"Đa chiều" phương án làm việc lệch giờ
Chỉ trong nội bộ lãnh đạo Hà Nội đã có những ý kiến khác nhau về phương án làm việc lệch giờ để giảm giao thông "nóng"
Nỗi khổ lớn nhất của người Hà Nội bây giờ là hễ cứ thò mặt ra đường là vấp phải nạn ùn tắc giao thông.
Trong khi toàn dân cau có than thở thì các cơ quan chức năng của Hà Nội cũng đang vắt óc ra để tìm các biện pháp làm cho Thủ đô được đường thông hè thoáng.
Có rất nhiều phương án, có rất nhiều sáng kiến, có rất nhiều đề nghị, góp ý đầy khoa học và tâm huyết, nhưng, dường như lãnh đạo thành phố cũng đang bị cảnh đứng giữa ngã ba đường, đang bị cảnh “trở đi mắc núi, trở về mắc sông”. Bởi vì có những biện pháp nếu áp dụng thì đường sẽ thông, nhưng lòng dân lại không thoáng. Có những việc, nếu để dân hài lòng, thì bài toán ùn tắc lại lâu lắm mới có thể giải xong.
Và trong cái mớ lùng nhùng như thế quanh chuyện ùn tắc, người dân chỉ biết “bắt lỗi” có mỗi anh cảnh sát giao thông, chứ mấy ai hiểu thấu đáo, rằng chuyện giao thông không phải chỉ mình mấy anh cảnh sát mà lo được.
Tầm vĩ mô thì phải là việc quy hoạch thành phố, qui hoạch giao thông cho hàng chục năm trước mắt của các bác lãnh đạo thành phố; tầm vi mô thì còn có anh giao thông công chính, trật tự đô thị, lo phân luồng hợp lí, lo qui định biển báo bến bãi rành mạch, rõ ràng, lo đường trên cao dưới thấp, lo giao thông tĩnh giao thông động thật là chi tiết.
Nhưng mà dân cứ kêu. Cứ thấy ùn tắc là lại ném cái “ánh mắt mang hình viên đạn” về phía mấy anh cảnh sát giao thông đang mồm thổi còi, tay khuơ gậy, chìm trong biển người và bể bụi, vã mồ hôi hột, khản đặc cả cổ, vẫn chẳng thể nào vãn hồi được trật tự đường phố.
Dân trách cứ, dân kêu ca, cơ quan chức năng trong thành phố thì tìm các giải pháp chưa ra, thế nên công an phải đề ra các phương án tình thế để cho đường thông, để cho dân đỡ khổ, đỡ kêu ca, và chính mình cũng may ra thoát cảnh trần ai.
Người phải vắt óc nghĩ ra các cách, các biện pháp làm đường thông hè thoáng lại không ai khác là chính thủ trưởng của cảnh sát giao thông, của công an Hà Nội. Vừa phải lo họp Quốc hội khoá XII, vừa phải lo cả chuyện an ninh chính trị lẫn trật tự xã hội, lo từ việc giải tán dân các tỉnh về khiếu kiện đến tìm ra kẻ đã phát tán video clip cảnh “nóng” của Thuỳ Linh - Vàng Anh lên mạng, ông Giám đốc CA Hà Nội vẫn không thể quên được chuyện ùn tắc ngoài đường phố.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, đã đề ra một biện pháp, chắc chắn là hữu hiệu, nhưng phải được nhân dân rất thông cảm đồng tình mới thành công. Đó là việc các cơ quan Trung ương và Hà Nội sẽ bắt đầu và kết thúc giờ làm việc lệch nhau để giảm lượng người và phương tiện tham gia giao thông trong giờ cao điểm.
Thiếu tướng Nhanh nói: “Đổi giờ làm việc, giao thông Hà Nội sẽ giảm được một phần sức “nóng” nhưng người dân phải chấp nhận những sự bất hợp lý”. Và rồi, ngày 16/10, Công an Hà Nội đã đề nghị UBND thành phố sớm báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng về phương án tổ chức cán bộ, công chức đi làm lệch giờ giữa cơ quan trung ương và Hà Nội.
