Đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự thảo quy định bỏ án tử hình với tội danh Tham ô tài sản
Một số ý kiến của Đại biểu Quốc hội cho rằng án tử hình với tội danh Tham ô tài sản là có hiệu quả và nếu bỏ án tử hình đối với tội danh này thì lo ngại về hiệu quả thu hồi tài sản...

Ngày 27/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự trong đó có quy định bỏ án tử hình với tội Tham ô tài sản.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Sang - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng tội Tham ô tài sản diễn biến hết sức phức tạp, không những ở lĩnh vực công mà còn điều chỉnh sang lĩnh vực tư nhân.
Trong thời gian vừa qua, vụ án Trương Mỹ Lan tại Ngân hàng SCB là một ví dụ điển hình, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, bị cáo đã chi phối, lũng đoạn ngân hàng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Mặc dù cố gắng thu hồi nhưng hệ quả để lại vẫn lớn, không có gì cân đong đo đếm được.
Do đó, đại biểu đề nghị vẫn giữ lại án tử hình để răn đe và hiệu quả thu hồi tài sản sẽ cao hơn.
Đối với tội Nhận hối lộ, thực tiễn cho thấy đấu tranh với tội phạm này phải giữ hình phạt tử hình để có tác dụng răn đe và hiệu quả cao trong thu hồi tài sản.
Đại biểu Sang dẫn chứng vụ án AVG thuộc Bộ Thông tin và truyền thông tiền hối lộ 3 triệu USD và vụ án chuyến bay giải cứu với hơn 42,6 tỷ đồng. Cả hai vụ này đều một đặc điểm chung là sau khi tuyên án tử hình, bị cáo và gia đình bị cáo mới nộp khắc phục toàn bộ hậu quả.
"Chúng ta phải phân tích tại sao án tử hình người ta vẫn không nộp và người ta đợi đến khi tuyên án tử hình ở sơ thẩm xong chuẩn bị phúc thẩm và trong phiên tòa phúc thẩm người ta nộp.
Bởi vì, người ta đang nhìn, người ta cân đong đo đếm xem tòa có tuyên án tử hình và tại sao sau khi tòa sơ thẩm tuyên án tử hình thì người ta nộp.
Bởi người ta biết rằng, chặng cuối cùng nếu không nộp là chết. Rõ ràng án tử hình có hiệu quả và tôi cho rằng nếu bỏ tử hình đối với tội danh này thì hiệu quả thu hồi tài sản có cao hơn không, có đánh giá tác động nào đối với những loại tội này không", đại biểu Sang nói thêm.
Còn Đại biểu Quốc hội Lê Tất Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đồng tình với quan điểm xem xét để bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm.
Tuy nhiên, khi quy định hình phạt tử hình đối với tội phạm nào thì quan trọng nhất phải căn cứ vào khách thể mà Bộ luật Hình sự bảo vệ.
Có những tội danh chưa bao giờ áp dụng hình phạt tử hình nhưng cũng không thể bỏ được, như tội Phản quốc. Do vậy, lâu nay không áp dụng hình phạt tử hình đối với một số tội thì không có nghĩa phải bỏ đi vì đấy là khách thể quan trọng cần phải bảo vệ và duy trì.
"Đối với tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, nhiều đại biểu phát biểu trước tôi thấy rằng chúng ta cần phải hết sức duy trì để đảm bảo tính răn đe như vụ SCB.
Nếu không có án tử hình thì chúng ta có thu hồi được tài sản như vậy không? Nếu bây giờ bị cáo khắc phục toàn bộ thiệt hại thì có thể giảm tử hình cho đối tượng hay không? Do vậy, chúng tôi thấy những tội phạm này cần phải quy định để đảm bảo tính răn đe và khắc phục hậu quả", đại biểu Hiếu nói thêm và cho rằng các tội danh như Sản xuất, buôn bán hàng giả, thuốc chữa bệnh, Vận chuyển trái phép chất ma túy, Tham ô tài sản và Nhận hối lộ thì nên giữ nguyên.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng thuận với việc quy định các tội danh như Tham ô tài sản, Nhận hối lộ có khung hình phạt chung thân không xét giảm án kết hợp với điều kiện khắc phục thiệt hại cũng như bảo đảm hiệu quả thu hồi tài sản phạm tội nộp vào ngân sách nhà nước.
Song, để tránh vận dụng thiếu thận trọng trong thực tế, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét bổ sung các điều kiện chặt chẽ hơn, như phạm vi áp dụng chỉ trong những trường hợp đặc biệt có sự đánh giá khách quan từ nhiều cơ quan tư pháp, đồng thời không nên mở rộng việc miễn trừ hình phạt tuyệt đối nếu thiệt hại chưa được khắc phục căn bản.
Theo đại biểu, cách tiếp cận này vừa giữ vững nguyên tắc thượng tôn pháp luật, vừa khẳng định quyết tâm đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi tham nhũng, tiêu cực.