09:42 01/08/2022

Đang tăng giá mạnh, vì sao đồng USD đảo chiều?

Bình Minh

Sau một thời gian không ngừng tăng giá mạnh, đồng bạc xanh bắt đầu có những dấu hiệu “đuối sức”...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Đồng USD đã có một khoảng thời gian tăng giá mạnh, đội giá hơn 10% so với các đồng tiền chủ chốt khác từ đầu năm đến nay.

Gần đây, bạc xanh bắt đầu có những dấu hiệu “đuối sức”. Vậy đâu là nguyên nhân khiến đồng tiền này đảo chiều?

USD TĂNG GIÁ, “THẢM HOẠ” ĐỐI VỚI NHIỀU NỀN KINH TẾ

Trong một bài viết đăng trên tờ Financial Times, giáo sư kinh tế học Barry Eichengreen thuộc Đại học California, Berkeley nói rằng đối với nhiều chính phủ và ngân hàng trung ương trên thế giới, xu hướng tăng giá của USD thời gian qua nên được miêu tả bằng từ “thảm hoạ” thay vì “tuyệt vời”.

Đối với các quốc gia đang phát triển, từ Sri Lanka cho tới Argentina, sự tăng giá của đồng USD khiến cho việc thanh toán các khoản nợ bằng USD vốn dĩ đã khó khăn càng trở nên khó khăn hơn, thậm chí trở thành điều không thể trong một số trường hợp.

 

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất nhanh và mạnh hơn các ngân hàng trung ương lớn khác. Sự thắt chặt này thu hút các dòng vốn chảy về Mỹ.

Đối với các thị trường mới nổi không vay nợ nhiều như Chile, đồng USD tăng giá cũng đẩy lạm phát lên cao thông qua làm tăng giá cả tính bằng đồng nội tệ của các mặt hàng định giá bằng USD như lương thực-thực phẩm và năng lượng. Lạm phát và sự mất giá của đồng nội tệ đã buộc Ngân hàng Trung ương Chile tăng lãi suất 9 lần trong vòng 1 năm qua và đang phải rút dự trữ ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng Peso.

Đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), không có gì là dễ chịu khi chứng kiến đồng Euro rớt giá về mức ngang giá so với USD. Đối với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), “nỗi đau” chính là việc đồng Yên trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất năm nay trong số đồng tiền của các nền kinh tế phát triển.

Sự tăng giá của đồng USD không phải là một câu chuyện khó hiểu, giáo sư Eichengreen nhấn mạnh khi đưa ra hai lý do chính dẫn tới việc này, gồm sự thiếu đồng nhất về chính sách tiền tệ giữa các nền kinh tế lớn và nhu cầu nắm giữ USD tăng cao.

Do lạm phát ở Mỹ tăng cao và nền kinh tế nước này phục hồi mạnh sau cú sốc Covid-19, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất nhanh và mạnh hơn các ngân hàng trung ương lớn khác. Sự thắt chặt này thu hút các dòng vốn chảy về Mỹ.

ECB – dù đã khởi động việc thắt chặt chính sách tiền tệ bằng động thái nâng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm vào hôm 21/7, với mức tăng 0,5 điểm phần trăm - chậm hơn nhiều so với Fed trong cuộc đua lãi suất này. Bị Nga “siết van” khí đốt, kinh tế châu Âu đang cùng lúc đương đầu với khủng hoảng năng lượng, lạm phát leo thang và nguy cơ suy thoái kinh tế. Tất cả những yếu tố này có thể khiến thị trường trái phiếu chính phủ Italy chao đảo, vì quốc gia này đang ở trong tình trạng bất ổn chính trị.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn chưa giải quyết được vấn đề lạm phát thấp, nên chưa tìm thấy lý do để nâng lãi suất từ mức thấp kỷ lục. BOJ vì thế duy trì chính sách “kiểm soát đường cong lợi suất” nhằm ghìm giữ lãi suất ở mức thấp.

Trong bối cảnh rủi ro địa chính trị tăng cao vì chiến tranh Nga-Ukraine, đồng USD phát huy vai trò “hầm trú ẩn”. So với một kênh đầu tư an toàn khác là vàng, USD đang được ưa chuộng hơn.

Tuy nhiên, giáo sư Eichengreen nói rằng chính sách của các ngân hàng trung ương mới là nhân tố chủ đạo chi phối diễn biến tỷ giá đồng USD, và trong thời gian tới cũng vậy.