Theo đó, cơ quan trung ương duy trì làm việc từ 7h30 sáng và kết thúc lúc 16h30. Cơ quan thuộc thành phố nên làm từ 8h30 đến 17h30. Các cơ sở mang tính chất phục vụ như trường học phổ thông thì phải học theo giờ thành phố, đại học, cao đẳng phải học theo giờ trung ương.
Lệch pha một giờ sẽ khiến giảm ùn tắc hơn một chút nhưng sẽ có bất cập như bố mẹ làm cơ quan trung ương, con cái học theo giờ thành phố.
Về những bất cập sẽ xảy ra khi phương án làm việc lệch giờ được Công an Hà Nội đề xuất này, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết, nếu công chức Hà Nội làm việc từ 8h30 nhưng 7h vẫn phải đưa con đi học thì cũng là một vấn đề. Thành phố đang phải điều tra xem với số dân hiện nay, đối tượng có con đi nhà trẻ cũng là công chức của địa phương là bao nhiêu. Việc này đã giao cho Sở Nội vụ và Sở Lao động Thương binh Xã hội xem xét, thống kê cụ thể.
Ông Thảo khẳng định hoàn toàn ủng hộ phương án của Công an Hà Nội và sang tháng 11 sẽ xây dựng nghị quyết về việc đổi giờ làm việc. Tuy vậy, thực tế hiện nay, chúng ta chưa có số liệu cụ thể để nắm được số người phải “gánh” sự bất hợp lý từ phương án làm việc lệch giờ sẽ chiếm tỷ lệ thấp hay cao trong dân số Hà Nội.
Còn theo Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh thì Hà Nội cần khảo sát kỹ số lượng công chức phải đưa, đón con đi học. Bà Thanh cho rằng, thay đổi giờ làm việc chỉ là giải pháp tình thế, không mang tính lâu dài, bài bản và biện pháp này cũng chưa chắc mang lại hiệu quả cao.
Như vây, chỉ trong nội bộ lãnh đạo Hà Nội đã có những ý kiến khác nhau về phương án làm việc lệch giờ. Xét cho cùng bài toán giao thông Hà Nội vẫn rất khó khăn trong nhiều năm tới.
Ông Nhanh đã đưa ra ba phương án giảm “nóng” giao thông Hà Nội là: quy hoạch lại giao thông cả nước cũng như các thành phố lớn; có lộ trình về vấn đề phương tiện giao thông cá nhân; tăng phương tiện giao thông công cộng và giảm dần phương tiện giao thông cá nhân.
Tuy vậy, khi những phương án vĩ mô này triển khai được thì những việc vi mô như: đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông lớn: vành đai 3, cầu Thanh Trì, đường Láng - Hòa Lạc..., góp phần “kéo” cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện ra khỏi khu trung tâm, giảm lưu lượng xe và người trong nội đô thì lại được thực hiện kiểu “rùa bò”.
Kế hoạch xây 5 cầu vượt cho người đi bộ, triển khai qua hai năm mới ì ạch xong được một chiếc. Không đưa ra giải pháp hay, lại có quyết định thiếu hợp lý. Đó là Quyết định 227 về việc phân cấp cho quận, huyện quản lý vỉa hè, lòng đường. Chính từ quyết định này, vỉa hè Hà Nội gần như đã biến mất, nhường chỗ cho quán ăn, giải khát, bán hàng rong... Và, người đi bộ đành... đi vào phần đường dành cho ô tô, xe máy.
Thế là, trong khi chờ những dự án của tương lai đi vào thực tế, đợi những khó khăn, sai lầm được sửa chữa thì người dân Hà Nội nên bắt đầu làm quen dần với việc làm việc lệch giờ.
Hy vọng, nếu phải chịu những bất hợp lý từ phương án này tạo ra thì người công chức sẽ có được những lợi ích khi tham gia giao thông, sẽ được thấy cảnh đường thông, hè thoáng. Nếu mình có vất vả một chút, mà vợ con mình, mà đồng nghiệp mình, mà đồng bào mình bớt khổ, thì có lẽ điều ấy cũng nên làm. Bởi nói cho đến cùng, nguyên tắc sống “mình vì mọi người” vẫn là một thước đo của con người văn minh, hiện đại, hơn nữa lại là người thanh lịch Tràng An.
