Đã cơ cấu giá trị nợ 520.000 tỷ đồng do ảnh hưởng dịch Covid - 19
Từ 23/1/2020 đến nay, giá trị nợ được cơ cấu trên toàn hệ thống đạt 520 nghìn tỷ đồng. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các đơn vị thực hiện cam kết giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch...
Theo số liệu mới nhất từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến ngày 31/8/2021, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/01/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng.
NHIỀU GIẢI PHÁP HỖ TRỢ TÍN DỤNG
Đây là kết quả của việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021, tạo khuôn khổ pháp lý để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.
Đến 31/8/2021, toàn hệ thống miễn, giảm, hạ lãi suất trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ 23/01/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngày 7/9/2021, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Trong đó sửa đổi các mốc giới hạn thời gian khoản nợ được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang diễn ra như: mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ phát sinh từ trước ngày 1/8/2021, kéo dài thời gian áp dụng đối với khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022.
Nhìn nhận về Thông tư 14 trên, nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, đây là động thái hợp lý và rất được mong đợi từ nhà điều hành nhằm hỗ trợ các cá nhân/doanh nghiệp vay vốn trong nước trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Điều này tạo điều kiện cho cả ngân hàng lẫn người đi vay quản lý/ giải quyết các tác động trung hạn bởi đại dịch.
Đối với các ngân hàng nói riêng, Thông tư 14 cho phép ngân hàng quản lý gánh nặng trích lập dự phòng, bởi ngân hàng có thể cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay bị ảnh hưởng bởi đại dịch mà không cần thay đổi nhóm nợ đối với các khoản vay này; đồng thời, ngân hàng có thể dàn trải dự phòng cho các khoản vay nhóm 2-4 (nhóm dư nợ cần chú ý) trên 3 năm.
Xét đến nền tảng nợ xấu thấp của các ngân hàng Việt Nam hiện tại và bộ đệm dự phòng rủi ro đã cao hơn nhờ sự hỗ trợ bởi quy định giãn nợ này, các chuyên gia của MBKE đánh giá: "Sẽ không có cú sốc về tỷ lệ trích lập dự phòng/phí suất tín dụng đối với các ngân hàng trong nửa sau 2021. Điều này sẽ giúp các ngân hàng duy trì tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2021".
Với việc duy trì tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro khá ổn định trong giai đoạn năm 2020 và nửa đầu năm 2021 để gia tăng dự phòng bao nợ xấu, các chuyên gia của MBKE nhận định, các ngân hàng Việt Nam hiện đã có tiềm lực tốt hơn để chống chọi các cú sốc về nợ xấu trong trung hạn. Nhờ đó, các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ và thực tế hơn.
Đến ngày 31/08/2021, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng.
Quay lại với số liệu của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cũng cho biết thêm, hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong hơn nửa năm 2021 với mức giảm khoảng 0,55%/năm (tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước dịch).
Ngoài ra, lũy kế từ 23/01/2020 đến 31/08/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/8/2021 là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết.
Về điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 31/8/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ đồng, tăng 7,42% so với cuối năm 2020. Tín dụng đối với các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ 2020, tín dụng lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, trong đó: lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng cao hơn nhiều tăng trưởng tín dụng chung.
YÊU CẦU THỰC HIỆN CAM KẾT GIẢM LÃI SUẤT
Trong thời gian tới, để vừa tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp, điều hành tín dụng.
Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Thứ hai, theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng trong triển khai Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng quyết liệt thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán; tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh Covid-19
Thứ ba, chỉ đạo tổ chức tín dụng quyết liệt thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán; tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh Covid-19 nói chung, đặc biệt là vấn đề sản xuất, lưu thông hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm nói riêng với thời hạn và lãi suất hợp lý.
Thứ tư, phối hợp Bộ Lao động, thương binh và xã hội trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg trong đó chú trọng sửa đổi, nới lỏng điều kiện tiếp cận chính sách vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh.