Đánh giá toàn diện, làm rõ các vấn đề còn tồn tại ở các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển Việt Nam
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản yêu cầu Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển trong năm 2021 nhằm đánh giá toàn diện hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế trên phạm vi cả nước.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tập trung làm rõ kết quả đạt được, vấn đề còn tồn tại, nguyên nhân của các tồn tại và kiến nghị phương án xử lý (nếu có); đồng thời, cần cung cấp thông tin cụ thể về tình hình xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển trên địa bàn trong năm 2021 và lũy kế đến thời điểm báo cáo theo các biểu mẫu.
Cụ thể, cần báo cáo về tình hình thu hút đầu tư vào khu công nghiệp năm 2021 gồm: tình hình cấp, điều chỉnh và thu hồi các dự án đầu tư nước ngoài cũng như các dự án đầu tư trong nước; tình hình sản xuất, kinh doanh của các dự án đầu tư năm 2021..
Trong nội dung báo cáo, các địa phương cần thông tin về tình hình thành lập mới, điều chỉnh diện tích và thu hồi khu công nghiệp; tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; danh mục các khu công nghiệp nằm trong quy hoạch còn hiệu lực…
Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu cầu Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế các địa phương báo cáo về tình hình thu hút đầu tư tại khu kinh tế ven biển năm 2021; tình hình quy hoạch, sử dụng đất tại khu kinh tế ven biển cũng như tình hình thu hút dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế ven biển năm 2021. Báo cáo gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 27/12/2021.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trong 9 tháng năm 2021, đã có 41 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp mới/mở rộng/điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích khoảng 7.670 ha.
Theo đó, tính đến cuối tháng 9/2021, trên phạm vi cả nước có 563 khu công nghiệp nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam (tính cả khu công nghiệp trong khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 210,9 nghìn ha, chiếm khoảng 0,6% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước và 4,1% tổng diện tích đất phi nông nghiệp trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Trong 563 khu công nghiệp đã được quy hoạch phát triển, đã có 397 khu công nghiệp đã được thành lập (bao gồm 352 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 37 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 08 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 122,9 nghìn ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 82,6 nghìn ha, chiếm khoảng 67,2% diện tích đất tự nhiên.
Tính đến cuối tháng 9/2021, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã thành lập trên cả nước đạt khoảng 52,5%. Nếu tính riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động thì tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 70,9%, xấp xỉ so với cuối năm 2020.
Mặc dù vậy, đạt nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian vừa qua chưa bền vững, bộc lộ một số tồn tại hạn chế hạn chế. Một số chuyên ra kinh tế chỉ ra những tồn tại ở các khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam như quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể.
Tại một số nơi quy hoạch và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư, chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường; việc tập trung các khu công nghiệp tại một số địa phương, tuyến quốc lộ gây áp lực lớn về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực xung quanh khu công nghiệp; mô hình phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế còn chậm đổi mới so với các nước trên thế giới; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất tại khu công nghiệp, khu kinh tế còn chưa cao.