16:31 08/07/2016

Đã đến lúc mua cho con một chiếc “siêu xe”!

PV

Đã đến lúc mua cho con một chiếc “siêu xe”! - Ảnh 1
Kinh nghiệm chọn mua xe đạp cho bé
Dù vội mua xe đến đâu, bạn vẫn nên đi mua cùng bé và để cho bé ngồi lên xe đi thử, vì sự vừa vặn luôn là điều cần thiết. Nếu bạn mua nhầm một chiếc áo, bạn có thể xuề xòa và tin rằng rộng một chút cũng không sao. Mặc rộng rãi càng thoải mái. Tuy nhiên, một chiếc xe không vừa cỡ có khi mang lại hậu quả khôn lường.
Ví dụ, khi bạn chọn chiếc xe quá lớn cho con yêu, thay vì thoải mái di chuyển, bé sẽ phải cong người về phía trước để hai tay có thể bám chắc vào ghi đông. Với tư thế ngồi khó chịu như vậy, bé điều chỉnh xe rất khó. Không ít tai nạn đáng tiếc đã xảy ra chỉ vì lý do tưởng chừng như rất đơn giản này. Đó còn chưa tính việc với tư thế ngồi không phù hợp, hệ xương của bé có thể bị ảnh hưởng. Cũng như ngồi học không đúng tư thế, việc lái chiếc xe không phù hợp có thể khiến xương của bé bị cong, lệch. Hoặc khi bạn mang về cho bé yêu một chiếc xe “gia công”, chiếc xe sản xuất đại trà, không dựa trên tiêu chuẩn nào, bé yêu cũng phải gánh chịu rủi ro rất lớn. Đó là khoảng cách giữa các bộ phận không được nghiên cứu, sản xuất hợp lý. Có những chiếc xe khoảng cách giữa yên xe và ghi đông quá xa khiến bé phải gắng sức với. Trong khi đó, khoảng cách này ở một số chiếc xe khác lại quá gần nên tay của bé không được thoải mái khi điều khiển xe. Các ví dụ trên cho thấy mua một chiếc xe vừa vặn với vóc dáng của bé yêu là rất cần thiết. Vì vậy, dù vội vàng đến đâu, phụ huynh cũng nên đưa con tới tận cửa hàng để thử. Chỉ khi nào bé cảm thấy thoải mái khi điều khiển thì phụ huynh mới nên rinh một chiếc về cho bé.

Đã đến lúc mua cho con một chiếc “siêu xe”! - Ảnh 2

Chọn xe theo từng độ tuổi
-    Bé từ 10 tháng đến 1 tuổi rưỡi: 
Dòng xe đạp ba bánh có thiết kế ngộ nghĩnh và tiện dụng với chỗ để chân và cần đẩy, phù hợp cho những bé đã ngồi vững (Khoảng 10 tháng trở lên). Những em bé trong độ tuổi này thường chưa tự mình đạp xe được, vì vậy cha mẹ nên đặt trẻ ngồi vào xe và đẩy bé đi dạo trong xóm hoặc trong công viên, tạo sự thích thú cho bé với thế giới xung quanh. Xe cũng thường được gắn mái che nắng, mưa và một giỏ đựng đồ phía sau để bạn chứa những đồ dùng của bé khi đi ra ngoài. Khi bé lớn hơn và đủ cứng cáp để đạp xe một mình, bạn có thể tháo phần để chân và cần đẩy ra là bé đã có một chiếc xe đạp ba bánh gọn nhẹ. 
-    Bé từ 1 tuổi rưỡi đến 3 tuổi:
Nếu bé đã được hơn 1 tuổi rưỡi bạn mới quyết định sắm xe đạp cho bé thì chỉ cần chọn một chiếc đạp ba bánh gọn nhẹ. Khi mua xe cho trẻ, bạn hãy chọn kỹ vì có rất nhiều xe đạp trẻ em bị nhà sản xuất làm lỗi, ví dụ bàn đạp có vấn đề khiến bé nhà bạn không thể đạp được cả vòng. Bạn cũng cần đảm bảo khi ngồi trên xe, chân bé có thể đặt thoải mái trên bàn đạp, không bị với quá mà cũng không phải co gập chân khiến bé bị mỏi. Gần đây, cũng rất phổ biến những chiếc xe thăng bằng với kiểu dáng 2 bánh như xe đạp nhưng không có bàn đạp, mà bé sẽ dùng chân đẩy xuống đất để xe di chuyển, thích hợp cho bé trong độ tuổi này.
-    Bé trên 3 tuổi:
Bé từ 3 tuổi trở lên có thể sử dụng loại xe đạp chạy bằng xích và có gắn bánh phụ đằng sau. Với bé 3 - 4 tuổi, bố mẹ nên chọn mua xe có đường kính bánh xe khoảng 30 cm. Bé từ 4 - 6 tuổi thì đường kính bánh xe cỡ 40 cm, 6 - 8 tuổi là 50 cm và 8 - 10 tuổi là 60 cm.

