14:42 13/04/2009

Chi tiêu dè sẻn thành "mốt" ở Mỹ

Kiều Oanh

Nhiều người Mỹ thực sự cảm thấy thích thú với lối sống tằn tiện mới của họ

Một nhóm thuộc website clothingswasps.com ở San Francisco mới đây đã họp mặt để các thành viên có thể đổi các mặt hàng thời trang cho nhau.
Một nhóm thuộc website clothingswasps.com ở San Francisco mới đây đã họp mặt để các thành viên có thể đổi các mặt hàng thời trang cho nhau.
Do thất nghiệp hoặc lo sợ sẽ mất việc, hàng triệu người Mỹ đang đẩy mạnh cắt giảm chi tiêu. Nhiều người trong số này thực sự cảm thấy thích thú với lối sống tằn tiện mới của họ.

Bà Becky Martin, một phụ nữ Mỹ năm nay 52 tuổi cho hay, gần đây bà đã giảm thiểu việc sử dụng thẻ tín dụng, mượn đĩa phim từ thư viện thay vì đi thuê, và tự trồng lấy rau quả để ăn. “Tôi cảm thấy rất thoải mái. Đây đúng là một cơ hội để theo đuổi lối sống tiết kiệm mà mẹ tôi đã truyền lại cho tôi”, bà Martin nói. Cần lưu ý thêm, hoàn cảnh kinh tế của gia đình bà Martin chẳng đến nỗi nào, vì bản thân bà là một nhà đầu tư bất động sản, còn chồng bà là một bác sỹ phẫu thuật.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ chi tiêu của người Mỹ đang trên đà đi xuống, trong khi tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tăng mạnh. Từ đầu những năm 1980, tỷ lệ tiết kiệm của dân Mỹ liên tục giảm, xuống mức dưới 1% vào tháng 8/2008. Tuy nhiên, từ đó tới nay, tỷ lệ này đã vọt lên mức 5%.

“Đây là một tỷ lệ tiết kiệm cao”, Giáo sư kinh tế học Marth Olney thuộc Đại học California nói. Bà Olney nhấn mạnh, đáng chú ý hơn cả là sự đảo chiều nhanh chóng từ xu thế chi tiêu sang tiết kiệm của người Mỹ. Vị giáo sư này cho biết, thông thường, ở các thời kỳ suy thoái, người tiêu dùng thường tiết kiệm ít tiền hơn, nhưng lần này thì khác. “Điều này cho thấy, tiết kiệm đã trở lại như một giá trị”, bà nói.

Bởi thế, rất nhiều người Mỹ thời gian này trở nên hào hứng hơn bao giờ hết với việc chi tiêu dè xẻn ở mọi khoản, từ khoản mua tạp chí và thuê bao cáp truyền hình, mua sắm bằng thẻ tín dụng, tới việc uống cà phê, hay thậm chí cả chuyện cắt tóc.

Anh Cooper Marcus, 36 tuổi, ở San Francisco, cho hay, anh thường chọn những công thức nấu ăn có các nguyên liệu là hàng giảm giá trong siêu thị. Anh không chi tiền cho kênh thuê phim Netflix và thẻ hội viên một câu lạc bộ rượu vang nữa. Thậm chí, Marcus còn dùng một chương trình trên chiếc điện thoại iPhone để tìm xem địa chỉ nào bán xăng rẻ nhất. “Nghe thì có vẻ điên rồ, nhưng tôi thấy hứng thú với việc tiết kiệm này”, anh nói.

Ấn tượng hơn, chị Kellee Sikes, một nhà tư vấn 37 tuổi, ở Kirkwood, bang Missouri, thậm chí còn chẳng dùng giấy ăn! Thay vào đó, chị dùng những miếng vải hữu cơ cho tới khi những miếng vải này sờn chỉ, rồi sau đó, lại dùng chúng cho việc cọ rửa. “Cách đây chưa lâu tôi đã nghe được câu: “Đừng bỏ phí khủng hoảng”. Đây đúng là cơ hội để người ta xác định lại điều gì là quan trọng”, chị Sikes nói.

