Đã đến thời điểm “bắt dao rơi”?
Có lẽ còn quá sớm để chúng ta chắc chắn về một đáy nào đó của thị trường
Quan điểm của một nhà đầu tư xung quanh những diễn biến gần đây trên thị trường chứng khoán. VnEconomy xin giới thiệu để độc giả tham khảo.
Thị trường đang có những phiên giao dịch rất khó đoán biết xu thế.
Cuối tuần trước, một số nhà đầu tư "dũng cảm" mua vào cổ phiếu có lẽ đang thầm hy vọng mình đã bắt trúng đáy của đợt sụt giảm vừa qua.
Đánh đổi với rủi ro lớn
Nhưng khi mà nền kinh tế toàn cầu đang từng ngày từng giờ sử dụng mọi nguồn lực để chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ đang diễn ra, thì có lẽ còn quá sớm để chúng ta chắc chắn về một đáy nào đó của thị trường.
Hay nói cách khác, các nhà đầu tư đã “bắt dao rơi” (một thuật ngữ ám chỉ việc mạo hiểm mua vào với hy vọng đã xác định được đúng điểm đáy của thị trường) hiện vẫn chưa thể nào khẳng định được họ đã bắt phải chuôi hay lưỡi?
Nếu chỉ xét đơn thuần về mặt tâm lý, khi thị trường bắt đầu giảm mạnh xuống ngưỡng 400 thì bất cứ một nhà đầu tư hiện vẫn còn tiền mặt nào cũng bị thôi thúc nhảy ngay vào thị trường để gom hàng giá rẻ. Nếu VN-Index đảo chiều, họ sẽ lướt sóng một thời gian rồi nghe ngóng tình hình để có những quyết định tiếp theo.
Còn nếu xu thế tăng điểm không xảy ra thì họ có thể chuyển sang chiến lược đầu tư dài hạn với những cổ phiếu đã mua phải và thậm chí còn tiếp tục mua thêm với giá rẻ hơn để trung bình giá.
Hoặc một trường hợp khác là nếu bắt dao rơi không thành thì sẽ có một phiên rất gần thị trường rớt giá rất mạnh do sự bỏ chạy của những nhà đầu tư “bắt nhầm lưỡi dao” - đó cũng là một kịch bản tương đối dễ hiểu khi VN-Index tiến gần tới một ngưỡng hỗ trợ nào đó.
Bắt dao rơi bao giờ cũng là một việc làm nguy hiểm nhưng cũng không kém phần “quyến rũ” đối với đa số nhà đầu tư. Hơn nữa, chúng ta được hỗ trợ tâm lý một phần vì những thông tin khá tốt như: các chỉ số kinh tế của Việt Nam sắp công bố được dự báo là tích cực, nếu không muốn nói là tốt nhất từ đầu năm đến nay. Và một số thông tin như hạ lãi suất cơ bản, báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 tốt hơn mong đợi...
Các nước trên thế giới cũng đang quyết liệt phản công cuộc khủng hoảng tài chính, khiến bảng điện tử có những khởi sắc đáng kể. Thêm nữa, câu chuyện muôn thủa của thị trường chứng khoán Việt Nam có lẽ đã được nhiều nhà đầu tư thuộc lòng: lúc xuống thì không ai mua, lúc lên thì lo không ai bán. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã và đang chớp thời cơ để bắt dao rơi, và họ chấp nhận đánh đổi rủi ro để kiếm lời.
Tuy nhiên, nếu quan sát thị trường chứng khoán thì chắc hẳn chúng ta sẽ thấy cuộc leo dốc vất vả của VN-Index trong 3 tháng qua: kể từ thời điểm xuyên ngưỡng 400 (tháng 6/2008) mới lên được trên 550 điểm vào cuối tháng 8, nhưng nó lại chỉ mất có hơn một tháng để xuống 371,67 điểm vào phiên 13/10 vừa qua!
Đó chính là điều mà các nhà đầu tư có ý định “bắt dao rơi” phải đối mặt.
