13:48 01/08/2015

Đàm phán TPP bế tắc khi đã “98% hoàn tất”

Diệp Vũ

Tuy vậy, các nước vẫn tin tưởng rằng việc đạt được thỏa thuận đang ở rất gần

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Akira Amari tại một cuộc họp báo bên lề đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Hawaii, hôm 30/7. Trong khuôn khổ đàm phán, Nhật Bản đã bác bỏ đề nghị thiết lập một điễn đàn nhằm ngăn các quốc gia thao túng tỷ giá - Ảnh: Reuters.<br>
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Akira Amari tại một cuộc họp báo bên lề đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Hawaii, hôm 30/7. Trong khuôn khổ đàm phán, Nhật Bản đã bác bỏ đề nghị thiết lập một điễn đàn nhằm ngăn các quốc gia thao túng tỷ giá - Ảnh: Reuters.<br>
Đại diện thương mại 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã không đạt được thỏa thuận trong vòng đàm phán vừa diễn ra ở Hawaii, hôm 31/7.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia  Andrew Robb bình luận, trở ngại chính hiện tại nằm ở “bộ tứ” nền kinh tế lớn gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản và Mexico.

“Điều đáng buồn là 98% công việc đã hoàn tất”, ông nói.

Theo hãng tin Reuters, bất đồng xung quanh các vấn đề thương mại ôtô giữa Nhật Bản và Bắc Mỹ, sản phẩm sữa của New Zealand, và thời hạn độc quyền đối với thuốc thế hệ mới là những nguyên nhân chính khiến TPP chưa thể hoàn tất.

Tuy vậy, các nước vẫn tin tưởng rằng việc đạt được thỏa thuận đang ở rất gần.

“Nhiều trở ngại đã được giải quyết trong cuộc họp này theo cách mà tôi thấy đã tiến triển hơn nhiều so với những cuộc họp trước đây”, Bộ trưởng Bộ Thương mại New Zealand Tim Groser nói.

“Hiện chỉ còn một hoặc hai vấn đề thực sự khó giải quyết, và một trong số này là vấn đề ngành sữa”.

Việc chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng cho TPP được xem là một thất bại đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Với sự tham gia của 12 nước chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu, TPP là trọng tâm kinh tế trong chính sách dịch chuyển trọng tâm về châu Á của Mỹ, đồng thời là cơ hội để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Vòng đàm phán 4 ngày vừa diễn ra ở đảo Maui ở Hawaii có sự tham gia của 650 nhà đàm phán, 150 nhà báo và hàng trăm người có lợi ích liên quan.

Vòng đàm phán này được coi như cơ hội cuối cùng để kịp đạt thỏa thuận cho Quốc hội Mỹ thông qua trong năm nay, trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 sẽ áp đảo chương trình nghị sự ở nước này.

Hiện các nước đàm phán TPP chưa đưa ra được một lịch cụ thể nào cho cuộc đàm phán cấp bộ trưởng tiếp theo.

New Zealand, quốc gia xuất khẩu sữa hàng đầu thế giới, tuyên bố sẽ không nhất trí với một thỏa thuận mà trong đó không bao gồm mở rộng cửa thị trường sữa của các nước tham gia. Các thị trường sữa mà New Zealand đang nhắm tới là Mỹ, Nhật Bản, Canada và Mexico.

Chủ tịch tập đoàn xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới Fonterra của New Zealand, ông John Wilson, đã tới tham dự cuộc đàm phán vào cuối ngày thứ Năm tuần này nhằm thúc đẩy mục tiêu nói trên.

Vấn đề bảo hộ thuốc gốc (generic drug) cũng đang là một vướng mắc lớn đối với TPP. Các hãng dược của Mỹ muốn thuốc gốc được bảo hộ trong 12 năm, trong khi Australia muốn 5 năm, còn Chile không muốn thuốc gốc được bảo hộ.

“Đối với chúng tôi, điều quan trọng nhất là đạt một thỏa thuận cân bằng giữa các mục tiêu chính sách công trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dược phẩm”, Thứ trưởng Bộ Thương mại Chile, ông Andres Rebolledo phát biểu.

Theo một số nguồn tin thân cận, Mỹ đứng về một bên trong vấn đề thuốc gốc, trong khi hầu như tất cả mọi quốc gia đàm phán TPP khác đứng về phía bên kia, và không bên nào muốn nhượng bộ.

Cả hai bên đều coi đây là vấn đề “giới hạn đỏ”.

Về vấn đề thương mại ôtô, Mỹ và Nhật Bản vẫn đang nỗ lực để đi đến nhất trí về quy tắc xuất xứ của ôtô. Quy tắc này là căn cứ để xác định sản phẩm có đến từ trong khu vực TPP và có thuộc diện được miễn thuế hay không.

Các hãng xe của Nhật nhập khẩu nhiều linh kiện từ Thái Lan, một nước không phải thành viên TPP, và các quy định ngặt nghèo sẽ làm đảo lộn chuỗi cung cấp này.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng muốn Mỹ nhanh chóng xóa thuế quan đánh vào linh kiện ôtô Nhật xuất sang Mỹ. Trong khi đó, ngành công nghiệp ôtô của Mỹ lại có quan hệ mật thiết với ngành này ở hai nước láng giềng Canada và Mexico.