15:17 26/08/2022

Fast Retailing muốn cạnh tranh với Shein tại thị trường Mỹ

Băng Hảo

Fast Retailing vừa thông báo về việc khai trương thương hiệu “chị em” của Uniqlo có tên là GU tại Hoa Kỳ vào mùa thu năm nay. Mở cửa hàng pop-up trên phố Broadway ở New York, GU sẽ làm “hàng xóm” với một số “ông lớn” thời trang nhanh như Forever21, Zara và Mango…

Ảnh: Nikkei Asia
Ảnh: Nikkei Asia

Theo đó, cửa hàng rộng gần 270 mét vuông của thương hiệu sẽ là nơi bày bán dòng quần áo và phụ kiện thời trang đặc biệt dành cho cả nam và nữ. Đây là cửa hàng đầu tiên của GU bên ngoài châu Á và sẽ mở cửa cho đến mùa hè năm 2023. Sau đó, Fast Retailing sẽ quyết định có mở rộng hoạt động kinh doanh của GU ở Mỹ hay không, dựa trên doanh số bán hàng và các yếu tố khác.

GU được thành lập vào năm 2006 với tư cách là một thương hiệu phái sinh trẻ trung hơn của Uniqlo. Ngày nay, nó có 450 địa điểm, doanh số bán quần áo và phụ kiện của GU mang lại 249 tỷ yên (1,9 tỷ USD), chiếm khoảng 12% doanh thu của Fast Retailing trong năm tài chính vừa qua.

Giám đốc điều hành của GU, Osamu Yunoki chia sẻ: “New York là nơi mà mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới, một thành phố thú vị giao thoa giữa thời trang, nghệ thuật, âm nhạc và các yếu tố văn hóa đa dạng khác. Bằng cách mở một cửa hàng ở trung tâm Soho, chúng tôi sẽ có thể tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng, bao gồm cả người dân New York cũng như khách du lịch, cung cấp sự lựa chọn cho họ với những bộ trang phục thể hiện cá tính riêng”.

Khác với phong cách cơ bản tối giản của Uniqlo, phong cách của GU được cho là hợp xu hướng hơn với nhiều hoạ tiết, hoa văn và phong cách với mức giá thấp hơn. Giá của các sản phẩm dao động từ 590 yen (4 USD) đến 6.990 yen (52 USD), gần một phần ba giá của Uniqlo. Kiểu dáng được cập nhật thường xuyên phù hợp với xu hướng thời trang toàn cầu và có giá cả phải chăng.

Đây là cửa hàng đầu tiên của GU bên ngoài châu Á và sẽ mở cửa cho đến mùa hè năm 2023.
Đây là cửa hàng đầu tiên của GU bên ngoài châu Á và sẽ mở cửa cho đến mùa hè năm 2023.

Mặc dù 60% đến 70% khách hàng của GU là phụ nữ trong độ tuổi thanh thiếu niên đến đầu 30 tuổi, thương hiệu hiện đang chuyển hướng sang nhóm khách hàng phi giới tính và không giới hạn tuổi tác. Các phong cách thiết kế của hãng hiện đã áp dụng các mẫu unisex để phục vụ cho khách hàng Gen Z và phong cách sống ngày càng đa dạng của họ. Thương hiệu cũng đã chuyển chiến lược sang sử dụng nhiều nhóm người mẫu đa dạng hơn trong các quảng cáo của mình, đồng thời khuyến khích khách hàng kết hợp các mặt hàng khác nhau để tạo ra phong cách độc đáo của riêng mình.

GU gần đây cũng đã thành lập các trung tâm nghiên cứu ở các kinh đô thời trang Tokyo và London, thực hiện Dự án Ariake mang tính chuyển đổi của mình để có thể hiểu khách hàng muốn gì và dự báo nhu cầu kịp thời. Sắp tới đây, GU sẽ phải điều chỉnh kích thước và phong cách của mình cho người tiêu dùng Mỹ và các nhóm dân tộc khác nhau. Trong nỗ lực của Fast Retailing nhằm thâm nhập thị trường Mỹ, công ty đặt mục tiêu phát triển 200 cửa hàng trong vòng 5 năm so với con số chưa tới 100 cửa hàng hiện tại.

GU sẽ phải điều chỉnh kích thước và phong cách của mình cho người tiêu dùng Mỹ và các nhóm dân tộc khác nhau.
GU sẽ phải điều chỉnh kích thước và phong cách của mình cho người tiêu dùng Mỹ và các nhóm dân tộc khác nhau.

Giới đầu tư đánh giá, khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, thời trang giá rẻ của GU có thể phù hợp với túi tiền của những khách hàng yêu thích các thương hiệu như Shein. Bên cạnh đó, khác với những tố cáo nhắm vào Shein về khía cạnh môi trường, trong suốt hơn 20 năm qua, phát triển bền vững luôn là mục tiêu quan trọng của tập đoàn Fast Retailing nói chung trên quy mô toàn cầu, thông qua từng khâu hoạt động, sản xuất và trong từng sản phẩm đến khách hàng.

Cụ thể, tập đoàn Fast Retailing đặt mục tiêu tăng tỷ trọng các sản phẩm làm từ vật liệu tái chế lên đến 50% vào năm tài chính 2030, cùng cam kết giảm lượng khí thải nhà kính đến 90% trong toàn bộ hoạt động của tập đoàn.

Fast Retailing cũng hợp tác với công ty tư vấn và kỹ thuật hậu cần Daifuku của Nhật Bản để tự động hóa hầu hết các hoạt động kho hàng của mình bằng cách sử dụng thẻ điện tử, cảm biến, rô bốt và các công nghệ khác. Fast Retailing cũng đã thiết lập các kho hàng tương tự ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Úc. Mặc dù một cơ sở lớn có thể tiêu tốn hàng trăm triệu đô la để tự động hóa, nhưng công ty kỳ vọng sẽ tiết kiệm được về lâu dài trong bối cảnh thiếu hụt lao động toàn cầu trong lĩnh vực hậu cần.

Tuy nhiên, chỉ có thời gian mới trả lời được liệu thương hiệu này có khả năng “đánh bật” được Shein cũng như tồn tại được trong thế giới thời trang cạnh tranh gay gắt của New York hay không.