08:29 27/07/2021

Số ca nhiễm mới Covid tăng nhanh, Mỹ tuyên bố không dỡ hạn chế đi lại

Điệp Vũ

Mỹ tại thời điểm này sẽ không dỡ bất kỳ hạn chế đi lại nào hiện có, trong bối cảnh lo ngại về biến chủng Delta của Covid-19 có tốc độ lây lan nhanh và số ca nhiễm mới ở nước này tăng mạnh...

 Một chuyến bay gần như không có khách của hãng American Airline giữa Washington DC và Miami hôm 18/3/2020 - Ảnh: Reuters.
Một chuyến bay gần như không có khách của hãng American Airline giữa Washington DC và Miami hôm 18/3/2020 - Ảnh: Reuters.

Quyết định này được Nhà Trắng đưa ra sau một cuộc họp cấp cao ngày 26/7, Reuters đưa tin.

Điều này đồng nghĩa với việc những hạn chế đi lại kéo dài, không cho phép người dân từ nhiều quốc gia khác trên thế giới nhập cảnh vào Mỹ từ năm 2020, sẽ duy trì trong ngắn hạn.

“Xét tới tình hình hiện nay, với biến chủng Delta, tại thời điểm này, chúng tôi sẽ duy trì các hạn chế đi lại hiện có”, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố, nhấn mạnh sự lây lan của biến chủng Delta tại Mỹ và các quốc gia khác. “Do biến chủng Delta, số ca nhiễm mới Covid đang tăng mạnh ở Mỹ, nhất là ở những người chưa tiêm phòng, và có khả năng tiếp tục tăng trong những tuần sắp tới”.

Quyết định của Nhà Trắng là tin xấu đối với các hãng hàng không và ngành du lịch Mỹ vốn đang đặt kỳ vọng vào hoạt động du lịch tới Mỹ trong mùa hè năm nay của người dân châu Âu và các quốc gia khác trong diện hạn chế. Những tháng qua, các hãng bay của Mỹ đã vận động mạnh mẽ nhằm thuyết phục Nhà Trắng dỡ hạn chế trong mùa hè này. Giờ đây, một số nhân vật trong ngành nói rằng họ có thể phải chờ đến tháng 9 hoặc thậm chí muộn hơn mới đến lúc các hạn chế được dỡ bỏ.

Mỹ hiện cấm nhập cảnh đối với hầu hết hành khách không phải là công dân Mỹ trong 14 ngày gần nhất từng tới Anh, 26 nước Schengen, hoặc Ireland, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Iran và Brazil.

Hạn chế đi lại chưa từng có tiền lệ này được Mỹ áp đầu tiên lên Trung Quốc vào tháng 1/2020 nhằm ngăn sự lây lan của Covid-19. Sau đó, các quốc gia khác lần lượt được đưa vào danh sách, gần đây nhất là Ấn Độ được bổ sung hồi đầu tháng 5.

Tuần trước, Bộ An ninh nội địa Mỹ tuyên bố biên giới trên bộ giữa nước này với Canada và Mexico sẽ tiếp tục đóng đối với các hoạt động đi lại không thiết yếu cho tới ngày 21/8, cho dù Canada tuyên bố từ ngày 9/8 sẽ bắt đầu cho phép nhập cảnh trở lại đối với du khách Mỹ đã tiêm đủ vaccine.

Vào hôm 15/7, tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel, khi được hỏi bao giờ thì Mỹ sẽ dỡ hạn chế đi lại đối với châu Âu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đáp rằng ông “chỉ có thể đưa ra câu trả lời sau vài ngày nữa”.

Bà Merkel nói bất kỳ quyết định dỡ hạn chế đi lại nào cũng “phải là một quyết định bền vững, chứ không phải là đưa ra rồi vài ngày sau rút lại”.

Kể từ sau cuộc họp báo đó, số ca nhiễm mới Covid-19 ở Mỹ đã tăng mạnh.

Hôm thứ Năm tuần trước, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết số ca nhiễm mới bình quân hàng ngày trong 7 ngày gần nhất tăng 53% so với tuần trước đó. Biến chủng Delta, loại phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ, hiện chiếm hơn 80% số ca nhiễm mới ở Mỹ và đã có mặt tại hơn 90 quốc gia trên thế giới.

Tuần trước, CDC Mỹ khuyến cao người dân Mỹ không nên tới Anh vì số ca nhiễm mới ở Anh đang tăng mạnh, cho dù Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế chống dịch.

Chính quyền của ông Biden từ chối đưa ra bất kỳ tiêu chí nào cho việc rút lại các hạn chế đi lại. Tuần trước, nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters rằng Nhà Trắng đang thảo luận về khả năng áp điều kiện bắt buộc tiêm đủ vaccine đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Mỹ, nhưng hiện chưa có quyết định cuối cùng về vấn đề này.