Trên thực tế, lần suy thoái này đã đem đến cho những người có lối sống tiết kiệm - từng một thời bị cho là lạc điệu trong một xã hội vốn chỉ đề cao giá trị những thứ mà một người có, thay vì những gì mà người đó tiết kiệm được - một cơ hội để lên tiếng.

“Chẳng có gì là thích thúc khi nhìn người khác phải chịu đựng suy thoái. Nhưng thực tế này đã chứng minh cho những lựa chọn mà tôi đã đi theo”, bà Vicki Robin, tác giả của cuốn sách “Your Money or Your Life” (tạm dịch: “Tiền của bạn hay cuộc sống của bạn”) - một cuốn sách hướng dẫn các cách tiết kiệm tiền từng bán rất chạy vào những năm 1990 - nói. Năm ngoái, cuốn sách của này đã được tái bản.

Hiện cũng đang có hàng loạt website và blog của Mỹ cổ vũ cho lối sống thắt lưng buộc bụng, như Dollar Stretcher (www.stretcher.com), All Things Frugal (allthingsfrugal.com), Frugal Mom (www.frugalmom.net)... Trang meetup.com thường xuyên tổ chức những buổi gặp mặt offline cho các thành viên và liệt kê 57 nhóm thành viên sống tiết kiệm trên khắp nước Mỹ.

Đáng chú ý, nhiều người Mỹ muốn chi tiêu ít đi, nhưng vẫn muốn duy trì phong cách của bản thân. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều nhóm với khẩu hiệu “tiết kiệm mà vẫn đẹp” đã ra đời. Một nhóm thuộc website clothingswasps.com ở San Francisco mới đây đã họp mặt để các thành viên có thể đổi các mặt hàng thời trang cho nhau. Trong cuộc gặp này, 80 phụ nữ đã đổi quần áo, giày dép và đồ phụ trang. Cuộc gặp gỡ tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 20/4 tới với số thành viên được kỳ vọng có thể lên tới 400 người.

Chị Katy Wolk-Stanley, một nữ y tá 41 tuổi ở Portland, bang Oregon, cho biết, chị đã sống tiết kiệm cả chục năm qua và hiện đang tìm cách phổ biến lối sống của mình cho nhiều người khác. Tháng 5 năm ngoái, chỉ đã bắt đầu lập một blog gồm những bí quyết cắt giảm chi tiêu.

Để tiết kiệm được nhiều nhất, chị vá những đôi tất đã rách, phơi quần áo trên dây phơi ngoài trời, giặt và dùng lại những chiếc túi nilon, và thậm chí tận dụng cả những quần áo và đồ đạc cũ mà hàng xóm bỏ đi. “Tại sao lại phải bỏ tiền ra mua đồ mới khi mà vẫn có những lựa chọn khác?”, chị Stanley nói, đồng thời khẳng định lối sống của chị không phải là rẻ tiền.

Trên thực tế, các nhà kinh tế học gọi phong trào tiết kiệm của người Mỹ hiện nay là “nghịch lý tiết kiệm” (paradox of thrift). Tiết kiệm là tốt, nhưng nếu ai cũng ngại mở ví, tiêu dùng sẽ giảm sút, các doanh nghiệp sẽ đổ vỡ, và nền kinh tế sẽ đình lại.

Giáo sư Olney thuộc Đại học California, cho rằng, tỷ lệ tiết kiệm gia tăng rất có thể sẽ làm giảm quá trình phục hồi của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng, tỷ lệ tiết kiệm cao không hẳn đồng nghĩa với sự suy yếu của kinh tế. Thống kê cho thấy, từ thập niên 1950 tới 1980, tỷ lệ tiết kiệm ở Mỹ cao tới 9%, nhưng nền kinh tế Mỹ khi đó vẫn hưng thịnh.

Bởi vậy, hầu hết các chuyên gia đều hy vọng, người tiêu dùng Mỹ sẽ tiếp tục chi tiêu trong thời gian này, nhưng sau khi khủng hoảng kết thúc, họ sẽ biết cách tiết kiệm hơn.

(Theo New York Times)