06:00 20/12/2021

“Đất lành chim đậu”

Nguyễn Quốc Uy

Trong cuốn sách “Viet Nam – Land of Opportunities” (tạm dịch: Việt Nam – đất nước của những cơ hội), do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam biên soạn và xuất bản đầu tháng 12 này, có nội dung giới thiệu 10 địa phương thuộc top đầu thu hút vốn FDI, với TP. Hồ Chí Minh ở vị trí số 1 (48,19 tỉ USD, tính đến cuối năm 2020)....

Trong cuốn sách “Viet Nam – Land of Opportunities” (tạm dịch: Việt Nam – đất nước của những cơ hội), do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam biên soạn và xuất bản đầu tháng 12 này, có nội dung giới thiệu 10 địa phương thuộc top đầu thu hút vốn FDI, với TP. Hồ Chí Minh ở vị trí số 1 (48,19 tỉ USD, tính đến cuối năm 2020).

Thành phố Hồ Chí Minh ở vị trí dẫn đầu top 10 địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất không phải là chuyện lạ. Điều đó hoàn toàn hợp với logic phát triển kinh tế.

Đây là địa phương dẫn đầu cả nước về dân số (gần 9 triệu người, theo điều tra dân số năm 2019), về quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) mà năm 2019 (trước đại dịch Covid-19) đạt mức tương đương hơn 58 tỉ USD, đóng góp gần 1/4 GDP,  về số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn (25,48% tổng thu cả nước, theo số liệu năm 2020)… và, cùng với Hà Nội, là đầu tầu kinh tế của đất nước.

Xét riêng địa bàn phía Nam, do ở tầm lớn nhất và thuận lợi nhất về mọi mặt so với các địa phương khác, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông  với cả bốn loại hình: đường không, đường bộ, đường sắt, đường thủy (bao gồm cả cảng biển), hạ tầng điện, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số…,  TP. Hồ Chí Minh đã mặc nhiên trở thành giao điểm kết nối  kinh tế (economic hub) của cả khu vực. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một trong những cửa ngõ giao thương quốc tế lớn nhất, sầm uất nhất của cả nước.

Thành phố cũng đã xây dựng được hơn 40 khu công nghiệp và cụm công nghiệp, theo chủ trương “lót ổ” cho “đại bàng”.

Đó là địa lợi.

Thành phố mang tên Bác được đánh giá là có nguồn nhân lực không chỉ đông về số lượng mà còn đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng, với trình độ chuyên môn cao, nổi bật khả năng thích ứng và tiếp thu nhanh công nghệ cao, năng lực quản lý và quản trị giỏi, làm việc có trách nhiệm. Lãnh đạo Thành phố lại định ra được những cơ chế năng động và chính sách linh hoạt mà không trái với chủ trương chung của Trung ương.

Đó là nhân hòa.

Những yếu tố về địa lợi và nhân hòa như vậy đã tạo được sức hút lớn, khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản, khó cưỡng lại, trong hành trình tìm điểm đến đầu tư.

Sự tính toán khôn ngoan trong lựa chọn địa điểm đầu tư của các tập đoàn doanh nghiệp Nhật Bản là có căn cứ, dựa trên những phân tích cụ thể và khoa học đối với các dữ liệu có thật, chứ không theo cảm tính.

Người Nhật nổi tiếng là có đầu óc thực tế.

Ngày 14/12 vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra một sự kiện làm nức lòng các nhà đầu tư Nhật Bản đang làm ăn tại Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Đó là lễ kỷ niệm 20 năm hội nghị bàn tròn các doanh nghiệp Nhật Bản tại thành phố này.

Đây cũng là dịp nhìn lại hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh.

Hội nghị bàn tròn 20 năm trước của các doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh được coi là dấu mốc quan trọng trong lịch sử hoạt động thời hiện đại của các nhà đầu tư Nhật Bản tại địa bàn năng động nhất Việt Nam về kinh tế.

Từ lúc ban đầu chỉ có 69 dự án, được đầu tư với số vốn khiêm nhường, chỉ mang tính “dò đường”, sau 20 năm, số lượng dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh đã tăng 46,6 lần, lên con số 3.218 dự án, chiếm gần ¾  tổng số dự án đầu tư của Nhật Bản còn hiệu lực tại Việt Nam (4.765, tính đến cuối tháng 10/2021),  với vốn đăng ký gần 7,42 tỉ USD, chiếm 10,4% tổng số vốn mà các nhà đầu tư từ 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký rót vào địa phường này.

Rõ ràng, các doanh nghiệp Nhật Bản là mảng màu nổi bật trên bản đồ FDI của TP. Hồ Chí Minh, với những tên tuổi được người tiêu dùng nể trọng, như Nidec Sankyo, Sojitz, Aeon, Family Mart…

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh (JCCH) Mizushima Kozo, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có sự ổn định lâu dài về chính trị và xã hội, có nhiều nét văn hóa tương đồng với Nhật Bản (chung truyền thống văn hóa Đông Bắc Á, với đặc trưng dùng đũa khi ăn), lại có nhiều điểm hấp dẫn giới đầu tư quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản, chẳng hạn như nguồn lao động trẻ, năng động và dồi dào, với mức lương có lợi thế cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực.

Không phải ngẫu nhiên mà số lượng hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh từ năm 2019 đã vượt qua mốc 1.000 doanh nghiệp, trở thành hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản lớn thứ ba ở nước ngoài, sau các hiệp hội ở Thượng Hải và Bangkok.

Tính đến năm 2020, số người Nhật sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh đã lên tới 12.481 người, tăng 1,7 lần so với năm 2015.

Nhiều doanh nhân Nhật Bản đã đặt trọn niềm tin khi chọn TP. Hồ Chí Minh (cùng với một số địa phương khác của Việt Nam) để sinh sống và làm giàu bằng nguồn vốn, kinh nghiệm kinh doanh và công nghệ của họ.

Đúng là “đất lành, chim đậu”.