Đang là tâm dịch của thế giới, Đông Nam Á bị biến chủng Delta hoành hành thế nào?
Thái Lan lập kỷ lục mới về số ca nhiễm, Malaysia vượt mốc 1 triệu ca nhiễm, các quốc gia khác ở Đông Nam Á cũng đang trải qua những ngày căng thẳng nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu...
Thái Lan lập kỷ lục mới về số ca nhiễm, Malaysia vượt mốc 1 triệu ca nhiễm, các quốc gia khác ở Đông Nam Á cũng đang trải qua những ngày căng thẳng nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong bối cảnh khu vực trở thành tâm dịch mới của thế giới khi biến chủ Delta lây lan với tốc độ chóng mặt.
Hôm thứ Hai, Thái Lan ghi nhận 15.376 ca nhiễm Covid-19, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp lập kỷ lục. Ngày thứ Ba, số ca nhiễm mới ở đất nước 66 triệu dân này giảm nhẹ và vẫn ở mức cao 14.150 ca.
Malaysia, quốc gia có tỷ lệ ca nhiễm so với dân số vào hàng cao nhất ở Đông Nam Á, đã vượt mốc 1 triệu ca vào hôm Chủ nhật. Cùng ngày, nước này ghi nhận kỷ lục về số ca nhiễm mới 17.045 ca, cho dù đã phong toả toàn quốc từ tháng 6.
Cũng giống như ở nhiều nơi khác trong Đông Nam Á – khu vực với hơn 650 triệu dân, hệ thống bệnh viện và lực lượng y bác sỹ của Malaysia đang quá tải vì lượng bệnh nhân Covid quá lớn. Nước này đang trong tình trạng thiếu nghiêm trọng giường bệnh, máy trợ thở và oxy y tế.
Ngày thứ Hai, hàng nghìn bác sỹ hợp đồng của Malaysia đã xuống đường biểu tình, nhưng cam kết bệnh nhân sẽ không bị ảnh hưởng. “Khoảng 150 bác sỹ hợp đồng đã xin nghỉ việc trong năm nay vì họ đã quá mệt mỏi với hệ thống này”, một bác sỹ tham gia biểu tình ở Kuala Lumpur nói với hãng tin Reuters.
Mục đích của các bác sỹ hợp đồng Malaysia khi biểu tình là muốn có công việc chính thức, được trả lương và các chế độ tốt hơn. Họ nói việc Thủ tướng Muhyiddin Yassin đề nghị gia hạn hợp đồng lao động cho họ là chưa đủ.
Malaysia đã đi nhanh hơn nhiều nước Đông Nam Á khác trong chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19. Tuy nhiên, đến nay cũng mới chỉ có 16,9% trong tổng số 32 triệu dân của nước này được tiêm phòng đầy đủ.
Tuần trước, Thái Lan siết chặt các hạn chế đối với thủ đô Bangkok và 12 tỉnh có nguy cơ cao, dừng hầu hết các chuyến bay nội địa và mở rộng những khu vực áp lệnh giới nghiêm. Chính phủ Thái Lan bị dân chủ nước này chỉ trích về tốc độ tiêm chủng chậm chạp, khi đến nay mới có 5,6% dân số được tiêm đầy đủ.
Tại Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, số ca nhiễm đến nay đã vượt 3,1 triệu ca và số người tử vong vì Covid là 83.000. Tuần này, đất nước 270 triệu dân tuyên bố sẽ gia hạn phong toả thêm 1 tuần, nhưng một số biện pháp sẽ được nới, như cho phép các chợ truyền thống và nhà hàng có không gian ngoài trời được mở cửa trở lại.
Trong suốt 1 tháng qua, các bệnh viện ở Indonesia luôn đông nghẹt bệnh nhân, nhất là ở những đảo có mật độ dân số cao như Java và Bali. Vào hôm Chủ nhật, Tổng thống Joko Widodo nói số ca nhiễm mới và số ca nhập viện đã giảm, nhưng không đưa ra con số cụ thể.
“Quyết định của Indonesia về nới một số biện pháp có vẻ không liên quan đến tình hình dịch bệnh mà liên quan đến kinh tế”, nhà dịch tế học Pandu Riono thuộc Đại học Indonesia nhận định, đồng thời kêu gọi mọi người giữ vững việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.
Tuần trước, Indonesia có 4 ngày liên tiếp lập kỷ lục về số ca tử vong do Covid, đỉnh điểm là ngày thứ Sáu với 1.566 ca. Nhà chức trách đã phải cam kết bổ sung thêm số phòng bệnh chăm sóc tích cực (ICU).
Tại Myanmar, số ca nhiễm mới đã tăng mạnh từ tháng 6 đến nay, giữa lúc nước này chìm trong bất ổn chính trị sau vụ đảo chính quân sự hồi tháng 2. Ngày Chủ nhật, Myanmar ghi nhận 355 ca tử vong do Covid, một con số kỷ lục. Số ca nhiễm mới hàng ngày ở nước này cũng cao chưa từng thấy ở mức 6.000 ca vào hôm thứ Năm.
Tại Philippines, Chính phủ nước này đang ra sức ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Delta. Số ca nhiễm mới ở Philippines bắt đầu tăng lên thời gian gần đây, khiến nhà chức trách tuần này dừng cho phép nhập cảnh đối với hành khách từ Malaysia và Thái Lan, đồng thời siết chặt các biện pháp ở khu vực xung quanh thủ đô Manila.