USD vào năm 2023.

Giám đốc Tài chính của Chanel, Philippe Blondiaux, đã xác nhận rằng việc mua lại bất động sản sẽ là một mục tiêu quan trọng trong kế hoạch mở rộng của công ty. Theo đại diện Chanel, danh mục bất động sản của thương hiệu hiện có giá trị hơn 7 tỷ USD, phần lớn được mua trong thập kỷ qua.

Một nguồn tin thân cận cho hay cửa hàng tại số 42 Đại lộ Montaigne dự kiến được cải tạo lớn vào năm 2029. Tòa nhà này là một công trình bảy tầng với ba tầng hầm, đã là nơi đặt cửa hàng thời trang của thương hiệu này kể từ năm 1983 và nổi tiếng với kiến ​​trúc hiện đại, được thiết kế bởi Roger Anger, Mario Heymann và Pierre Puccinelli vào năm 1965. Đây là một bất động sản được các nhà sử học thiết kế đánh giá cao vì thiết kế cửa sổ vòm được sắp xếp một cách sáng tạo. 

Một cửa hàng flagship khác của Chanel tại Rue Cambon ở Paris.
Một cửa hàng flagship khác của Chanel tại Rue Cambon ở Paris.
“Cuộc đua” biến cửa hàng thành điểm đến thu hút giới thượng lưu - Ảnh 1
“Cuộc đua” biến cửa hàng thành điểm đến thu hút giới thượng lưu - Ảnh 2
 
“Cuộc đua” biến cửa hàng thành điểm đến thu hút giới thượng lưu - Ảnh 3
“Cuộc đua” biến cửa hàng thành điểm đến thu hút giới thượng lưu - Ảnh 4
 

Thực tế, mua lại các công trình kiến trúc di sản để mở cửa hàng không phải là hoạt động riêng lẻ, mà là một “cuộc đua” thực sự trong lĩnh vực xa xỉ, nơi các thương hiệu như LVMH và Kering đang có các khoản đầu tư ngày càng tăng. Ví dụ, LVMH đã chi 1 tỷ euro cho một bất động sản tại 150 Avenue des Champs-Élysées và họ còn mua lại tòa nhà tại Avenue Montaigne 22, nơi có trụ sở chính của công ty.

Cách đây hơn 2 năm, LVMH cũng đã khai trương cửa hàng flagship của Christian Dior tại số 30 Đại lộ Montaigne. Đây là kiến trúc tích hợp bảo tàng, nhà hàng, khu vườn và dãy phòng khách sang trọng, được tạo nên dưới bàn tay của kiến trúc sư nổi tiếng Peter Marino, người cũng từng thực hiện các dự án khác cho Chanel.

“LVMH sẽ không bao giờ xây dựng một cửa hàng như tại số 30 Montaigne cho Dior nếu chúng tôi đang thuê địa điểm đó”, Giám đốc tài chính Jean-Jacques Guiony của LVMH chia sẻ với Bloomberg. Ông khẳng định việc làm chủ bất động sản cho phép LVMH có một tầm nhìn khác. Đại lộ Montaigne là điểm đến hàng đầu của giới mua sắm xa xỉ, trong đó có những khách hàng lưu trú tại khách sạn cao cấp Plaza Athénée, nơi giá phòng mỗi đêm lên đến 2.500 euro (tương đương khoảng 2.780 USD).

Tờ Wall Street Journal cho hay LVMH đã rót hàng tỷ USD, tương đương hàng chục nghìn tỷ đồng để rót vào khắp các bất động sản ở nơi đắc địa trên toàn cầu. Nhiều khu đất vàng ở Champs-Elysées, Fifth Avenue và Rodeo Drive đều được vị tỷ phú này thu mua. Họ đã thuê kiến trúc sư đoạt giải Pritzker, ông Frank Gehry để thiết kế cho nhiều dự án bảo tàng hay khu văn hóa, từ đó thực hiện các chiến dịch marketing nâng tầm thương hiệu cũng như khu vực.

Cửa hàng flagship của Dior tại Paris.
Cửa hàng flagship của Dior tại Paris.
“Cuộc đua” biến cửa hàng thành điểm đến thu hút giới thượng lưu - Ảnh 5
“Cuộc đua” biến cửa hàng thành điểm đến thu hút giới thượng lưu - Ảnh 6
 
“Cuộc đua” biến cửa hàng thành điểm đến thu hút giới thượng lưu - Ảnh 7
“Cuộc đua” biến cửa hàng thành điểm đến thu hút giới thượng lưu - Ảnh 8
 

Trong khi đó, Kering đã đầu tư 4 tỷ euro vào một bất động sản gần đây, bao gồm các các tài sản có giá trị lịch sử trên đường Montenapoleone ở Milan. Trong năm qua, Prada đã mua lại địa điểm cửa hàng chủ lực của mình trên Đại lộ số 5 ở New York (Mỹ) với giá 425 triệu USD. Gucci cũng đang đầu tư vào các bất động sản bán lẻ cao cấp trên cùng đại lộ.