Trong khi toàn dân cau có than thở thì các cơ quan chức năng của Hà Nội cũng đang vắt óc ra để tìm các biện pháp làm cho Thủ đô được đường thông hè thoáng.
Có rất nhiều phương án, có rất nhiều sáng kiến, có rất nhiều đề nghị, góp ý đầy khoa học và tâm huyết, nhưng, dường như lãnh đạo thành phố cũng đang bị cảnh đứng giữa ngã ba đường, đang bị cảnh “trở đi mắc núi, trở về mắc sông”. Bởi vì có những biện pháp nếu áp dụng thì đường sẽ thông, nhưng lòng dân lại không thoáng. Có những việc, nếu để dân hài lòng, thì bài toán ùn tắc lại lâu lắm mới có thể giải xong.
Và trong cái mớ lùng nhùng như thế quanh chuyện ùn tắc, người dân chỉ biết “bắt lỗi” có mỗi anh cảnh sát giao thông, chứ mấy ai hiểu thấu đáo, rằng chuyện giao thông không phải chỉ mình mấy anh cảnh sát mà lo được.
Tầm vĩ mô thì phải là việc quy hoạch thành phố, qui hoạch giao thông cho hàng chục năm trước mắt của các bác lãnh đạo thành phố; tầm vi mô thì còn có anh giao thông công chính, trật tự đô thị, lo phân luồng hợp lí, lo qui định biển báo bến bãi rành mạch, rõ ràng, lo đường trên cao dưới thấp, lo giao thông tĩnh giao thông động thật là chi tiết.
Nhưng mà dân cứ kêu. Cứ thấy ùn tắc là lại ném cái “ánh mắt mang hình viên đạn” về phía mấy anh cảnh sát giao thông đang mồm thổi còi, tay khuơ gậy, chìm trong biển người và bể bụi, vã mồ hôi hột, khản đặc cả cổ, vẫn chẳng thể nào vãn hồi được trật tự đường phố.
Dân trách cứ, dân kêu ca, cơ quan chức năng trong thành phố thì tìm các giải pháp chưa ra, thế nên công an phải đề ra các phương án tình thế để cho đường thông, để cho dân đỡ khổ, đỡ kêu ca, và chính mình cũng may ra thoát cảnh trần ai.
Người phải vắt óc nghĩ ra các cách, các biện pháp làm đường thông hè thoáng lại không ai khác là chính thủ trưởng của cảnh sát giao thông, của công an Hà Nội. Vừa phải lo họp Quốc hội khoá XII, vừa phải lo cả chuyện an ninh chính trị lẫn trật tự xã hội, lo từ việc giải tán dân các tỉnh về khiếu kiện đến tìm ra kẻ đã phát tán video clip cảnh “nóng” của Thuỳ Linh - Vàng Anh lên mạng, ông Giám đốc CA Hà Nội vẫn không thể quên được chuyện ùn tắc ngoài đường phố.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, đã đề ra một biện pháp, chắc chắn là hữu hiệu, nhưng phải được nhân dân rất thông cảm đồng tình mới thành công. Đó là việc các cơ quan Trung ương và Hà Nội sẽ bắt đầu và kết thúc giờ làm việc lệch nhau để giảm lượng người và phương tiện tham gia giao thông trong giờ cao điểm.
Thiếu tướng Nhanh nói: “Đổi giờ làm việc, giao thông Hà Nội sẽ giảm được một phần sức “nóng” nhưng người dân phải chấp nhận những sự bất hợp lý”. Và rồi, ngày 16/10, Công an Hà Nội đã đề nghị UBND thành phố sớm báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng về phương án tổ chức cán bộ, công chức đi làm lệch giờ giữa cơ quan trung ương và Hà Nội.
Theo đó, cơ quan trung ương duy trì làm việc từ 7h30 sáng và kết thúc lúc 16h30. Cơ quan thuộc thành phố nên làm từ 8h30 đến 17h30. Các cơ sở mang tính chất phục vụ như trường học phổ thông thì phải học theo giờ thành phố, đại học, cao đẳng phải học theo giờ trung ương.