Trong thời kỳ khủng hoảng như hiện nay, bất kỳ một thông tin bất lợi nào cũng có thể biến thành một nguy cơ cho thị trường, mà thông tin bất lợi thì không khó xuất hiện trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nên hay không?
VN-Index đang đứng trước một con dốc nhọc nhằn, mà nếu muốn kiếm ngay được tiền từ thị trường chứng khoán trong thời điểm ngắn hạn thì chúng ta sẽ phải trả một cái giá không hề rẻ.
Hơn nữa, chúng ta cũng cần nhìn lại câu chuyện mà chúng ta đã ngầm mặc định cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Giả sử thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào một giai đoạn hồi phục thực sự thì liệu có xảy ra tình trạng “muốn mua mà không ai bán” không?
Câu trả lời dường như là “không”. Thị trường sẽ luôn có những cuộc phân phối, những phiên giao dịch tăng điểm có khối lượng lớn để sắp xếp và kiểm nghiệm lại niềm tin của các nhà đầu tư đối với nền kinh tế. Chính sự thanh khoản ở những phiên giao dịch đó là cơ hội tốt để chúng ta mua vào với mức độ rủi ro thấp hơn hiện nay.
Tất nhiên, dù mua vào ở thời điểm nào thì các nhà đầu tư cũng cần phải có sự tinh ý, và nếu làm theo cách này thì chắc chắn họ sẽ cảm thấy tiếc vì đã bỏ qua một số lợi nhuận chênh lệch so với việc bắt trúng đáy.
Nhưng thị trường luôn luôn phải có sự đánh đổi, nếu chúng ta đánh đổi giữa sự rủi ro thấp hơn và số tiền bị mất khi không chớp đúng thời cơ mò đáy, thì có thể cái thứ nhất sẽ dễ chịu hơn.
Thường thì để hỗ trợ thị trường, đẩy VN-Index lên, người ta thường khuyên các nhà đầu tư nên mua vào. Chẳng mấy khi chúng ta nghe thấy các phương tiện thông tin đại chúng khuyên bán ra!
Nhưng, là một nhà đầu tư, chúng ta phải tự cân nhắc đối với túi tiền của mình.
Thị trường đang có những phiên giao dịch rất khó đoán biết xu thế.
Cuối tuần trước, một số nhà đầu tư "dũng cảm" mua vào cổ phiếu có lẽ đang thầm hy vọng mình đã bắt trúng đáy của đợt sụt giảm vừa qua.
Đánh đổi với rủi ro lớn
Nhưng khi mà nền kinh tế toàn cầu đang từng ngày từng giờ sử dụng mọi nguồn lực để chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ đang diễn ra, thì có lẽ còn quá sớm để chúng ta chắc chắn về một đáy nào đó của thị trường.
Hay nói cách khác, các nhà đầu tư đã “bắt dao rơi” (một thuật ngữ ám chỉ việc mạo hiểm mua vào với hy vọng đã xác định được đúng điểm đáy của thị trường) hiện vẫn chưa thể nào khẳng định được họ đã bắt phải chuôi hay lưỡi?
Nếu chỉ xét đơn thuần về mặt tâm lý, khi thị trường bắt đầu giảm mạnh xuống ngưỡng 400 thì bất cứ một nhà đầu tư hiện vẫn còn tiền mặt nào cũng bị thôi thúc nhảy ngay vào thị trường để gom hàng giá rẻ. Nếu VN-Index đảo chiều, họ sẽ lướt sóng một thời gian rồi nghe ngóng tình hình để có những quyết định tiếp theo.
Còn nếu xu thế tăng điểm không xảy ra thì họ có thể chuyển sang chiến lược đầu tư dài hạn với những cổ phiếu đã mua phải và thậm chí còn tiếp tục mua thêm với giá rẻ hơn để trung bình giá.