LÝ DO ĐỂ TIN USD NGỪNG TĂNG GIÁ

Do chậm chân so với sự leo thang của lạm phát, Fed đang phải tăng lãi suất theo kiểu “đuổi bắt” lạm phát. Vì vậy, thị trường hiện đã kỳ vọng Fed phải tiếp tục tăng lãi suất với bước nhảy lớn để kiềm chế sự leo thang của giá cả. Kỳ vọng này đã được phản ánh vào giá các tài sản, trong đó có đồng USD.

Nói cách khác, những đợt tăng lãi suất tiếp theo của Fed sẽ khó đẩy tỷ giá USD lên cao hơn. Thậm chí, nếu Fed phải giãn tiến độ tăng lãi suất vì nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ, đồng USD có thể tụt giá mạnh.

Diễn biến chỉ số Dollar Index từ đầu năm đến nay - Nguồn: TradingView.
Diễn biến chỉ số Dollar Index từ đầu năm đến nay - Nguồn: TradingView.

Dù tăng 10,1% từ đầu năm đến nay và đạt đỉnh 20 năm ở mức gần 109 điểm vào trung tuần tháng 7, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã giảm 1% trong tuần trước.

Theo vị giáo sư, ngoài kỳ vọng của nhà đầu tư vào chính sách tiền tệ của Fed, còn có hai yếu tố khác có thể làm phức tạp triển vọng của thị trường ngoại hối.

Thứ nhất, các ngân hàng trung ương khác, đặc biệt là ECB, đang cho thấy mức độ sẵn sàng ngày càng lớn trong việc bắt kịp Fed trong cuộc đua lãi suất nhằm xử lý vấn đề lạm phát leo thang. Ngoài ra còn có các ngân hàng trung ương của Canada, Philippines, Singapore, New Zealand, Hàn Quốc… có định hướng chính sách tương tự. Danh sách này đang ngày càng dài hơn.

 

Nếu sự giảm tốc kinh tế Mỹ do chính sách tiền tệ của Fed lan rộng từ thị trường bất động sản sang bán lẻ và đầu tư của doanh nghiệp, hiệu ứng tổng thể sẽ là kéo tụt cả chi tiêu và lạm phát ở Mỹ.

Các quốc gia kể trên đều có tình hình tài chính đủ mạnh để đương đầu với mức lãi suất cao hơn, và lạm phát đang là một mối lo chung. Ngân hàng trung ương của các nước này vì thế ít nhất sẽ tăng lãi suất cùng tiến độ với Fed. Bởi vậy, tỷ giá đồng USD so với đồng tiền của các nước này đang “giảm nhiệt”. Trong những tuần tới và tháng tới, câu chuyện có thể tiếp tục diễn ra theo chiều hướng như vậy.

Và thứ hai, nguy cơ suy thoái đang tăng cao ở Mỹ. Cần phải nhắc lại rằng sự tăng giá của USD thời gian qua là do kỳ vọng Fed tiếp tục tăng lãi suất. Mà kỳ vọng này lại dựa vào hy vọng nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng.

Nếu sự giảm tốc kinh tế Mỹ do chính sách tiền tệ của Fed lan rộng từ thị trường bất động sản sang bán lẻ và đầu tư của doanh nghiệp, hiệu ứng tổng thể sẽ là kéo tụt cả chi tiêu và lạm phát ở Mỹ. Ý tưởng cho rằng khi nguy cơ suy thoái xuất hiện, lạm phát vẫn ở mức cao và Fed bắt buộc tiếp tục nâng lãi suất mạnh tay có vẻ đã trở nên không còn phù hợp.

Fed thời Chủ tịch Paul Volcker đã nâng lãi suất ngay cả khi kinh tế Mỹ suy thoái – và đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh – vì lạm phát ở Mỹ khi đó dai dẳng ở mức cao trong nhiều năm. Hiện nay, giáo sư Eichengreen nhận định ít có dấu hiệu cho thấy câu chuyện lặp lại.

Bởi thế, khi tăng trưởng kinh tế và lạm phát cùng yếu đi, Fed sẽ giãn tiến độ tăng lãi suất hoặc thậm chí ngừng tăng lãi suất, và tỷ giá đồng USD sẽ không còn tăng nóng như thời gian qua, thậm chí sẽ đi xuống.