15:33 20/04/2009

Dân Mỹ thích đi chợ thực phẩm bằng đấu giá

Kiều Oanh

Thời gian này, các công ty bán đấu giá trên khắp nước Mỹ không chỉ bán các tác phẩm nghệ thuật hay những món đồ cổ

Hàng thực phẩm bày bán trong một buổi đấu giá ở Dallas, bang Pennsylvania, Mỹ - Ảnh: AP/Time.
Hàng thực phẩm bày bán trong một buổi đấu giá ở Dallas, bang Pennsylvania, Mỹ - Ảnh: AP/Time.
Đã 4 năm qua, cứ thứ Sáu hàng tuần, anh Ron Peterson, chủ hãng bán đấu giá Elmer Auction, lại tổ chức một cuộc bán đấu giá ở khu vực Monroeville, bang New Jersey, Mỹ.

Thông thường, các mặt hàng được đem chào bán trong những phiên bán đấu giá như vậy là các món đồ cổ, tiền xu, đồ trang sức, nội thất và xe hơi. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, anh còn chào bán thêm những mặt hàng như giấy toilet hay thịt xông khói. “Thời buổi này, người ta ít hứng thú với những món đồ trang trí và thay vào đó, mua những thứ mà họ thực sự cần”, anh Peterson cho hay.

Tương tự như ở Elmer Auction, thời gian này, các công ty bán đấu giá trên khắp nước Mỹ không chỉ bán các tác phẩm nghệ thuật hay những món đồ cổ. Kinh tế đi xuống khiến những mặt hàng có vẻ xa xỉ này không được ưa chuộng như trước. Bởi vậy, dưới áp lực về doanh thu, các công ty bán đấu giá ở cấp độ cộng đồng đã bắt đầu chào bán những mặt hàng thực phẩm để tăng tiền thu về.

Khách hàng tham dự các buổi bán đấu giá tỏ ra vô cùng hứng thú với việc tìm kiếm những món hàng nhu yếu phẩm giá hời như rau, củ, quả… Miễn là mức giá được đưa ra cuối cùng trong buổi đấu giá cho một món hàng nào đó thấp hơn giá bán lẻ ở cửa hàng thực phẩm, người mua sẽ tiết kiệm được vài cent.

“Lĩnh vực bán đấu giá thời gian này đang đi xuống. Chúng tôi đang cố gắng nghĩ ra những cách thức mới để thu hút khách”, ông Raymond Toler, chủ nhà bán đấu giá Raymond's Auction House ở khu vực Archdale, bang North Carolina, nói.

Có người đặt câu hỏi, vậy những mặt hàng thực phẩm được đem bán đấu giá lấy ở đâu ra mà có mức giá hời như vậy? Thực ra, các chủ cửa hàng thực phẩm rất sẵn lòng chuyển giao cho các nhà bán đấu giá những món hàng mà họ biết là sẽ chẳng bán nổi nếu bày trong cửa hàng.

Chẳng hạn, nhà bán đấu giá Clyde DeHart ở vùng Carlisle, bang Pennsylvania mới đây đã tiếp nhận những mặt hàng có bao bì đã bì trầy xước và ít nhiều biến dạng từ cửa hiệu thực phẩm BJ's Wholesale Club. Do BJ’s là một hiệu bán buôn, nếu một hộp ngô nào đó bị bẹp trong quá trình vận chuyển, cả thùng ngô đó sẽ không được bày trong cửa hàng. Bởi thế, nhà bán đấu giá DeHart nhận thùng ngô này, bỏ hộp bị bẹp đi, và bán số hộp ngô còn lại.

Một vài mặt hàng thực phẩm được đấu giá thậm chí đã quá hạn sử dụng vài ngày. Tuy nhiên, điều này không hề khiến những khách hàng tham gia đấu giá ngần ngại.

Tiền thu về từ các cuộc đấu giá này được trả cho các cửa hàng thực phẩm đã giao hàng, còn nhà bán đấu giá được nhận tiền hoa hồng. DeHart cho hay, mức hoa hồng mà ông thường nhận là 30% số tiền thu về. Cũng theo ông chủ này, trong một cuộc bán đấu giá hồi tháng 3, khách mua đã trả giá 10.000 USD để có được lô thực phẩm có giá bán lẻ ngoài thị trường là 26.000 USD.

Tuy nhiên, mua hàng trong các cuộc bán đấu giá chỉ hiệu quả nếu như khách hàng chịu bỏ chút thời gian để nghiên cứu trước. Họ cần biết mức giá đối với một món hàng nhất định trong cửa hiệu gần nhà và quyết tâm không bỏ giá cao hơn mức giá này khi tham gia đấu giá. Tuy nhiên, đối với nhiều người công việc này nhiều khi không phải là dễ dàng và họ đã thậm chí đã mua sản phẩm trong cuộc bán đấu giá với giá cao hơn so với giá ngoài cửa hàng.

Mặc dù vậy, nhìn chung, các nhà bán đấu giá cho biết, khách mua thực phẩm trong các cuộc bán đấu giá tiết kiệm được tiền. Mức độ tiết kiệm là khác nhau tùy từng sản phẩm, nhưng dao động trong khoảng từ 25-50% so với giá ngoài siêu thị.

“Nhiều người thất nghiệp tới đấu giá ở chỗ chúng tôi. Họ muốn tiết kiệm từng xu”, ông Chris Crepeau, chủ nhà bán đấu giá Michigan Auction Sales ở vùng Holt, bang Michigan, cho hay. Ông cho biết thêm, trong vòng 2 tháng trở lại đây, lượng khách tới tham dự các buổi bán đấu giá của ông tổ chức đã tăng gấp đôi.

Mặt khác, tham gia đấu giá các mặt hàng thực phẩm cũng giúp người tiêu dùng thoát khỏi công việc mua sắm buồn tẻ trong các siêu thị. Các buổi bán đấu giá bao giờ cũng có không khi vui nhộn hơn nhiều. “Thật là thú vị. Mọi người trò chuyện cùng nhau trong suốt buổi đấu giá. Đây đúng là một cơ hội thực sự để gặp gỡ”, chị Randy Zimmerman, một bà mẹ 7 con ở Holt, hào hứng nói.

Nhưng dù sao, tiết kiệm vẫn là mục đích chính của những ai tham gia mua thực phẩm trong các cuộc bán đấu giá. Chị Zimmerman có 7 người con độ tuổi từ 2 tới 19. Tại một cuộc bán đấu giá thực phẩm hồi đầu tháng 4 này, chị đã mua được xúc xích, bánh pizza đông lạnh, và thịt xông khói cùng nhiều thứ khác, với số tiền tổng cộng 100 USD. Chị nhẩm tính đã tiết kiệm được 300 USD so với mua hàng ngoài siêu thị.

“Càng tiết kiệm được thêm tiền mua thực phẩm thì chúng tôi càng có thêm tiền cho các khoản chi khác”, chị Zimmerman nói.

(Theo Time)