Cựu CEO Tiffany sẽ mang lại những gì cho hãng đồng hồ Audemars Piguet?
Từ ngày 11/11 sắp tới, hội đồng quản trị của thương hiệu Audemars Piguet sẽ do Alessandro Bogliolo làm Chủ tịch. Ông Bogliolo từng là CEO của Tiffany, ông rời khỏi thương hiệu đồ trang sức sau khi tập đoàn LVMH hoàn tất việc mua lại Tiffany & Co…
Ông Alessandro Bogliolo sẽ kế nhiệm Jasmine Audemars, cháu gái của người sáng lập Audemars Piguet, người muốn từ bỏ vị trí chủ tịch hội đồng quản trị. “30 năm lãnh đạo Audemars Piguet là một trải nghiệm độc đáo và phong phú, nhờ vào sự nhiệt tình và chuyên nghiệp của tất cả nhân viên, những người đã góp phần xây dựng thành công hiện tại của thương hiệu. Tôi mong muốn được giữ liên lạc, ngay cả khi xa hơn một chút, vì tôi sẽ vẫn là Chủ tịch của Audemars Piguet Foundation. Chúng tôi vẫn còn nhiều điều tuyệt vời phải hoàn thành”, bà Jasmine Audemars chia sẻ.
Ông Bogliolo, 57 tuổi, được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị của Audemars Piguet vào ngày 15/8. Từ năm 2017 đến tháng 1/2021, ông Bogliolo là Giám đốc điều hành và thành viên ban điều hành của thương hiệu trang sức Tiffany & Co. có trụ sở tại New York. Ông rời khỏi công ty khi thương vụ tập đoàn xa xỉ Pháp LVMH mua lại Tiffany được hoàn tất, nhường chỗ cho cựu Phó Chủ tịch cấp cao của Tiffany & Co. tại Bắc Mỹ, Anthony Ledru.
Trước khi làm CEO của Tiffany, ông Bogliolo từng là Giám đốc điều hành của thương hiệu quần jean Ý Diesel, và đã đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý cấp cao tại Bulgari trong suốt 16 năm, ở Singapore, Ý và Mỹ. Sơ yếu lý lịch của Bogliolo cũng bao gồm các công việc là giám đốc điều hành của chuỗi sản phẩm làm đẹp Sephora và là giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Bain & Co.
Đến với thương hiệu trang sức vào đúng thời điểm Tiffany đang gặp khó khăn trong việc thu hút những người mua sắm trẻ tuổi, ông Bogliolo khi đó cho biết: “Mục tiêu của tôi là tiếp tục làm hài lòng khách hàng của chúng tôi với các dịch vụ sản phẩm hấp dẫn, được hỗ trợ bởi các hoạt động tốt nhất. Tôi cam kết củng cố vị thế của công ty như một trong những thương hiệu cao cấp quan trọng nhất thế giới và mang lại giá trị cho tất cả các bên liên quan của chúng tôi". Tại thời điểm đó, ông dự kiến sẽ nhận được mức lương cơ bản hàng năm là 1,4 triệu đô la.
Hồi tháng 6 năm nay, thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ Audemars Piguet đã thông báo rằng François-Henry Bennahmias sẽ rời vị trí Giám đốc điều hành vào cuối năm 2023. François-Henry Bennahmias là một biểu tượng của “dám nghĩ, dám làm, dám nói”, vị lãnh đạo tài năng đã thúc đẩy một thương hiệu đã thành danh và đang dần bị các đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ hơn lớn lướt. Trong mười năm qua, Audemars Piguet đã tăng hơn gấp đôi doanh thu và tỷ suất lợi nhuận hoạt động, đồng thời duy trì tính độc quyền, do đó nâng cao sức hút đối với khách hàng và nhà sưu tập.
Thường bị chỉ trích vì phụ thuộc vào dòng sản phẩm duy nhất – Royal Oak huyền thoại đóng góp hơn 90% doanh thu và thậm chí nhiều hơn lợi nhuận – thương hiệu Le Brassus (quê hương của các nhà chế tác đồng hồ sang trọng Audemars Piguet) đã có thể tái tạo sản phẩm chủ đạo của mình trong thời kì François, biến nó thành một biểu tượng trong sản xuất đồng hồ. Nhưng kế hoạch tiếp thị và kinh doanh của Bennahmias không nhờ thiên tài mà là khả năng thông thường và khả năng đoàn kết nhóm của ông.
Sự phát triển của thương hiệu trong nhiệm kỳ 11 năm của ông François-Henry Bennahmias chắc chắn sẽ là một nghiên cứu điển hình trong trường kinh doanh minh họa năng lực của một thương hiệu trong việc tái tạo lại mọi thứ mà không cần thay đổi bất cứ điều gì. Đồng thời, đây cũng sẽ là thách thức đối với năng lực quản trị của ông Alessandro Bogliolo. Audemars Piguet đạt doanh thu hơn 1,6 tỷ USD vào năm ngoái và là thương hiệu lớn thứ 4 về doanh số (vượt qua cả Patek Philippe) tại Thụy Sĩ. Đây là thành tích rất ấn tượng.
Tuy nhiên, giới chuyên môn đánh giá, ông Alessandro Bogliolo có vẻ như khá thuận lợi khi bắt đầu công việc vào thời điểm này. Liên đoàn Công nghiệp Đồng hồ Thụy Sĩ vừa có thông báo giá trị xuất khẩu đồng hồ của Thụy Sĩ đã tăng 8,3% trong tháng 7/2022 so với tháng 7/2021 lên 2,2 tỷ CHF (2,3 tỷ USD). Xuất khẩu đồng hồ của Thụy Sĩ lên gần mức kỷ lục và đạt giá trị cao nhất trong 8 năm khi nhu cầu đối với những chiếc đồng hồ đắt tiền bùng nổ.
Nhu cầu về đồng hồ xa xỉ đã tăng vọt sau khi nhiều người tiêu dùng bị mắc kẹt ở nhà trong thời kỳ đại dịch đã bỏ tiền vào các thương hiệu Thụy Sĩ từ Rolex, Omega đến Audemars Piguet và Patek Philippe. Xuất khẩu sang Mỹ tăng 13,5% so với năm trước và đây vẫn là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ sau khi vượt qua Trung Quốc vào năm ngoái.
Nhu cầu ở Trung Quốc đang phục hồi khi các biện pháp phong tỏa do Covid-19 giảm bớt với xuất khẩu phục hồi và giữ vị trí là thị trường lớn thứ hai cho xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ. Ngoại trừ Hong Kong, Hàn Quốc và Nhật Bản, xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ trong tháng 7/2022 sang hầu hết các thị trường lớn ở châu Á và châu Âu đều tăng ở mức hai con số. Xu hướng phân khúc cao cấp thúc đẩy ngành công nghiệp vẫn tồn tại với những chiếc đồng hồ có giá trên 500 CHF, chiếm hơn 1/3 số lượng và 95% giá trị.