14:26 09/06/2022

Đại biểu Quốc hội “truy” lý do chậm trễ thu phí không dừng

Ánh Tuyết

Nhắc lại lời hứa "chắc như đinh đóng cột" của Bộ trưởng hoàn thành triển khai thu phí không dừng vào năm 2019, hàng loạt đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể về việc chậm trễ này và giải pháp khắc phục thời gian tới...

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời nguyên nhân về chậm trễ hoàn thành thu phí không dừng. (Ảnh: Quochoi.vn).
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời nguyên nhân về chậm trễ hoàn thành thu phí không dừng. (Ảnh: Quochoi.vn).

Ngày 9/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực giao thông.

"Nóng" ngay đầu phiên chất vấn, hàng loạt Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) triển khai chậm trễ trong nhiều năm.

CHẬM TRỄ VÌ GIAN LẬN HAY NHÀ ĐẦU TƯ "VỠ" PHƯƠNG ÁN TÀI CHÍNH?

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho hay, việc triển khai thực hiện thu phí không dừng bắt đầu thực hiện từ năm 2015. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện đến nay việc này chưa hoàn thành. Thời hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải hoàn thành trước ngày 30/06/2022 gần như không thể đạt được. Chính vì vậy, Đại biểu tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chính của việc chậm trễ này?

Bên cạnh đó, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo từ ngày 31/7 nếu không hoàn thành việc lắp đặt thì phải xả trạm. Đại biểu Sỹ đặt câu hỏi việc này có thực hiện được hay không hay phải tiếp tục gia hạn? Còn đối với lái xe khi đi vào làn thu phí không dừng không đúng quy định sẽ bị phạt, vậy nếu xe đi vào làn này mà xảy ra sự cố về công nghệ thông tin thì xử lý, giải quyết ra sao, các trạm thu phí có bị xử phạt hay không?

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Quochoi.vn).
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Quochoi.vn).

Đề cập đến tiến độ chậm chễ của việc triển khai hệ thống ETC, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn TP. Hà Nội) nhắc lại lời hứa "chắc như đinh đóng cột" của Bộ trưởng, đó là cuối năm 2019 trạm thu phí không dừng sẽ được thực hiện trên toàn quốc.

"Tuy nhiên, đến nay, chúng ta làm nửa vời, thiếu sự kiên quyết, thể hiện ở việc chưa có hạn chót. Nhiều nơi có làm nhưng chỉ được 1,2 luồng trên tổng số nhiều luồng. Tôi cảm thấy rất kì lạ", Đại biểu đoàn TP. Hà Nội thẳng thắn nêu rõ. 

 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, đoàn TP. Hà Nội: "Cử tri cho rằng ở đây có sự gian lận có lợi ích nhóm. Chúng ta phải trả lời cho được câu hỏi này và phải có biện pháp gì để ngăn chặn nếu có. Từ đó phải rút ra kinh nghiệm gì để triển khai BOT một cách mạnh mẽ trong giai đoạn tới".
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, đoàn TP. Hà Nội: "Cử tri cho rằng ở đây có sự gian lận có lợi ích nhóm. Chúng ta phải trả lời cho được câu hỏi này và phải có biện pháp gì để ngăn chặn nếu có. Từ đó phải rút ra kinh nghiệm gì để triển khai BOT một cách mạnh mẽ trong giai đoạn tới".

Theo Đại biểu Nguyễn Anh Trí, việc áp dụng thu phí không dừng trên các con đường BOT nhằm những mục đích quan trọng hơn, đó là làm minh bạch hơn hoạt động thu tiền, hoạt động tài chính tại các trạm. Qua đó, thấy được nguyên nhân của sự ngần ngại triển khai thu phí không dừng của nhà đầu tư.

Đồng tình vì đây một chủ trương rất đúng đắn, tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng, trong quá trình triển khai các dự án BOT còn rất nhiều vướng mắc do "vỡ" phương án tài chính ban đầu, bên cạnh đó còn phát sinh thêm nội dung liên quan về các trạm thu phí không dừng. 

Bà Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị Bộ trưởng cho biết hiện nay Bộ Giao thông vận tải đã điều chỉnh lại những phương án tài chính cho các doanh nghiệp, để bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư cũng như bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam hay chưa? Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), thời gian vừa qua tái cơ cấu không đạt yêu cầu nhưng khó khăn chủ yếu cũng liên quan đến xác định phương án tài chính. Do đó, các dự án đầu tư của VEC không có tài chính để triển khai trạm thu phí không dừng.

Đáng chú ý, đại biểu tỉnh Hòa Bình thẳng thẳn đặt vấn đề: "Bộ trưởng căn cứ quy định pháp lý để thực hiện việc xả trạm này khi không điều chỉnh phương án tài chính cho các nhà đầu tư. Thực hiện xả trạm sẽ mất tiền ngân sách nhà nước, ai sẽ chịu trách nhiệm".

MẠNH TAY "XẢ TRẠM", THÚC TIẾN ĐỘ THU PHÍ KHÔNG DỪNG

Trả lời các câu hỏi của đại biểu về thu phí không dừng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, thu phí không dừng là công nghệ mới, cần ứng dụng để giúp việc đi lại và nộp thuế phí của người dân được tiện lợi, công khai, minh bạch.