Hoặc một trường hợp khác là nếu bắt dao rơi không thành thì sẽ có một phiên rất gần thị trường rớt giá rất mạnh do sự bỏ chạy của những nhà đầu tư “bắt nhầm lưỡi dao” - đó cũng là một kịch bản tương đối dễ hiểu khi VN-Index tiến gần tới một ngưỡng hỗ trợ nào đó.
Bắt dao rơi bao giờ cũng là một việc làm nguy hiểm nhưng cũng không kém phần “quyến rũ” đối với đa số nhà đầu tư. Hơn nữa, chúng ta được hỗ trợ tâm lý một phần vì những thông tin khá tốt như: các chỉ số kinh tế của Việt Nam sắp công bố được dự báo là tích cực, nếu không muốn nói là tốt nhất từ đầu năm đến nay. Và một số thông tin như hạ lãi suất cơ bản, báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 tốt hơn mong đợi...
Các nước trên thế giới cũng đang quyết liệt phản công cuộc khủng hoảng tài chính, khiến bảng điện tử có những khởi sắc đáng kể. Thêm nữa, câu chuyện muôn thủa của thị trường chứng khoán Việt Nam có lẽ đã được nhiều nhà đầu tư thuộc lòng: lúc xuống thì không ai mua, lúc lên thì lo không ai bán. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã và đang chớp thời cơ để bắt dao rơi, và họ chấp nhận đánh đổi rủi ro để kiếm lời.
Tuy nhiên, nếu quan sát thị trường chứng khoán thì chắc hẳn chúng ta sẽ thấy cuộc leo dốc vất vả của VN-Index trong 3 tháng qua: kể từ thời điểm xuyên ngưỡng 400 (tháng 6/2008) mới lên được trên 550 điểm vào cuối tháng 8, nhưng nó lại chỉ mất có hơn một tháng để xuống 371,67 điểm vào phiên 13/10 vừa qua!
Đó chính là điều mà các nhà đầu tư có ý định “bắt dao rơi” phải đối mặt.
Trong thời kỳ khủng hoảng như hiện nay, bất kỳ một thông tin bất lợi nào cũng có thể biến thành một nguy cơ cho thị trường, mà thông tin bất lợi thì không khó xuất hiện trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nên hay không?
VN-Index đang đứng trước một con dốc nhọc nhằn, mà nếu muốn kiếm ngay được tiền từ thị trường chứng khoán trong thời điểm ngắn hạn thì chúng ta sẽ phải trả một cái giá không hề rẻ.
Hơn nữa, chúng ta cũng cần nhìn lại câu chuyện mà chúng ta đã ngầm mặc định cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Giả sử thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào một giai đoạn hồi phục thực sự thì liệu có xảy ra tình trạng “muốn mua mà không ai bán” không?
Câu trả lời dường như là “không”. Thị trường sẽ luôn có những cuộc phân phối, những phiên giao dịch tăng điểm có khối lượng lớn để sắp xếp và kiểm nghiệm lại niềm tin của các nhà đầu tư đối với nền kinh tế. Chính sự thanh khoản ở những phiên giao dịch đó là cơ hội tốt để chúng ta mua vào với mức độ rủi ro thấp hơn hiện nay.
Tất nhiên, dù mua vào ở thời điểm nào thì các nhà đầu tư cũng cần phải có sự tinh ý, và nếu làm theo cách này thì chắc chắn họ sẽ cảm thấy tiếc vì đã bỏ qua một số lợi nhuận chênh lệch so với việc bắt trúng đáy.
Nhưng thị trường luôn luôn phải có sự đánh đổi, nếu chúng ta đánh đổi giữa sự rủi ro thấp hơn và số tiền bị mất khi không chớp đúng thời cơ mò đáy, thì có thể cái thứ nhất sẽ dễ chịu hơn.
Thường thì để hỗ trợ thị trường, đẩy VN-Index lên, người ta thường khuyên các nhà đầu tư nên mua vào. Chẳng mấy khi chúng ta nghe thấy các phương tiện thông tin đại chúng khuyên bán ra!
Nhưng, là một nhà đầu tư, chúng ta phải tự cân nhắc đối với túi tiền của mình.