Đã đến lúc mua cho con một chiếc “siêu xe”! - Ảnh 3

Nguyên tắc chung khi chọn xe đạp với tất cả mọi người là thử khoảng cách từ yên xe đến ghi-đông sao cho việc cầm ghi-đông thật thoải mái, người đi không phải rướn tay quá mức cũng như không phải co tay lại, rất dễ gây mỏi. Khi ngồi trên yên xe, bàn chân phải chạm được mặt đất. Bạn có thể nhở người bán xe hoặc tự mình điều chỉnh độ cao của yên xe cho phù hợp với chiều cao của bé. Bạn cần giúp bé tập làm quen với chiếc xe này. So với xe đạp ba bánh, xe chạy bằng xích nặng hơn và không đạp lùi được, vì vậy bé có thể lúng túng khi lần đầu điều khiển xe. Bé cũng cần làm quen với phanh tay và làm chủ tốc độ. Khi bé đã điều khiển thành thạo chiếc xe này, bạn hãy tháo dần từng bánh phụ phía sau để bé tập giữ thăng bằng. Việc tập xe đạp đôi khi không tránh khỏi bị ngã và thương thích, vì vậy hãy trang bị một chiếc mũ bảo hiểm loại nhẹ và miếng bảo vệ đầu gối, khuỷu tay để giữ an toàn cho trẻ.

Đã đến lúc mua cho con một chiếc “siêu xe”! - Ảnh 4

Những chi tiết cần lưu ý khi chọn xe cho bé

1. Khung xe và giảm sóc. Tất nhiên khung xe là một trong những bộ phận quan trọng nhất. Ai cũng biết khung xe cần chắc chắn, các mối hàn phải đảm bảo và mang tính thẩm mỹ cao. Nhưng có một điều không phải ai cũng biết đó là số lượng giảm sóc. Thông thường, xe đạp trẻ em cần có 2 giảm sóc. Giảm sóc trước giúp cho bé khi tập xe không mỏi vai và giữ cân bằng tay lái tốt khi bé đi qua những đoạn đường gồ ghề, khúc khuỷu. Giảm sóc sau êm ái giúp cho bé thoải mái không mỏi lưng khi tập xe và di chuyển.
-    Phanh xe an toàn. Không chỉ xe đạp trẻ em, bất cứ phương tiện đi lại nào tham gia giao thông đều cần có phanh xe an toàn. Khi mua xe đạp cho con, phụ huynh nên đạp xe thử và bất ngờ phanh lại. Nếu chiếc xe nào dừng nhanh nhưng không giật cục thì đó là phanh tốt. Tuy nhiên, việc thử này không dễ dàng, thường những người am hiểu về máy móc mới cảm nhận được độ nhạy và an toàn của phanh.
-    Kích thước xe. Phụ huynh nên dẫn bé khi mua xe để bé ngồi thử. Khoảng cách từ yên xe đến ghi đông phải đảm bảo sự thoải mái, đảm bảo rằng bé không phải rướn hoặc co tay lại. Khi ngồi trên xe, bàn chân phải chạm được mặt đất.

Một số gợi ý khi lựa xe cho bé:

+ Với bé 2 – 4 tuổi, bố mẹ nên mua xe có đường kính bánh xe khoảng 30 cm.

+ Với bé 4 – 6 tuổi, bố mẹ nên mua xe có đường kính bánh xe khoảng 40 cm.

+ Với bé 6 – 8 tuổi, bố mẹ nên mua xe có đường kính bánh xe khoảng 50 cm.

+ Với bé 8 – 10 tuổi, bố mẹ nên mua xe có đường kính bánh xe khoảng 60 cm.

Làm sao để biết chiếc xe có vừa với bé không?
Để biết chiếc xe có phù hợp với bé hay không cách tốt nhất là để bé ngồi trên xe và quan sát, một chiếc xe có kích thước phù hợp với cơ thể bé cần đảm bảo:
- Bé có thể với dễ dàng tới tay lái khi ngồi trên yên xe, với khuỷu tay hơi cong, như thế, sẽ thuận tiện cho bé trong quá trình lái xe hơn.
- Chiều cao yên phù hợp khi bé ngồi trên yên xe mà chân có thể chạm đất với đầu gối cũng hơi cong
- Chiều cao yên cũng phải đảm bảo sao cho khi bé đặt chân trên bàn đạp thì chân cũng co thoải mái, không gượng ép

