06:00 27/10/2022

Đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng lĩnh vực ưu đãi, tính kế hút nhân tài cho TP. Buôn Ma Thuột

Anh Tú

Nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng các chính sách cần mang tính đột phá hơn, ưu đãi rộng mở trong nhiều lĩnh vực và quan tâm đến việc hút nhân tài...

Các chính sách mà Chính phủ đề xuất trong dự thảo nghị quyết còn đơn giản và thiếu tính đặc thù.
Các chính sách mà Chính phủ đề xuất trong dự thảo nghị quyết còn đơn giản và thiếu tính đặc thù.

Chiều ngày 26/10, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đa số đại biểu thuộc Tổ 1 – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội thống nhất sự cần thiết ban hành và khẳng định đây là nghị quyết đặc biệt nhưng cần có quy định mang tính đột phá để tạo sự lan tỏa cho khu vực Tây Nguyên phát triển.

CẦN CHÍNH SÁCH MANG TÍNH ĐỘT PHÁ

Đa số ý kiến thảo luận tại Tổ 1 – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nhằm cụ thể hóa Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

"Nếu chỉ quy định chính sách đặc thù như dự thảo luật sẽ khó phát huy vai trò của TP. Buôn Ma Thuột đặt trong tổng thể của cả tỉnh Đắc Lắk và của cả vùng Tây Nguyên, do vậy ban soạn thảo cần có sự đầu tư kỹ lưỡng hơn, để các chính sách mang tính đột phá".

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội

Nghị quyết giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo, xây dựng trình Quốc hội “đề án cho phép TP. Buôn Ma Thuột thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, bảo đảm thống nhất, tương quan, tương đồng với các TP. khác trong cả nước”.

Nếu Nghị quyết được thông qua sẽ góp phần phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của thành phố để phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển công nghiệp chế biến; dịch vụ, du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khoa học kỹ thuật và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo mục tiêu đề ra tại Kết luận số 67 của Bộ Chính trị.

Thống nhất với chủ trương cần ban hành Nghị quyết nhưng đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, đối chiếu với Kết luận số 67 của Bộ Chính trị, các chính sách mà Chính phủ đề xuất trong dự thảo nghị quyết còn đơn giản và dựa trên nền của các chính sách đặc thù đang thực hiện ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội,cho rằng các chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột cần mang tính đột phá - Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội,cho rằng các chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột cần mang tính đột phá
- Ảnh: Quochoi.vn.

Nhiều ý kiến cũng khẳng định, đây là Nghị quyết đặc biệt vì lần đầu Chính phủ trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị cấp huyện.

Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của TP. Buôn Ma Thuột đối với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên.

Cùng với đó, các chính sách ưu tiên, ưu đãi phát triển đối với TP. Buôn Ma Thuột phải đặt trong bối cảnh chung sự phát triển của vùng Tây nguyên và sự kết nối liên vùng và cả nước.

MỞ RỘNG DANH MỤC DỰ ÁN HƯỞNG ƯU ĐÃI THUẾ

Về danh mục các dự án ưu đãi về thuế, nhiều đại biểu cho rằng cần nghiên cứu bổ sung các danh mục dự án, đặc biệt đối với lĩnh vực căn bản để tạo sự phát triển đột phá.

Đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, đề nghị ưu tiên các dự án phát triển du lịch, gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa, bởi Buôn Ma Thuột hội tụ 40 dân tộc trên địa bàn; đây cũng là địa bàn có sự giao thoa văn hóa giữa các địa phương và các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, mở rộng ưu đãi cho các dự án liên quan đến khoa học công nghệ - đây được coi là yếu tố then chốt để tạo sự tăng trưởng và năng suất lao động. Đồng thời chú trọng phát triển các dự án xử lý ô nhiễm môi trường vì phát triển sẽ đi đôi với ô nhiễm môi trường, vì vậy cần phải ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực này.

  Toàn cảnh buổi thảo luận Tổ 1 - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội.
  Toàn cảnh buổi thảo luận Tổ 1 - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội.

Đại biểu Lê Quân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, cũng đặt vấn đề tại sao không mở rộng ưu đãi đối với các lĩnh vực khác như giải trí hoặc mở rộng lĩnh vực đầu tư được hưởng ưu đãi, tạo bàn đạp phát triển TP. Buôn Ma Thuột để lan tỏa cho cả vùng Tây Nguyên.

Vì vậy, ông Quân đề nghị mở rộng đối tượng ưu đãi thuế cho doanh nghiệp và ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, khi đó sẽ thu hút đầu tư nhiều hơn vào Buôn Ma Thuột.

Trong trường hợp giới hạn lĩnh vực được hưởng ưu đãi, đại biểu đề nghị giới hạn doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động…

Đối với chính sách ưu đãi thuế, Đại biểu Lê Nhật Thành, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, cho rằng cần áp dụng đối tượng để vừa có tác dụng khuyến khích, tạo thêm nguồn lực để đầu tư phát triển, tránh trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi thuế.

Ngoài ra, cũng cần tính toán thêm các giải pháp và bố trí nguồn lực đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn trong thời gian tới.

TÍNH KẾ THU HÚT NHÂN TÀI

Về quy định ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt, dự thảo Nghị quyết quy định chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc TP. Buôn Ma Thuột trong thời gian thực hiện Nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 05 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công tại TP. Buôn Ma Thuột.

Cho ý kiến về quy định này, đại biểu Nguyễn Thị Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, nhấn mạnh sự cần thiết vì nếu không có nhân lực chất lượng cao khó làm nên thành công của đề án.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng nếu chỉ trông chờ vào việc thu hút chất lượng cao làm việc trong khu vực nhà nước thì không đủ tạo sự đột phá. Đó là chưa kể việc thu hút các nhà khoa học, chuyên gia không dễ dàng, đơn cử như tại TP.HCM khi thực hiện cơ chế đặc thù cũng khó khăn thu hút chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt đến làm việc.

 

"Điều này rất quan trọng để Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm đào tạo về đại học và giáo dục nghề nghiệp, như vậy sẽ tạo sự phát triển bền vững. Để làm được điều này, không chỉ tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, cần ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư trọng điểm cho lĩnh vực này", đại biểu Lê Quân nhấn mạnh.

Vì vậy, để phát triển bền vững cần phát huy nội lực chính của Tây nguyên bằng cách cử học sinh phổ thông đi đào tạo tại các trường đại học; cử cán bộ có tài năng tiếp tục đào tạo chuyên sâu hơn.

Quan tâm đến lĩnh vực đào tạo nhân lực chất lượng cao, đại biểu Lê Quân cho rằng, dự thảo Nghị quyết cũng mở rộng ưu đãi, trong đó khuyến khích các cơ sở nghiên cứu đào tạo, khoa học công nghệ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác và triển khai trên địa bàn.

Thảo luận tại Tổ 04 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, Hải Dương, Quảng Ngãi, Bạc Liêu, quan tâm đến chính sách về ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt, đại biểu Triệu Thế Hùng, Đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, lưu ý TP. Buôn Ma Thuột cũng không cách xa về mặt địa lý với các thành phố có điều kiện làm việc tốt như TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang.

Do đó, ưu đãi đặc thù phải có sự hấp dẫn đủ mạnh thì mới giữ chân được tài năng đặc biệt lựa chọn thành phố là nơi làm việc.

Bên cạnh đó, ngoài các ưu đãi về chế độ, cần tính đến môi trường để phát triển tài năng, việc công nhận, trân trọng những công trình, giá trị sáng tạo, cống hiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Đó mới là sự phát triển bền vững, lâu dài để thu hút các tài năng đặc biệt hăng say nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.