13:12 19/12/2023

“Cuộc đua” đón khách quốc tế tại Đông Nam Á đang diễn ra như thế nào?

Tường Bách

Số du khách quốc tế đến các nước Đông Nam Á trong năm 2023 đã cao hơn nhiều so với một năm trước đó. Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đều ghi nhận số liệu khách du lịch quốc tế tăng đáng kể trong thời gian qua…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thống kê mới được đưa ra của seasia.stats, một công ty thống kê về các nước Đông Nam Á, thì Malaysia là nước có số lượt du khách quốc tế đến nhiều nhất trong năm 2023 với 26 triệu lượt trong 11 tháng đầu năm. Việc Malaysia đứng đầu danh sách là điều khá bất ngờ vì rất nhiều người vốn vẫn tin rằng Thái Lan luôn là nước thu hút nhiều du khách quốc tế nhất ở Đông Nam Á.

Tất nhiên, Thái Lan cũng là điểm đến được nhiều người ưa thích. Họ đứng thứ hai trong danh sách với 24,6 triệu lượt du khách (tính đến hết 11 tháng đầu năm 2023). Điều thú vị là hơn 3,8 triệu trong số 24,6 triệu lượt du khách nước ngoài tới Thái Lan chính là người Malaysia.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) Thapanee Kiatphaibool cho biết ngành du lịch nước này sẽ không dừng lại. Họ thậm chí đặt mục tiêu đến năm 2024 tạo ra tổng doanh thu 3.500 tỷ baht (100,08 tỷ USD), trong đó 2.500 tỷ baht từ khách du lịch quốc tế và 1.000 tỷ baht từ khách du lịch nội địa.

Theo thống kê của seasia.stats, Malaysia là nước có số lượt du khách quốc tế đến nhiều nhất trong năm 2023 tại Asean.
Theo thống kê của seasia.stats, Malaysia là nước có số lượt du khách quốc tế đến nhiều nhất trong năm 2023 tại Asean.

“Vào năm 2024, TAT sẽ tập trung vào khách du lịch chất lượng, phân bổ du lịch đồng đều và hướng tới du lịch bền vững,” bà Thapanee cho biết. “Điều này sẽ được thực hiện thông qua sự hợp tác với tất cả các ngành, chú trọng “tạo ra những trải nghiệm quý giá” thông qua "sức mạnh mềm" theo chiến lược thúc đẩy du lịch thông qua các sản phẩm và dịch vụ”.

TAT cũng dự đoán sự phục hồi của khách du lịch Trung Quốc vào năm 2024, nhằm giành lại danh hiệu thị trường nguồn lớn nhất cho du lịch Thái Lan. Bà cho biết mục tiêu về lượng khách du lịch Trung Quốc đã được đặt ra là 8,2 triệu lượt, tạo ra thu nhập 450 tỷ baht. Con số này cao hơn gấp đôi so với ước tính 3,5 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc trong năm nay.

Mặc dù tập trung vào thị trường Trung Quốc, TAT vẫn đang tích cực quản lý rủi ro bằng cách giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào. Hơn nữa, TAT đặt tầm quan trọng vào việc đa dạng hóa và phát triển thị trường, tập trung vào khách du lịch từ 4 thị trường trọng điểm: Malaysia, Ấn Độ, Nga và Đài Loan (Trung Quốc). Các nỗ lực cũng sẽ hướng tới việc thúc đẩy tăng trưởng tại các thị trường mới nổi như Saudi Arabia, các nước thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG), kích thích tăng trưởng tiềm năng tại các thị trường như Mỹ, Kazakhstan và các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam và Lào.

Thái Lan đứng thứ hai trong danh sách với 24,6 triệu lượt du khách, tính đến hết 11 tháng đầu năm 2023.
Thái Lan đứng thứ hai trong danh sách với 24,6 triệu lượt du khách, tính đến hết 11 tháng đầu năm 2023.

Tương tự, chính phủ Indonesia cho biết đang chuẩn bị thành lập một quỹ nhằm xúc tiến du lịch trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang tìm cách tăng cường đăng cai các sự kiện uy tín quy mô quốc tế. Quỹ Du lịch Indonesia đặt mục tiêu quản lý 2.000 tỷ rupiah (129 triệu USD) trong năm đầu tiên. Nguồn vốn giai đoạn đầu sẽ hoàn toàn lấy từ ngân sách nhà nước. Theo Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Sandiaga Uno, Chính phủ cũng có kế hoạch bắt đầu phân bổ kinh phí cho các sự kiện đủ điều kiện trong năm 2024.

“Quỹ Du lịch Indonesia nhằm mục đích hỗ trợ các sự kiện, quảng bá du lịch và nâng cao thương hiệu quốc gia”, ông Sandiaga nói rõ. “Chúng tôi sẽ lựa chọn cẩn thận các sự kiện đẳng cấp thế giới có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương và toàn quốc. Hy vọng rằng điều này có thể giúp Indonesia giành quyền đăng cai tổ chức các sự kiện lớn, chẳng hạn như Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) và các buổi hòa nhạc”. Cũng theo ông Sandiaga, ngành “công nghiệp không khói” của “quốc gia vạn đảo” này được dự báo sẽ mang lại doanh thu hơn 220.000 tỷ rupiah (gần 14,2 tỷ USD) vào năm tới.

