11:10 04/06/2009

Cuộc viễn chinh toàn cầu của các công ty Ấn

Kiều Oanh

Các công ty Ấn Độ thời gian qua đã đẩy mạnh mua vào các doanh nghiệp của Mỹ, của Anh, và nhiều nước khác trên thế giới

Tỷ phú Ratan Tata (người đứng), Chủ tịch Tập đoàn Tata Steel, tại cuộc họp cổ đông hàng năm của tập đoàn. Tata Steel hiện là nhà sản xuất thép lớn thứ 6 thế giới - Ảnh: Reuters.
Tỷ phú Ratan Tata (người đứng), Chủ tịch Tập đoàn Tata Steel, tại cuộc họp cổ đông hàng năm của tập đoàn. Tata Steel hiện là nhà sản xuất thép lớn thứ 6 thế giới - Ảnh: Reuters.
Trước đây, có thời người phương Tây cho rằng, nếu có một người Ấn làm việc trong trụ sở của một công ty đa quốc gia hoặc một công ty phương Tây nào đó, anh ta hẳn là một kế toán hoặc một chuyên gia máy tính. Nhưng tình hình hiện nay đã khác.

Các công ty Ấn Độ thời gian qua đã đẩy mạnh mua vào các doanh nghiệp của Mỹ, của Anh, và nhiều nước khác trên thế giới. Nhiều công ty Ấn như hãng nhôm Hindalco, hãng xe Tata Motors hay hãng thép Tata Steel đang ở trong một cuộc chinh phục nhằm đạt tới sức cạnh tranh toàn cầu.

“Cơn say” mua bán và sáp nhập (M&A) của các doanh nghiệp Ấn đã phần nào bị sự giảm sút tăng trưởng kinh tế cản lại, nhưng quyết tâm thực hiện tham vọng toàn cầu của họ thì vẫn còn đó.

Sự đảo chiều ngoạn mục

Tới năm 2001, đầu tư ra nước ngoài của Ấn Độ mới chỉ ở mức chưa đầy 1 tỷ USD. Như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Ấn Độ khi đó ra sức thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng tới năm 2006, tình thế đã đảo ngược khi đầu tư ra nước ngoài của Ấn Độ đạt 10 tỷ USD, lần đầu tiên vượt đầu tư nước ngoài vào nước này.

Sang năm 2007, chỉ riêng trong tháng 1 và tháng 2, các công ty Ấn đã đạt được hoặc hoàn tất 40 thỏa thuận đầu tư ra nước ngoài, với tổng trị giá 21 tỷ USD. Đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Ấn trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2007 đã vượt tổng đầu tư ra nước ngoài của các công ty nước này trong suốt 58 năm kể từ khi Ấn Độ giành độc lập, từ 1947 tới 2005.

Hoạt động M&A của giới doanh nghiệp Ấn phản ánh tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế nước này từ năm 1991 tới trước lần sụt giảm hiện nay. Trước khi khủng hoảng nổ ra, 60% trong số 200 doanh nghiệp hàng đầu của Ấn Độ cho biết họ muốn đầu tư ra nước ngoài hoặc mua lại các công ty nước ngoài.

Động lực cho hoạt động M&A của các công ty Ấn không phải do họ là những công ty có địa vị thống trị toàn cầu hay dầm vốn, mà chủ yếu nhờ hoạt động tín dụng cởi mở trên thị trường. Với chiến lược vay nợ hoặc phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn, các doanh nghiệp Ấn hoàn toàn có thể có tiền cho M&A.

Do cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, các công ty đi mua lại các doanh nghiệp nước ngoài khó có thể sử dụng các tài sản của công ty là mục tiêu mua lại làm tài sản thế chấp để vay vốn như trước. Việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán cũng không dễ. Hoạt động M&A của các doanh nghiệp Ấn vì thế giảm mạnh so với thời kỳ 2001-2007.

Mặc dù vậy, không ai có thể phủ nhận rằng, các vụ M&A đã giúp các doanh nghiệp Ấn cải thiện năng lực và vị trí của họ trên thị trường toàn cầu. Cách đây một thập kỷ, chẳng ai có thể hình dung ra chuyện một công ty Ấn bỏ ra nhiều tỷ USD để “tậu” một công ty ở thế giới phát triển, hay mua một thương hiệu hạng sang danh tiếng như Jaguar. Nhưng ngày nay, các công ty Ấn Độ đã trở thành chủ sử dụng lao động người Anh nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.

Doanh nghiệp Ấn mua hớ?

Dù tốc độ thực hiện các vụ mua bán doanh nghiệp của các công ty Ấn đã giảm xuống do khủng hoảng tài chính, nhiều doanh nghiệp nước này thời gian qua vẫn thực hiện những vụ M&A đáng chú ý.

