08:00 13/10/2022

Đề xuất nắn thẳng đoạn đường kết nối, giúp sân bay Buôn Ma Thuột khai thác 5 triệu khách

Anh Tú

Để thuận lợi cho việc phát triển Cảng hàng không Buôn Ma Thuột đáp ứng khai thác 5 triệu hành khách vào năm 2030, đơn vị tư vấn cho rằng cần nắn thẳng tuyến đường nối Đại lộ Đông Tây và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột...

Sân bay Buôn Ma Thuột hiện đã vượt quá công suất thiết kế cùng nhiều hạng mục công trình chính bị quá tải.
Sân bay Buôn Ma Thuột hiện đã vượt quá công suất thiết kế cùng nhiều hạng mục công trình chính bị quá tải.

Sân bay Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) là 1 trong 3 sân bay của toàn vùng Tây Nguyên, hiện là sân bay quân sự cấp 1 và sân bay dân sự quốc gia cấp 4C, được nâng cấp có khả năng đáp ứng 1 triệu khách/năm.

Vị trí của sân bay nằm trên tuyến hàng không quan trọng nhất quốc gia nối giữa Hà Nội với TP. Hồ Chí Minh và thuận lợi gắn kết về đường hàng không với các trung tâm du lịch lớn của quốc gia như Đà Nẵng, Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Nam và ngược lại.

Tuy nhiên, thời gian qua, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột chứng kiến sự tăng trưởng rất nhanh, nhiều hạng mục công trình chính bị quá tải và lượng khai thác thực tế vượt xa so với dự báo trước đây.

Cụ thể, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột có 1 đường cất hạ cánh, hướng 09 - 27, kích thước 3.000m x 45m. Mặt đường bê tông nhựa đường cất hạ cánh được cải tạo, mở rộng, kéo dài từ năm 2003 đến nay hết tuổi thọ thiết kế, mặt đường cất hạ cánh xuất hiện nhiều vết nứt dọc, vết nứt ngang, rạn nứt chân chim, vết nứt khe giữa vệt sơn kẻ tín hiệu và mặt đường.

Còn nhà ga hành khách Cảng hàng không Buôn Ma Thuột có 1 nhà ga hành khách, công suất phục vụ 1 triệu hành khách/năm.

 

Năm 2019, cảng đón 1.003.419 hành khách, bằng với công suất thiết kế của nhà ga hành khách. Dự báo năm 2022 công suất cảng hàng không sẽ đạt trên 1,4 triệu hành khách/năm và tăng nhanh vào các năm tiếp theo. Do đó, trong thời kỳ quy hoạch để đáp ứng nhu cầu khai thác cần xây mở rộng nhà ga T1 hoặc xây dựng thêm nhà ga hành khách T2.

Cùng với đó, hiện nay, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột chưa có nhà ga hàng hóa trong khi đó theo số liệu thống kê năm 2019 sản lượng hàng hóa thông qua cảng là 6.634 tấn hàng hóa.

Do đó, trong thời kỳ quy hoạch cần quy hoạch xây dựng nhà ga hàng hóa để đảm bảo nhu cầu khai thác.

Trong báo cáo đầu kỳ điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Buôn Ma Thuột (tỉnh Lâm Đồng) giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đơn vị tư vấn đề xuất giữ nguyên đường cất hạ cánh, đường lăn nối, sân đỗ hiện hữu hiện hữu; đồng thời, xây dựng đường lăn song song, 2 đường lăn nối, 1 đường lăn thoát nhanh ở mỗi đầu đường cất hạ cánh; mở rộng sân đỗ và xây dựng nhà ga hành khách về phía Tây (nhà ga hiện hữu) công suất 4 triệu hành khách/năm.

Cùng với đó, đề xuất nắn thẳng tuyến đường nối Đại lộ Đông Tây và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột để thuận lợi cho việc phát triển cảng hàng không đáp ứng khai thác 5 triệu hành khách vào năm 2030.

Bên cạnh đó, quy hoạch hệ thống sân đỗ máy bay mới đảm bảo tiếp nhận 19 vị trí đỗ máy bay code C và tương đương, trong đó có 08 vị trí cầu ống lồng với phương thức tự lăn vào đẩy ra và 11 vị trí với phương thức tự lăn vào lăn ra, khoảng cách giữa đường lăn song song và đường lăn trên sân đỗ là 76m.

Với các công trình hàng không dân dụng, đơn vị tư vấn cho rằng cần quy hoạch nhà ga hành khách mới T2 đáp ứng 4 triệu hành khách/năm kết nối với nhà ga hiện hữu T1 bằng đường dẫn dài khoảng 220m. Quy hoạch sân đỗ ô tô trước nhà ga hành khách đáp ứng 4 triệu hành khách/năm. Song song, quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình phụ trợ, khu chức năng, công trình quản lý điều hành bay, hệ thống giao thông đồng bộ.

Tuy nhiên, "do tuyến đường nối theo định hướng của tỉnh nằm sâu vào diện tích quy hoạch theo Quyết định số 978/QĐ-BGTVT, cần phải đề xuất và phối hợp với tỉnh nắn thẳng tuyến đường nối Đại lộ Đông Tây và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột để thuận lợi khai thác máy bay Code E khi có nhu cầu trong tương lai", đơn vị tư vấn nhấn mạnh.