Cuối tuần, giá vàng miếng không giữ được mốc 70 triệu đồng/lượng
Dù tuột khỏi ngưỡng 70 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn giá quốc tế quy đổi khoảng 14 triệu đồng/lượng...
Giá vàng thế giới giảm trong phiên ngày thứ Sáu, kéo giá vàng miếng trong nước sáng nay (12/3) giảm theo. Dù tuột khỏi ngưỡng 70 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn giá quốc tế quy đổi khoảng 14 triệu đồng/lượng.
Lúc hơn 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 67,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,7 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 550.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 450.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,75 triệu đồng/lượng và 57,05 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 150.000 đồng/lượng và 50.000 đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 67,5 triệu đồng/lượng và 69,3 triệu đồng/lượng
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 14,1-14,5 triệu đồng/lượng.
Tuần này, giá vàng miếng lập kỷ lục mọi thời đại khi vượt 74 triệu đồng/lượng. Ở thời điểm đó, giá vàng miếng bán lẻ cao hơn trên 19 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế.
Sau khi lập đỉnh, giá vàng chuyển sang giằng co mạnh, có lúc tụt về 68 triệu đồng/lượng, rồi chững lại quanh ngưỡng 70 triệu đồng/lượng từ ngày thứ Sáu. Giá vàng biến động liên tục và khó lường, cộng thêm chênh lệch giá mua-bán vàng kéo giãn rộng, phổ biến 2 triệu đồng/lượng, nên người mua vàng trong tuần này đối mặt nhiều rủi ro.
Giá vàng giao ngay tại thị trường Mỹ chốt phiên ngày thứ Sáu với mức giảm 6,1 USD/oz, còn 1.992,1 USD/oz. Mức giá này tương đương 55,2 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Tuần này, giá vàng có lúc vượt mốc 2.000 USD/oz, lên gần mức kỷ lục mọi thời đại thiết lập vào tháng 8/2020. Tuy nhiên, giá kim loại quý này chưa thể lập một kỷ lục mới và đã trượt khỏi mốc 2.000 USD/oz.
Vàng vẫn đang được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh xung đột vũ trang Nga-Ukraine và nhu cầu phòng ngừa lạm phát.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/3 nói rằng đã có “những chuyển biến tích cực nhất định” trong cuộc đàm phán giữa Nga với Ukraine. Tuy nhiên, hai bên chưa đàm phán về ngừng bắn. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy được cho là nói rằng Ukraine đã đạt tới một “bước ngoặt mang tính chiến lược” trong cuộc chiến với Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi chấm dứt địa vị đối tác thương mại ưu tiên của Nga, trong khi Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật ngân sách bao gồm 14 tỷ USD viện trợ cho Ukraine.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Mỹ công bố tuần này cho thấy mức lạm phát cao nhất 40 năm.
Tuy nhiên, vàng cũng đang đối mặt với sức ép giảm giá từ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Bên cạnh đó, nhà phân tích Michael Hewson thuộc CMC Markets UK nói rằng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vững lên cũng gây áp lực giảm đối với giá vàng.
Cả tuần, giá vàng tăng khoảng 1,2%. Việc giảm dưới 1.900 USD/oz cho thấy vàng đang bước vào một giai đoạn củng cố trước khi có thể tiếp tục bứt phá.
Đồng USD tiếp tục phát huy vai trò kênh đầu tư an toàn trong tuần này, với chỉ số Dollar Index chốt tuần ở mức hơn 99,1 điểm, tăng gần 0,5% trong cả tuần.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.420 đồng (mua vào) và 23.480 đồng (bán ra), giảm 10 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.
Ngân hàng Vietcombank báo giá USD ở mức 22.730 đồng và 23.010 đồng, tăng 10 đồng ở cả hai đầu giá.