Bloomberg cho rằng các thương hiệu này không chỉ mua bất động sản để duy trì sức ảnh hưởng tại các trung tâm thời trang lớn trên thế giới thông qua các cửa hàng boutique, mà còn đang tái phát triển chúng để tạo ra những trải nghiệm mua sắm phong phú và sáng tạo hơn. Cuộc đua này cũng khẳng định lại xu hướng cạnh tranh ngày càng tăng giữa các thương hiệu xa xỉ lớn, những thương hiệu muốn giành quyền kiểm soát các địa điểm độc quyền không chỉ để bán hàng mà còn để củng cố sự hiện diện và bảo tồn di sản văn hóa của mình.

Tọa lạc ở góc Đại lộ số 5 và Phố 57 của New York, mặt tiền tòa nhà của Tiffany không khác mấy so với cách đây 60 năm, nhưng ở bên trong, mọi thứ lại hoàn toàn trái ngược. Sau 4 năm cải tạo không gian với chi phí hơn 500 triệu USD, Tiffany hiện chào đón các khách hàng đến mua sắm bằng một không gian hiện đại và lấp lánh.

Bên trong tòa nhà, mọi thứ dường như đều tỏa sáng, từ các viên đá, tủ trưng bày kim loại cho đến những phiến đá cẩm thạch trang trí lẫn trần nhà. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, khách đến mua sắm có thể tưởng lầm rằng tòa nhà có nhiều cửa sổ hình vòm, nhưng trên thực tế chúng lại là các màn hình Led cao đến 7m. Phía trên tòa nhà, một phần mở rộng ba tầng với tầm nhìn ra Đại lộ số 5 cũng được thiết kế dành riêng cho các cuộc hẹn.

Tương tự, thương hiệu trang sức Pháp Van Cleef & Arpels cũng đã mở một cửa hàng mới ở khu Manhattan trên Đại lộ Madison. Riêng Gucci đang mở rộng trên khắp nước Mỹ và hiện có 8 địa điểm ở Texas và một cửa hàng ở trung tâm thành phố Detroit. Giám đốc nghiên cứu bán lẻ tại JLL C. Ebere Anokute, cho biết doanh số bán hàng mạnh mẽ kể từ thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch đã thuyết phục các nhà bán lẻ xa xỉ về tầm quan trọng của các cửa hàng truyền thống và kích thích họ mở thêm địa điểm mới.

Không gian mới cải tạo của Tiffany ở góc Đại lộ số 5 và Phố 57 của New York.
Không gian mới cải tạo của Tiffany ở góc Đại lộ số 5 và Phố 57 của New York.
“Cuộc đua” biến cửa hàng thành điểm đến thu hút giới thượng lưu - Ảnh 9
“Cuộc đua” biến cửa hàng thành điểm đến thu hút giới thượng lưu - Ảnh 10
 
“Cuộc đua” biến cửa hàng thành điểm đến thu hút giới thượng lưu - Ảnh 11
“Cuộc đua” biến cửa hàng thành điểm đến thu hút giới thượng lưu - Ảnh 12
 

Hơn nữa, yếu tố để các nhà bán lẻ xa xỉ quyết định chi mạnh tay là vì những khách hàng giàu có vẫn tiếp tục chi tiêu bất chấp lạm phát và lãi suất tăng cao. Và, để thu hút khách hàng, các thương hiệu sẵn sàng xuống tiền để bổ sung cả các hạng mục dịch vụ khác, như quán cà phê và nhà hàng lẫn các căn hộ cho thuê lưu trú. Các thương hiệu cũng tổ chức nhiều sự kiện xa hoa hơn và mở các cửa hàng tạm thời nhằm thu hút khách hàng mới.

"Đã có sự nâng cấp đáng kể về chất lượng của các cửa hàng này. Các cửa hàng thực tế giờ đây cần phải hấp dẫn hơn, lớn hơn, tốt hơn và mang tính giải trí cao hơn", Luca Solca - chuyên gia phân tích nghiên cứu cấp cao, hàng xa xỉ toàn cầu, tại công ty môi giới Bernstein, cho biết. Theo Fashion Network, trong 5 năm qua, các tập đoàn xa xỉ đã đầu tư gần 10 tỷ euro vào bất động sản, và phần lớn các khoản đầu tư này được thực hiện trong 18 tháng qua.

Dù vậy, bà Luca Solca cho rằng những khoản đầu tư có thể làm tăng uy tín của thương hiệu và tài sản, nhưng chúng cũng có những nhược điểm đáng kể. Số tiền khổng lồ chi cho bất động sản có thể khiến các tập đoàn phải chuyển hướng nguồn lực khỏi các lĩnh vực thiết yếu khác, chẳng hạn như đầu tư sản xuất và hoạt động. Hơn nữa, lợi nhuận bất động sản thường thấp, với tỷ lệ hoàn vốn hàng năm từ 2% đến 3%, làm giảm lợi tức đầu tư (ROI) và có thể dẫn đến giá cổ phiếu giảm.