Tata Consultancy Services, bộ phận dịch vụ gia công công nghệ thông tin của tập đoàn Tata Group tháng 10 năm ngoái đã chi 505 triệu USD để mua lại Citigroup Global Services - mảng dịch vụ gia công của Citigroup tại Ấn Độ. Tháng 12/2008, một công ty công nghệ khác của Ấn Độ là HCL đã mua lại công ty Axon Group của Anh với giá 672 triệu USD. Tháng trước, công ty Sterlite của Ấn chào mua hãng khai mỏ đồng đã phá sản Arasco của Mỹ với giá 1,7 tỷ USD.

Trong mắt giới quan sát, một vài vụ mua lại của các doanh nghiệp Ấn có vẻ như bị hớ, nhưng thực tế có lẽ không phải vậy.

Một công ty là mục tiêu mua lại ở thị trường phát triển, với chi phí hoạt động cao ngất và chỉ chú trọng và thị trường nội địa đang trên đà đi xuống, có lẽ chẳng mấy hấp dẫn đối với một doanh nghiệp phương Tây hay Nhật Bản có chiến lược mua lại. Nhưng với một công ty Ấn, mục tiêu này có thể rất đáng giá, vì có thương hiệu, có khách hàng và có công nghệ mà công ty Ấn đang cần tới cho mục tiêu vươn ra thị trường thế giới.

Rõ ràng, tầm nhìn và chiến lược của doanh nghiệp Ấn Độ và phương Tây là khác nhau.

Ba ưu thế

Trước đây, dù là những doanh nghiệp lớn trong nước, nhưng nhiều tập đoàn của Ấn Độ không có được sự tự tin hay khả năng để nhảy vào sân chơi toàn cầu. Tuy nhiên, nhờ được tôi luyện trong môi trường kinh doanh khắc nghiệt  Ấn, những doanh nghiệp này đang nỗ lực tận dụng những ưu điểm của cả hai thị trường trong và ngoài nước, bằng cách một mặt tiếp cận với thị trường lợi nhuận cao của thế giới phát triển qua việc sở hữu các công ty Âu-Mỹ, mặt khác tiếp tục duy trì hoạt động với chi phí thấp ở trong nước.

Lúc này, các doanh nghiệp Ấn đã vô cùng tự tin với chiến lược thâu tóm các đối thủ ngoại và sáp nhập những công ty này vào công ty của họ ở Ấn Độ. Có thể nói, các công ty Ấn Độ có ba ưu thế nổi bật để thực hiện các vụ mua lại.

Thứ nhất, nhiều công ty trong số này là một phần của một nhóm công ty, kiểu như Aditya Birla hay Tata. Do đó, họ có thể dùng vốn từ các công ty khác trong tập đoàn, hoặc dùng tài sản của tập đoàn để thế chấp vay vốn, cho các vụ mua lại - một lợi thế mà các công ty riêng lẻ không có được.

Thứ hai, các công ty Ấn vốn thường có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cực cao. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Ấn có thể tồn tại và hoạt động với mức nợ cao mà các công ty phương Tây e ngại. Trước đây, các công ty của Ấn Độ thường dễ dàng vay vốn từ các ngân hàng quốc doanh có sứ mệnh hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế đất nước. Ngày nay, họ không dễ vay vốn trên thị trường tài chính toàn cầu, nhưng quan điểm không ngại tỷ lệ vốn vay cao vốn có tiếp tục thúc đẩy chiến lược M&A.

Và thứ ba, dù là doanh nghiệp đại chúng, các công ty Ấn thường nằm dưới sự điều khiển của những gia đình hoặc những cổ đông cá nhân đầy quyền lực. Những cổ đông này thường nhanh chóng đưa ra các quyết định mua lại, dù thừa biết giá cổ phiếu của công ty sẽ sụt giảm trong thời gian ngắn. Điều này khó xảy ra ở những công ty được điều hành thận trọng ở phương Tây, nơi lương của giám đốc điều hành có sự lên xuống mật thiết với giá cổ phiếu.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các vụ M&A không dễ thành công. Tỷ lệ thất bại trong các vụ M&A là 50%, càng các vụ lớn càng dễ đổ vỡ, các vụ xuyên biên giới dễ thất bại hơn các vụ trong nước. Các nước châu Á từng tham gia nhiều vụ mua lại ở nước ngoài như Trung Quốc và Ấn Độ cũng chứng kiến tỷ lệ thất bại cao trong hoạt động này. Bởi thế, chưa có lý do gì để tin rằng, các công ty của Ấn Độ sẽ đạt tới tỷ lệ thành công cao hơn trong các nỗ lực thâu tóm các đối thủ ngoại.

Nhưng dù sao đi chăng nữa, đối với các nước phát triển và các công ty ở đó, đây đã là thời mà các doanh nghiệp đến từ Ấn là những nhà đầu tư nước ngoài khổng lồ.

(Theo Business Week)