Trong khi đó, Singapore và Trung Quốc nhiều khả năng thực hiện thỏa thuận miễn thị thực song phương cho công dân hai nước, với thời hạn 30 ngày. Hiện tại, người mang hộ chiếu Trung Quốc phải xin thị thực để vào Singapore, trong khi người Singapore có thể đến Trung Quốc và được miễn thị thực tối đa 15 ngày. Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong - người đang có chuyến thăm Trung Quốc cho biết thỏa thuận miễn thị thực sẽ thúc đẩy giao lưu nhân dân, qua đó củng cố nền tảng của mối quan hệ song phương giữa Singapore và Trung Quốc. 

Singapore muốn tăng lượng khách Trung Quốc bằng cách xúc tiến thỏa thuận miễn thị thực song phương. 
Singapore muốn tăng lượng khách Trung Quốc bằng cách xúc tiến thỏa thuận miễn thị thực song phương. 

Hiện tại, các chuyến bay giữa Singapore và Trung Quốc đang đạt khoảng 70% so với mức trước đại dịch Covid-19. Thỏa thuận miễn thị thực song phương được cho là sẽ tăng cường trao đổi về khách du lịch và sinh viên giữa Singapore và Trung Quốc. Khi thỏa thuận trên được triển khai, Singapore sẽ là quốc gia tiếp theo tại Đông Nam Á miễn thị thực cho du khách Trung Quốc, sau Thái Lan và Malaysia. 

Vươn lên dẫn đầu trong cuộc đua đón khách quốc tế trong khu vực, Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Datuk Seri Tiong King Sing hy vọng lượng khách du lịch tiếp tục tăng sau khi Malaysia áp dụng chính sách miễn thị thực cho khách Trung Quốc và Ấn Độ từ 1/12. Trong khi doanh số bán hàng cuối năm rất đáng khích lệ, các nhà bán lẻ tại Malaysia kỳ vọng việc mở rộng diện miễn thị thực nhập cảnh sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng hơn nữa, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Hiện tại, trong 26 triệu lượt khách quốc tế đến Malaysia, khách Singapore chiếm nhiều nhất với hơn 12,6 triệu lượt. Tiếp theo là Indonesia với 3,1 triệu lượt, Thái Lan 2 triệu lượt, Trung Quốc 1,4 triệu lượt, Brunei 900.000 lượt, Ấn Độ 780.000 lượt. Chủ tịch Hiệp hội Trung tâm mua sắm Malaysia, ông Tan Sri Teo Chiang Kok cho biết chính sách thị thực thông thoáng giúp Malaysia cạnh tranh hơn trên thị trường du lịch khu vực. Đây là sáng kiến rất quan trọng để thúc đẩy du lịch và chi tiêu.

Sự kiện Năm Du lịch Lào 2024 là cơ hội tạo ra bầu không khí sôi động để kích thích nền kinh tế.
Sự kiện Năm Du lịch Lào 2024 là cơ hội tạo ra bầu không khí sôi động để kích thích nền kinh tế.

Tại Lào, chiến dịch Năm Du lịch Lào 2024 vừa khởi động với chủ đề: “Thiên đường văn hóa, thiên nhiên và lịch sử” cùng linh vật là chú voi cầm khèn bè - một loại nhạc cụ truyền thống của Lào như biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng. Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone kêu gọi sự nỗ lực phối hợp trên toàn quốc trong việc tổ chức Năm Du lịch Lào 2024 bằng cách hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho du khách từ khắp nơi trên thế giới với nụ cười ấm áp và trái tim rộng mở.

“Đây là cơ hội để giới thiệu với thế giới về văn hóa và truyền thống phong phú của Lào, tạo ra trải nghiệm đáng nhớ cho du khách”, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone phát biểu. Bộ trưởng Bộ Thông tin - văn hóa và du lịch Lào Suanesavanh Vignaket nói sự kiện Năm Du lịch Lào 2024 cũng là cơ hội tạo ra bầu không khí sôi động để kích thích nền kinh tế. Lào kỳ vọng sẽ thu hút ít nhất 2,7 triệu lượt khách du lịch nước ngoài vào năm 2024, tạo ra doanh thu khoảng 401 triệu USD.

Còn tại Việt Nam, tháng 11/2023 là tháng thứ 5 liên tiếp Việt Nam đón số lượng khách quốc tế vượt quá 1 triệu lượt người, cho thấy triển vọng tích cực của ngành du lịch trong tương lai gần. Sau 11 tháng năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 11,2 triệu lượt, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước và bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2019. Những số liệu tích cực trên tạo ra sự hy vọng vững chắc cho ngành du lịch Việt Nam về việc hoàn thành mục tiêu đón từ 12 - 13 triệu khách quốc tế trong năm 2023.