11:51 26/07/2021

Cuộc đua phát triển thuốc đặc trị Covid-19 ngày càng nóng

An Huy

Một công ty Nhật Bản đã bắt đầu cuộc thử nghiệm trên người về một loại thuốc viên đặc trị Covid-19 với liều dùng 1 viên/ngày, theo đó gia nhập cuộc đua cùng với Pfizer và Merck trong việc phát triển thuốc chữa nhằm chống lại đại dịch...

“Mục tiêu của chúng tôi là một loại thuốc rất an toàn dùng đường uống, như Tamiflu, như Xofluza”, Tổng giám đốc (CEO) Isao Teshirogi của Shionogi phát biểu - Ảnh: Kyodo/WSJ.
“Mục tiêu của chúng tôi là một loại thuốc rất an toàn dùng đường uống, như Tamiflu, như Xofluza”, Tổng giám đốc (CEO) Isao Teshirogi của Shionogi phát biểu - Ảnh: Kyodo/WSJ.

Theo tờ Wall Street Journal, Shionogi – công ty dược có trụ sở ở Osaka – cho biết đang phát triển một loại thuốc chống lại Sars-CoV-2, virus gây bệnh Covid. Công ty nói rằng liều dùng 1 viên mỗi ngày sẽ thuận tiện cho bệnh nhân trong quá trình điều trị. Cuộc thử nghiệm loại thuốc này đã bắt đầu từ đầu tháng 7 và có khả năng sẽ kéo dài cho tới năm sau.

Shionogi chậm hơn nhiều tháng so với Pfizer và Merck – hai hãng dược đã bước vào thử nghiệm giai đoạn cuối về thuốc điều trị Covid.

Pfizer cho biết thuốc viên dùng đường uống với liều dùng 2 viên mỗi ngày của hãng có thể sẵn sàng để đưa ra thị trường ngay trong năm nay. Hãng dược Mỹ đang huy động hơn 2.000 bệnh nhân Covid cho một cuộc thử nghiệm loại thuốc chống virus này, dùng kết hợp với một loại thuốc chống virus bổ trợ.

Hãng dược phẩm Đức Merck cho biết thuốc đặc trị Covid có tên Molnupiravir đã thành công trong việc giảm lượng virus trong bệnh nhân Covid-19 và có thể giảm bớt nguy cơ bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Hiện Merck đã ký một thoả thuận với Chính phủ Mỹ để cung cấp thuốc Molnupiravir cho nước này nếu thuốc được Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn.

Cả ba hãng dược trên đều đang chạy đua với thời gian để lấp đầy một trong những khoảng trống lớn nhất của cuộc chiến chống đại dịch.

Theo các nghiên cứu, các loại vaccine hiện có vẫn giữ được hiệu quả trong việc chống lại nguy cơ mắc bệnh thể nặng do các biến chủng hiện tại của Covid, bao gồm biến chủng Delta. Tuy nhiên, có nhiều người không muốn tiêm vaccine, và sự lây nhiễm có thể xảy ra ở những người này.

 
Các hãng dược muốn phát triển được một loại thuốc viên mà bệnh nhân mắc Covid-19 có thể dùng điều trị tại nhà nếu các triệu chứng không nặng. Đối với bệnh cúm, những thuốc như vậy khá phổ biến, như Tamiflu của Roche.

Các thuốc điều trị Covid-19 hiện có, bao gồm thuốc kháng virus Remdesivir dùng đường truyền của Gilead Science Inc., đều cần được theo dõi trong bệnh viện và không mang lại hiệu quả trong nhiều trường hợp. Các loại thuốc khác dùng điều trị trong bệnh viện gồm có các thuốc kháng thể đơn dòng (monoclonal antibody) như loại của hãng Regeneron Pharmaceuticals Inc. và thuốc steroid dexamethasone.

Trong bối cảnh như vậy, các hãng dược muốn phát triển được một loại thuốc viên mà bệnh nhân mắc Covid-19 có thể dùng điều trị tại nhà nếu các triệu chứng không nặng. Đối với bệnh cúm, những thuốc như vậy khá phổ biến, như Tamiflu của Roche Holding AG, hay Xofluza của Shionogi, dù không phải bệnh nhân nào dùng cũng hiệu quả và có thể được kê đơn quá muộn để có thể phát huy tác đụng đầy đủ.

“Mục tiêu của chúng tôi là một loại thuốc rất an toàn dùng đường uống, như Tamiflu, như Xofluza”, Tổng giám đốc (CEO) Isao Teshirogi của Shionogi phát biểu. Theo ông Teshirogi, mục tiêu của loại thuốc đặc trị Covid mà công ty của ông đang phát triển là trung hoà được virus trong cơ thể người bệnh chỉ sau 5 ngày sử dụng.

Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm thuốc nói chung có tỷ lệ thất bại cao. Bất kỳ một tác dụng phụ nào, dù tương đối nhẹ như buồn nôn, cũng có thể khiến một loại thuốc điều trị Covid khó được chấp nhận cho tự điều trị tại nhà. Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu, còn chưa rõ liệu việc loại bỏ virus trong cơ thể người bệnh có dẫn tới những vấn đề khác như nồng độ oxy thấp trong cơ thể khiến bệnh nhân phải nhập viện.

Các thuốc đặc trị Covid mà Pfizer và Shionogi đang thử nghiệm chặn sự phát triển của virus trong cơ thể người bệnh bằng cách ức chế một enzyme có tên protease mà virus cần để nhân bản trong tế bào người. Các thuốc ức chế protease đã được sử dụng rộng rãi để chống các loại virus như HIV/AIDS, nhưng khả năng kháng thuốc của virus là một thách thức tiềm tàng.

“Chúng ta đã học được rất nhanh chóng từ HIV rằng nếu không chú ý đến điều này, thuốc phát triển ra có thể trở thành vô dụng ngay”, Giám đốc khoa học Daria Hazuda thuộc trung tâm nghiên cứu của Merck ở Massachusetts phát biểu.

Thuốc đặc trị Covid-19 có tên Molnupiravir của Merck - Ảnh: Merck/WSJ.
Thuốc đặc trị Covid-19 có tên Molnupiravir của Merck - Ảnh: Merck/WSJ.

CEO Teshirogi của Shionogi cũng nói rằng nghiên cứu ban đầu cho thấy virus có thể đột biến một cách dễ dàng để tránh tác dụng của thuốc đặc trị mà công ty Nhật Bản này đang phát triển.

Trong khi đó, thuốc trị Covid của Merck hoạt động theo cơ chế tương tự như việc viết những từ ngữ vô nghĩa vào số tay hướng dẫn của virus, gây trở ngại cho quá trình tự nhân bản của chúng. Cơ chế này khiến virus rất khó kháng lại – theo ông Hazuda. Đây là phương thuốc mà Merck đã nghiên cứu từ nhiều năm trước với mục đích ban đầu là điều trị virus Ebola.

Theo thoả thuận mà Merck đã ký với Chính phủ Mỹ, hãng sẽ cung cấp cho Mỹ 1,7 triệu liệu trình thuốc đặc trị Covid-19 có tên Molnupiravir nếu thuốc này được FDA phê chuẩn. Giá trị của hợp đồng là 1,2 tỷ USD, đồng nghĩa với mức giá khoảng 700 USD một liệu trình.