Cựu ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc thừa nhận “ăn” hối lộ 27 triệu USD
Phiên tòa xét xử Tôn Chính Tài đã diễn ra vào ngày thứ Năm tại Tòa án Trung thẩm Nhân dân số 1, thành phố Thiên Tân
Ông Tôn Chính Tài, "ngôi sao" chính trị một thời của Trung Quốc, ngày 12/4 thừa nhận đã nhận hối lộ tổng số tiền 170 triệu Nhân dân tệ, tương đương 27 triệu USD.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), phiên tòa xét xử Tôn Chính Tài đã diễn ra vào ngày thứ Năm tại Tòa án Trung thẩm Nhân dân số 1, thành phố Thiên Tân.
Một tuyên bố của tòa cho biết, Tôn Chính Tài, một cựu ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, thừa nhận đã nhận hối lộ số tiền trên. Tuyên bố cũng nói bị cáo khẳng định duy nhất bản thân chịu trách nhiệm trong việc nhận hối lộ này.
Phiên tòa đã bị hoãn lại sau phiên tranh tụng kéo dài nửa ngày. Tòa án cho biết sẽ đưa ra phán quyết và bản án dành cho Tôn Chính Tài trong thời gian tới, nhưng không rõ sẽ tuyên án vào ngày nào.
Tôn Chính Tài, 54 tuổi, từng là Bí thư thành ủy Trùng Khánh. Ông này bị cách chức vào tháng 7 năm ngoái và bị điều tra tham nhũng ngay sau đó.
Cơ quan điều tra cáo buộc Tôn Chính Tài lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm lợi bất hợp pháp cho người khác và nhận hối lộ 170 triệu Nhân dân tệ. Việc nhận hối lộ diễn ra trực tiếp hoặc thông qua tay chân của Tôn Chính Tài - hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho hay.
Các nhà điều tra cho rằng Tôn Chính Tài đã phạm tội từ khi là một Bí thư quận ủy ở Bắc Kinh vào năm 2002, trong suốt thời gian nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp, rồi khi làm Bí thư tỉnh Cát Lâm và thành phố Trùng Khánh.
Tôn Chính Tài đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và kỷ luật bởi cơ quan chống tham nhũng của đảng vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng. Ông này cũng bị truyền thông nhà nước Trung Quốc lên án mạnh mẽ trước khi ra tòa.
Tờ Nhân dân Nhật báo ngày 12/4 đăng một bài bình luận nói rằng việc xét xử Tôn Chính Tài phản ánh động lực mạnh mẽ của chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.
"Vụ xét xử gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến thế giới bên ngoài: không có một ‘đảng viên đặc biệt nào’ khi nói về kỷ luật đảng và luật pháp", bài báo viết.
Tôn Chính Tài từng là thành viên trẻ nhất của Bộ Chính trị Trung Quốc và được coi như một ứng cử viên cho ghế ủy viên thường trực Bộ Chính trị.
Sau khi Tôn Chính Tài "ngã ngựa", người thay ông này làm Bí thư Trùng Khánh là ông Trần Mẫn Nhĩ, một "ngôi sao" chính trị đang lên khác của Trung Quốc. Trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc vào tháng trước, ông Trần Mẫn Nhĩ chỉ trích Tôn Chính Tài là "ngoài mặt thì tuân thủ, nhưng trong lòng lại chống đối" các chính sách của Chính phủ.
Sau kỳ họp, tờ báo chính thức của Trùng Khánh đăng một loạt bài chỉ trích những gì mà Tôn Chính Tài đã làm trước đây ở thành phố này.
Những sai phạm của Tôn Chính Tài bao gồm mở những dự án trên danh nghĩa nhằm cải thiện dân sinh, nhưng không mang lại kết quả gì; thờ ơ với nỗi đau và an nguy của người dân khi không trực tiếp đến thăm các khu vực bị thiên tai; và bóp méo chính sách của Chính phủ trung ương trong quá trình thực thi sao cho phù hợp với quan điểm cá nhân - các bài trên báo Trùng Khánh viết.
Đến nay, Tôn Chính Tài là chính trị gia đương chức cấp cao nhất "sa lưới" chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Trước đó, chiến dịch này đã khởi tố nhiều quan chức cấp cao khác, bao gồm một cựu Bí thư khác của Trùng Khánh là Bạc Hy Lai, cựu Ủy viên thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, cựu trợ lý của nguyên Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào là Lệnh Kế Hoạch…
Tòa án Trung thẩm Nhân dân số 1, thành phố Thiên Tân có nhiều kinh nghiệm về xét xử các quan chức cấp cao "ngã ngựa" trong chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc. Cả Chu Vĩnh Khang và Lệnh Kế Hoạch đều ra trước vành móng ngựa ở tòa án này và đều lĩnh án chung thân với các tội danh nhận hối lộ, làm lộ bí mật nhà nước và lạm dụng quyền lực.