Chọn xe đạp hãng nào tốt nhất?
Trên thị trường có khá nhiều các thương hiệu xe đạp để bạn có thể lựa chọn để tìm cho bé một chiếc xe đạp phù hợp.
-    Đối với các bé gái, các thương hiệu xe đạp trẻ em Royal Baby với các hoạt tiết công chúa, những chiếc giỏ xe xinh xắn và màu sắc nữ tính sẽ là món quà tuyệt vời. Hoặc nếu bé gái nhà bạn cá tính, thích những hình thù "tinh nghịch" thì những hiệu xe đạp trẻ em Stich hoặc Totem cũng là sự lựa chọn phù hợp. Với các bé gái lớn tuổi hơn (từ 4 tuổi trở lên), thì các thương hiệu xe đạp Thống Nhất, Giant, Trinx, Jett... là sự lựa chọn tuyệt vời cho bé, lúc này, bé cần một phương tiện đi lại hơn là một đồ chơi.
-    Đối với các bé trai, các thương hiệu xe đạp trẻ em Stich và xe đạp Totem là những thương hiệu được các bé ưa chuộng nhất vì thiết kế mạnh mẽ, có nhiều họa tiết siêu nhân, hoặc tàu bay, vũ trụ... hợp với sở thích các bé trai. Với các bé trai lớn tuổi hơn (từ 4 tuổi trở lên), thì các thương hiệu xe đạp Thống Nhất, Giant, Trinx, Jett... là sự lựa chọn tuyệt vời cho bé, vì kiểu dáng thể thao, mạnh mẽ, nhìn rất “ngầu”.

Mua xe đạp bao nhiêu tiền?
Trong thời buổi kinh tế cạnh tranh như hiện nay, ngoài chất lượng thì giá thành sản phẩm là yếu tố được người dùng đặc biệt quan tâm. Xe đạp cho trẻ em trên thị trường hiện nay có mức giá khá đa dạng từ vài trăm cho đến vài triệu đồng tùy vào hãng sản xuất và nhu cầu sử dụng của người dùng. Hầu hết người tiêu dùng khi mua xe đạp hay bất kì sản phẩm nào đều phải xác định sản phẩm định mua bảo nhiêu tiền, và liệu số tiền đó có phù hợp với nguồn tài chính của gia đình. Bởi vậy trước khi quyết định mua sản phẩm, cha mẹ nên tham khảo giá một số cửa hàng có bán sản phẩm này hoặc có thể tham khảo trên các website bán háng online. Đa số các gia đình thường lựa chọn mua xe đạp cho bé trong trong khoảng từ 1 - 2 triệu. Giá thành sản phẩm chênh lệch tùy theo hãng sản xuất vì vậy hãy lựa chọn cho bé yêu của bạn một chiếc xe đạp chất lượng và giá thành phù hợp với nguồn tài chính của gia đình bạn nhé.

Lợi ích của việc đi xe đạp với trẻ em
-    Rèn thói quen: Đa số trẻ em đều thích hoạt động, chúng có thể được bỏ cả ngày để chơi đùa trong công viên mà không biết chán. Do đó, tập cho trẻ đi xe đạp và xem đó như một hoạt động không thể thiếu trong mỗi ngày là hoàn toàn không khó. Mỗi sáng, hãy cho trẻ 15 - 30 phút hoạt động thể chất với xe đạp. Chỉ bấy nhiêu thời gian là bạn đã giúp trẻ bắt đầu ngày mới thật vui khỏe.
-    Kiên nhẫn, thực hành: Trẻ em ở giai đoạn từ hai đến sáu tuổi có thể bắt đầu học những bước cơ bản để lái một chiếc xe đạp thông thường. Khi bắt đầu tập, phụ huynh hãy quan sát, chỉ dẫn để trẻ thấy tự tin và yên tâm hơn. Hãy kiên nhẫn tập cho trẻ vì chỉ cần qua giai đoạn này trẻ sẽ tự trang bị cho mình khả năng lái xe đạp và hiểu được sự cần thiết của việc duy trì đều đặn để có sức khỏe tốt.
-    Tự tin phát triển: Khi trẻ em lớn lên, nhờ sự tự chủ trong việc đi xe đạp, trẻ sẽ muốn phát triển bản thân hơn nữa. Điều này làm tăng sức khỏe và hướng đến lối sống tích cực sau này. Bạn sẽ vững lòng với những gì mà trẻ đã trải qua và tự tin để trẻ khám phá cuộc sống mới của mình.
-    Trong số những môn thể thao được đánh giá là tốt cho sức khỏe và giúp tăng tính tự lập, đạp xe đạp được xem là một trong những môn thể thao phù hợp nhất dành cho trẻ nhỏ. Theo nghiên cứu mới của các chuyên gia, nếu trẻ được rèn luyện thói quen đi xe đạp từ nhỏ, trẻ sẽ giảm hơn 50% nguy cơ bị bệnh tim và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Đồng thời, nếu biết đi xe đạp sớm, trẻ sẽ tự trang bị cho mình tính chủ động, tự lập mà không bị phụ thuộc, dựa dẫm vào sự giúp đỡ của người thân trong gia đình.

 


Lưu Hà