14:35 09/08/2022

Đa dạng hóa nguồn thu từ phí, VPBank có của để dành cho nửa cuối năm

Lan Anh

Với việc chính thức gia hạn thỏa thuận phân phối bảo hiểm với AIA đầu tháng 8 này, nguồn thu từ kinh doanh dịch vụ bảo hiểm dự báo sẽ còn tăng mạnh cho VPBank trong thời gian tới đây.

“Zoom” kỹ vào cơ cấu doanh thu của VPBank trong nửa đầu năm 2022, thu nhập từ phí của ngân hàng này có mức tăng trưởng vượt trội nhờ đa dạng hóa nguồn thu từ dịch vụ thanh toán và ngân quỹ, bảo hiểm, thẻ… Nguồn thu này được dự báo sẽ trở thành nguồn đóng góp đáng kể, góp phần hiện thực mục tiêu kinh doanh cả năm của VPBank.

NGUỒN THU VỮNG CHẮC

Theo Báo cáo Tài chính hợp nhất bán niên mới công bố gần đây, thu nhập hoạt động hợp nhất (TOI) của VPBank đạt 31.600 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Trong đó thu nhập từ lãi tăng 11% so với cùng kỳ, thu về 20.353 tỷ đồng trong nửa đầu năm, thu từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng vượt trội 34% so với cùng kỳ, đóng góp vào TOI hơn 2.787 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Thu nhập hoạt động dịch vụ khởi sắc nhờ thu từ dịch vụ thanh toán, ngân quỹ và POS tăng mạnh so với cùng kỳ, trong khi kinh doanh dịch vụ bảo hiểm cũng nở rộ nhờ khoản thu thưởng quý và hoa hồng từ hợp đồng hợp tác độc quyền với AIA.

Trong khi đó, thu từ thẻ cũng nương theo đà phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch khi tăng trưởng ổn định, với tổng chi tiêu thẻ tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng 22% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này được hậu thuẫn không nhỏ bởi dòng sản phẩm thẻ tín dụng đa dạng đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao sau dịch Covid-19.

Ngoài ra, thu từ các hoạt động khác của ngân hàng cũng tăng ấn tượng gần 700% so với cùng kỳ, nhờ tăng thu từ các công cụ tài chính phái sinh khác, đạt 1.515 tỷ đồng và thu từ nợ đã xử lý rủi ro 1.737 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022.

Với TOI tăng trưởng tích cực trong khi chi phí hoạt động được kiểm soát hiệu quả, ở mức xấp xỉ 6.515 tỷ đồng, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng doanh thu, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của VPBank ghi nhận ở mức 20,6% - một tỷ lệ khá thấp so với toàn ngành.

Kết quả này đã góp phần đưa lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này lên hơn 15,3 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ, và hoàn thành 52% kế hoạch lợi nhuận năm 2022, trở thành 1 trong những ngân hàng làm ăn hiệu quả nhất toàn ngành trong trong nửa đầu 2022.

Nguồn thu phí, theo khẳng định của vị đại diện Ban lãnh đạo VPBank trong buổi trao đổi với nhà đầu tư mới đây, đã đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận ngân hàng trong nửa đầu năm và sẽ tiếp tục phát huy năng lực sinh lời cho ngân hàng trong nửa cuối năm. Đặc biệt, với việc chính thức gia hạn thỏa thuận phân phối bảo hiểm với AIA đầu tháng 8 này, nguồn thu từ kinh doanh dịch vụ bảo hiểm dự báo sẽ còn tăng mạnh cho VPBank trong thời gian tới đây.

Đa dạng hóa nguồn thu từ phí, VPBank có của để dành cho nửa cuối năm - Ảnh 1

THU PHÍ LÊN NGÔI

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS, thu nhập ngoài lãi có xu hướng gia tăng tỷ trọng trong nửa đầu năm 2022, chiếm trung bình 27%, trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng. Đóng góp chủ yếu cho nguồn thu này từ thu nhập dịch vụ, như phí tăng trưởng mạnh ở nhóm ngân hàng tư nhân (37% so với cùng kỳ), và thu hẹp ở nhóm ngân hàng nhà nước (-16,5%) do nhóm này chấp nhận hi sinh thu nhập từ phí chuyển khoản để cải thiện CASA.

Trong khi đó, VCBS tổng kết thu nhập từ phí thanh toán qua ngân hàng số và phí từ thẻ đạt mức tăng trưởng khả quan, khi số lượng và giá trị giao dịch trực tuyến tăng nhanh trong 6 tháng đầu năm. Và điều này hoàn toàn đúng với VPBank khi những kết quả kinh doanh nổi bật được hậu thuẫn không nhỏ bởi nỗ lực số hóa và tự động hóa của ngân hàng này trong những năm gần đây.

Trong thông cáo báo chí phát hành gần đây, ngân hàng này cho biết số lượng khách hàng đăng ký sử dụng VPBank NEO tăng mạnh 63% so với cùng kỳ, với 96 triệu giao dịch ghi nhận trong nửa đầu năm, tương ứng mức tăng gần 80% so với cùng kỳ 2021.

Đa dạng hóa nguồn thu từ phí, VPBank có của để dành cho nửa cuối năm - Ảnh 2

Thông qua số hóa toàn bộ chu trình cho vay có tài sản đảm bảo đối với sản phẩm cho vay mua nhà, ô tô và vay tiêu dùng, từ khâu xử lý thông tin, định giá tới giải ngân, tỷ lệ giải ngân của phân khúc cho vay thế chấp trực tuyến của VPBank đã đạt tới con số 85%.

Với dự báo cho ngành ngân hàng giai đoạn 2022-2023 dựa trên các kỳ vọng về nền kinh tế sẽ tăng tốc trở lại trên nền tảng xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, tiêu dùng phục hồi và các chính sách tài khóa hỗ trợ… một số công ty chứng khoán như VNDirect nhận định ngành ngân hàng sẽ là một trong những ngành hưởng lợi rõ rệt nhất từ xu hướng này.

“Mặc dù biên lãi thuần khó có thể cải thiện do lãi suất huy động tăng, các ngân hàng vẫn sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao 29% và tỷ suất sinh lời ROE 22% trong 2022 dựa trên tăng trưởng tín dụng cao, thu nhập từ phí ổn định và chi phí tín dụng được kiểm soát tốt,” báo cáo phân tích phát hành hồi tháng 6 của VNDirect viết.