08:05 14/02/2025

Đảm bảo an toàn nợ công khi đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Tuấn Khang

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có vai trò quan trọng, chiến lược, có quy mô lớn, phức tạp. Dù có những cơ chế, chính sách đặc thù nhưng vẫn cần đánh giá tổng thể hiệu quả của các dự án đường sắt để tuân thủ nguyên tắc bảo đảm các cân đối vĩ mô và an toàn nợ công quốc gia…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Chiều 13/2, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thành cho biết Uỷ ban Kinh tế thống nhất sự cần thiết đầu tư Dự án với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do thực tiễn được nêu tại Tờ trình.

CẦN HỖ TRỢ SƠ BỘ KHOẢNG 887,36 TRIỆU USD CHO HAI DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT

Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ hơn sự phù hợp của Dự án đối với Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và việc phân bổ, khoanh vùng đất đai cho Dự án tại các quy hoạch tỉnh của địa phương có Dự án đi qua.

Uỷ bản Kinh tế cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về phạm vi, quy mô đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật và tốc độ thiết kế. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn việc chuyển giao công nghệ, vận hành, khai thác dự án sau khi hoàn thành để tránh việc phụ thuộc công nghệ và việc xây dựng cần đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng quốc phòng-dân sinh.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Song song đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn phương án hướng tuyến tối ưu bảo đảm việc kết nối của dự án với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, hệ thống giao thông khác và giảm thiểu tác động tiêu cực do thu hồi đất phục vụ dự án đối với doanh nghiệp và người dân.

Một số ý kiến của đại biểu cho rằng cần làm rõ khác biệt giữa khái niệm ga và trạm tác nghiệp cũng như sự cần thiết và nguyên tắc bố trí các trạm tác nghiệp này được nêu trong quy định của Luật Đường sắt. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, rà soát, mở rộng quy mô các ga (ga Lào Cai, ga Bảo Thắng), bố trí ga phù hợp với quy hoạch của địa phương (ga Yên Viên) để đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.

Về đề xuất đầu tư phân kỳ dự án, Uỷ ban Kinh tế đánh giá đây là phương án phù hợp, việc đầu tư hoàn thiện sẽ được nghiên cứu khi có nhu cầu bởi điều kiện nguồn lực còn hạn chế, nhu cầu vận tải của tuyến này còn chưa cao và hành lang kinh tế Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng đã có tuyến đường bộ cao tốc và đường sắt hiện hữu (khổ 1.000mm) cùng khai thác.

Về hiệu quả của dự án, theo Tờ trình của Chính phủ, dự kiến trong 5 năm đầu tiên khai thác, doanh thu dự kiến chỉ bù đắp chi phí vận hành, bảo trì, phương tiện, Nhà nước cần hỗ trợ sơ bộ khoảng 109,36 triệu USD trong 5 năm cho chi phí bảo trì kết cấu hạ tầng.

Ngoài ra, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam dự kiến trong 4 năm đầu khai thác cũng sẽ phải bù lỗ khoảng 778 triệu USD. Như vậy, riêng hai dự án này Nhà nước cần hỗ trợ sơ bộ khoảng 887,36 triệu USD.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá tổng thể hiệu quả của các dự án đường sắt dự kiến sẽ đầu tư và đánh giá kỹ lưỡng phương án tài chính, các tác động trong quá trình vận hành, khai thác của các dự án để giảm thiểu các rủi ro về sau.

XÁC ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Đối với 4 chính sách đặc thù mới bổ sung bao gồm chính sách về điều chỉnh các quy hoạch có liên quan; về triển khai đồng thời lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu và về chỉ định thầu, Uỷ ban Kinh tế nhận thấy, để đáp ứng yêu cầu về tiến độ cấp bách của dự án, các đề xuất của Chính phủ là có cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra

Tuy nhiên, Uỷ ban đề nghị trong quá trình triển khai, thực hiện cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể gây ra khi áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù. Đồng thời việc chỉ định thầu cần giám sát chặt chẽ để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, tránh thất thoát, lãng phí.

Đối với chính sách về loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức tham gia, thực hiện dự án, có ý kiến cho rằng, với tiến độ cấp bách của dự án, việc chuẩn bị đầu tư có thể sẽ xảy ra những bất cập, chưa thể đánh giá được; chính sách này sẽ góp phần bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần trách nhiệm.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ phạm vi đối tượng, các loại hành vi được miễn trừ, xác định rõ các yếu tố lỗi do vô ý, không vụ lợi, các trách nhiệm cụ thể được miễn trừ.

Uỷ ban Kinh tế cho rằng đây là chính sách chưa có tiền lệ, do vậy trường hợp cần thiết, Chính phủ cần báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 

Trước đó, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường đường sắt Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng.

Theo đó, dự án có chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9km. Điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận TP Lào Cai; điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, thuộc địa phận TP Hải Phòng.

Dự án đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỷ đồng (khoảng 8,369 tỷ USD).

Hướng tuyến được nghiên cứu, lựa chọn bảo đảm ngắn nhất, thẳng nhất có thể và đáp ứng nguyên tắc: phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của tuyến đường; phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực nghiên cứu. Hạn chế đi qua khu vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, xã hội, đất quốc phòng; hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB); bảo đảm kết nối thuận lợi với các trung tâm đô thị, khu chức năng quan trọng, kết nối thuận lợi với các tuyến đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội, đường sắt kế nối Trung Quốc.

Phương án tuyến lựa chọn được 9/9 địa phương cơ bản thống nhất và sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh bảo đảm hiệu quả kinh tế - kỹ thuật trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Nguồn vốn cho dự án gồm ngân sách Nhà nước (trung ương, địa phương), nguồn vốn trong nước, nguồn vốn nước ngoài (vay Chính phủ Trung Quốc) và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt điện khí hóa khổ 1.435mm, vận chuyển chung hành khách và hàng hóa. Trong đó, tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng tốc độ thiết kế 160km/h, đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội tốc độ thiết kế 120km/h, các đoạn nối, tuyến nhánh tốc độ thiết kế 80km/h.

Dự án sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực tập trung cho tàu khách và tàu hàng; hệ thống thông tin, tín hiệu tương đương với hệ thống đang sử dụng tại một số tuyến đường sắt vận chuyển chung hành khách và hàng hóa trong khu vực.

Dự kiến bố trí 18 ga (bao gồm 3 ga lập tàu, 15 ga hỗn hợp). Trong quá trình khai thác, khi nhu cầu vận tải tăng lên sẽ nghiên cứu, nâng cấp một số trạm tác nghiệp kỹ thuật thành ga hỗn hợp và đầu tư bổ sung các ga khi có nhu cầu.

Theo tiến độ dự kiến, dự án được lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2030.

Để thực hiện dự án, Chính phủ đề xuất áp dụng 19 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, trong đó có 15/19 cơ chế, chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và bổ sung 4 cơ chế, chính sách mới.