Bộ trưởng thừa nhận, hệ thống thu phí điện tử không dừng triển khai còn chậm, chưa đảm tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 17/3/2017; chưa hoàn thiện đồng bộ hệ thống khi chưa đảm bảo tại tất các trạm đều được lắp đặt 100% làn thu phí không dừng, chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn.

Theo Tư lệnh ngành giao thông vận tải, Chính phủ chỉ đạo triển khai ứng dụng công nghệ này từ năm 2015, tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc, do thói quen của người dân, vận hành gặp sơ suất kỹ thuật. 

Năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết giao Chính phủ đến năm 2019 phải triển khai xong việc này. Tuy nhiên, với số lượng làn đường lớn, Bộ không đáp ứng được theo đúng tiến độ Nghị quyết đề ra. Đến năm 2019, các dự án BOT đều có ít nhất 2 làn thu phí không dừng. Tuy nhiên, vì vấn đề tái cơ cấu của VEC nên chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, số lượng phương tiện dán thẻ tham gia dịch vụ chưa đạt như kỳ vọng và chậm triển khai thu phí không dừng tại các dự án do VEC làm chủ đầu tư (đây là các tuyến cửa ngõ, có lưu lượng lớn, kết nối trung 2 trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tới các tỉnh). Thực hiện dán thẻ từ năm 2016 đến nay mới 3,2 triệu ô tô.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, tiến độ thực hiện cũng phải từng bước mở rộng dần ra, chứ không thể nào không có thẻ, chưa dán thẻ mà đã làm nhiều thì cũng không thể nào sử dụng được.

Ngoài ra, theo phản ánh, quá trình vận hành hệ thống vẫn còn tồn tại một số lỗi, bất cập gây bất tiện cho chủ phương tiện tham gia dịch vụ như: xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản giao thông vẫn trừ tiền, nhiều phương tiện chưa đủ điều kiện vẫn đi vào cửa dành riêng cho thu phí điện tử không dừng, gần đây nhất như sự cố đứt cáp tại dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng…

Lý giải quy định thời hạn đến ngày 31/7 không hoàn thành việc thu phí tự động thì phải xả trạm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết là dựa trên cam kết của các đơn vị với Chính phủ. Đến thời điểm đó, trạm nào thực hiện xong thì tiến hành thu phí, trạm nào không xong thì phải xả trạm.

 

"Hiện nay, chưa phát hiện lợi ích nhóm giữa các cơ quan nhà nước cấu kết với các nhà đầu tư. Bởi vì các nhà đầu tư hầu như độc lập toàn bộ, còn nếu có vấn đề gì bên trong thì cá nhân nào có vi phạm đều sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chúng ta có bộ máy để kiểm tra, giám sát việc này", Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định.

Về tái cơ cấu VEC, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, vốn điều lệ của VEC chỉ có 1.000 tỷ đồng, còn vay hơn 120.000 tỷ đồng. Do đó, khi tái cơ cấu thì không có thể vay tiếp, dẫn đến nhiều dự án liên quan đến VEC đều dừng không hoạt động được, không thi công được, kể cả là Bến Lức - Long Thành.

Do đó, trong kỳ họp này, Quốc hội cũng cho cơ chế liên quan cấp phát vốn vay của nước ngoài về cho VEC. Từ đó, VEC có thêm nguồn vốn và có thể huy động vốn hoặc vay ngân hàng.

Trả lời câu hỏi có lợi ích nhóm ở trong BOT hay không, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định đây là dự án liên quan tới người dân, rất nhạy cảm và các cơ quan chức năng, kể cả Bộ Công an cũng rất quan tâm.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ vừa triển khai thành công thí điểm chỉ thu phí không dừng trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng làm cơ sở mở rộng cho các tuyến cao tốc khác.

Bên cạnh đó, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích các phương tiện dán thẻ tham gia dịch vụ để phát huy tối đa hiệu quả hệ thống.

Ngoài ra, tiếp tục chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tập trung rà soát, kịp thời khắc phục các lỗi trong quá trình vận hành hệ thống; thực hiện đúng quy định hợp đồng BOT đã ký, cho phép các dự án được áp dụng mức phí theo lộ trình trong hợp đồng trong năm 2022…

 

Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải cho thấy, có 113 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, trong đó, Bộ Giao thông vận tải quản lý 69 trạm, địa phương quản lý 44 trạm.

Một số trạm không triển khai hoặc lùi thời gian triển khai thu phí không dừng do có tính chất đặc thù, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương.

Theo đó, 8 trạm do Bộ Giao thông vận tải quản lý, trong đó: 3 trạm có doanh thu quá thấp (cầu Mỹ Lợi, Thái Hà và Quốc lộ 14 Quang Đức); 2 trạm chưa được thu phí (Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Chợ Mới, trạm T2-Quốc lộ 91) và 3 trạm có thời gian thu phí còn lại ngắn dưới 3 năm (3 trạm Quốc lộ 51); 4 hệ thống thu phí trên cao tốc do VEC quản lý chưa triển khai do vướng mắc về nguồn vốn (Hà Nội - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi; TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành).

07 trạm do địa phương quản lý, trong đó, 4 trạm do UBND tỉnh Cà Mau  không triển khai do thu phí các cầu nhỏ; lùi thời gian triển khai 3 trạm (ĐT768 tỉnh Đồng Nai, trạm Quốc lộ 39B tỉnh Thái Bình và trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh TP. Hồ Chí Minh).