Đà Nẵng lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh "Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc"
Đà Nẵng là một trong bảy đơn vị được vinh danh tại hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” với nền tảng Công dân số thành phố Đà Nẵng...
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, cho biết, chiều 9-10, tại lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards-VDA) năm 2022 diễn ra tại Hà Nội, UBND thành phố Đà Nẵng là 1 trong 7 đơn vị được vinh danh tại hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” với nền tảng Công dân số thành phố Đà Nẵng.
Như vậy, đây là năm thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng được vinh danh trong hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” tại giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam. Trước đó, năm 2020, Đà Nẵng được vinh danh với sản phẩm Cổng dịch vụ dữ liệu mở Đà Nẵng. Năm 2021 là sản phẩm Kho dữ liệu dùng chung thành phố Đà Nẵng.
Theo Ban Tổ chức, tại giải thưởng năm nay, có hơn 300 hồ sơ tham dự từ các cơ quan tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân trên toàn quốc, nhiều hồ sơ có chất lượng nổi bật, ứng dụng nhiều công nghệ mới AI, bigdata, IOT, blockchain, cloud… trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, năng lượng, logistics...
Điểm mới của giải thưởng năm nay ngoài việc vẫn duy trì 04 hạng mục đã được bình chọn và trao tặng trong các năm trước gồm: sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số tiêu biểu; doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc; cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc; sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số vì cộng đồng, còn có thêm hạng mục “Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp nước ngoài”.
“Tại hạng mục Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc, UBND thành phố Đà Nẵng được vinh danh với nền tảng Công dân số thành phố Đà Nẵng. Đây là nền tảng thu nhận, lưu trữ, cung cấp hồ sơ công dân số (thông tin hành chính, giấy tờ, dữ liệu số, các giao dịch… gắn với định danh duy nhất) và mỗi người dân có một mã QR duy nhất. Nền tảng này tích hợp các dịch vụ số từ chính quyền, doanh nghiệp để người dân sử dụng dễ dàng, thuận lợi, cũng như tự quản lý các thông tin, dữ liệu số của mình. Hiện nay, nền tảng đã có hơn 240.000 tài khoản, hồ sơ của người dân, ông Trần Ngọc Thạch cho biết thêm.
Việc hình thành nền tảng Công dân số là một trong những giải pháp để thúc đẩy quá trình tham gia của người dân vào hình thành xã hội số, đặc biệt là trong việc tương tác, sử dụng các giải pháp chuyển đổi số được cơ quan Nhà nước cung cấp. Sau 04 năm tổ chức, giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam đã tiếp cận được hơn 10.000 cơ quan, doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố; thu hút khoảng 1.000 hồ sơ tham dự; vinh danh 260 sáng kiến chuyển đổi số tiêu biểu và cơ quan, tổ chức chuyển đổi số xuất sắc.