Lệch pha một giờ sẽ khiến giảm ùn tắc hơn một chút nhưng sẽ có bất cập như bố mẹ làm cơ quan trung ương, con cái học theo giờ thành phố.
Về những bất cập sẽ xảy ra khi phương án làm việc lệch giờ được Công an Hà Nội đề xuất này, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết, nếu công chức Hà Nội làm việc từ 8h30 nhưng 7h vẫn phải đưa con đi học thì cũng là một vấn đề. Thành phố đang phải điều tra xem với số dân hiện nay, đối tượng có con đi nhà trẻ cũng là công chức của địa phương là bao nhiêu. Việc này đã giao cho Sở Nội vụ và Sở Lao động Thương binh Xã hội xem xét, thống kê cụ thể.
Ông Thảo khẳng định hoàn toàn ủng hộ phương án của Công an Hà Nội và sang tháng 11 sẽ xây dựng nghị quyết về việc đổi giờ làm việc. Tuy vậy, thực tế hiện nay, chúng ta chưa có số liệu cụ thể để nắm được số người phải “gánh” sự bất hợp lý từ phương án làm việc lệch giờ sẽ chiếm tỷ lệ thấp hay cao trong dân số Hà Nội.
Còn theo Chủ tịch HĐND Thành phố Ngô Thị Doãn Thanh thì Hà Nội cần khảo sát kỹ số lượng công chức phải đưa, đón con đi học. Bà Thanh cho rằng, thay đổi giờ làm việc chỉ là giải pháp tình thế, không mang tính lâu dài, bài bản và biện pháp này cũng chưa chắc mang lại hiệu quả cao.
Như vây, chỉ trong nội bộ lãnh đạo Hà Nội đã có những ý kiến khác nhau về phương án làm việc lệch giờ. Xét cho cùng bài toán giao thông Hà Nội vẫn rất khó khăn trong nhiều năm tới.
Ông Nhanh đã đưa ra ba phương án giảm “nóng” giao thông Hà Nội là: quy hoạch lại giao thông cả nước cũng như các thành phố lớn; có lộ trình về vấn đề phương tiện giao thông cá nhân; tăng phương tiện giao thông công cộng và giảm dần phương tiện giao thông cá nhân.
Tuy vậy, khi những phương án vĩ mô này triển khai được thì những việc vi mô như: đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông lớn: vành đai 3, cầu Thanh Trì, đường Láng - Hòa Lạc..., góp phần “kéo” cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện ra khỏi khu trung tâm, giảm lưu lượng xe và người trong nội đô thì lại được thực hiện kiểu “rùa bò”.
Kế hoạch xây 5 cầu vượt cho người đi bộ, triển khai qua hai năm mới ì ạch xong được một chiếc. Không đưa ra giải pháp hay, lại có quyết định thiếu hợp lý. Đó là Quyết định 227 về việc phân cấp cho quận, huyện quản lý vỉa hè, lòng đường. Chính từ quyết định này, vỉa hè Hà Nội gần như đã biến mất, nhường chỗ cho quán ăn, giải khát, bán hàng rong... Và, người đi bộ đành... đi vào phần đường dành cho ô tô, xe máy.
Thế là, trong khi chờ những dự án của tương lai đi vào thực tế, đợi những khó khăn, sai lầm được sửa chữa thì người dân Hà Nội nên bắt đầu làm quen dần với việc làm việc lệch giờ.
Hy vọng, nếu phải chịu những bất hợp lý từ phương án này tạo ra thì người công chức sẽ có được những lợi ích khi tham gia giao thông, sẽ được thấy cảnh đường thông, hè thoáng. Nếu mình có vất vả một chút, mà vợ con mình, mà đồng nghiệp mình, mà đồng bào mình bớt khổ, thì có lẽ điều ấy cũng nên làm. Bởi nói cho đến cùng, nguyên tắc sống “mình vì mọi người” vẫn là một thước đo của con người văn minh, hiện đại, hơn nữa lại là người thanh lịch Tràng An.