16:44 14/12/2021

Xây dựng chính quyền đô thị: TP.HCM đề xuất cơ chế đặc thù

Mộc Minh

Nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng chính quyền đô thị tại TP.HCM, trong đó, có đề xuất cơ chế đặc thù để thành phố phát triển mạnh mẽ hơn...

TP.HCM là đô thị đông dân nhất nước, có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức, áp lực tăng dân số cơ học ngày càng nhanh với quy mô lớn, khối lượng công việc càng nhiều.

Tại hội thảo “TP.HCM: Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, tổ chức chiều 13/12/2021, ông Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết, hiện trung bình 01 công chức phục vụ khoảng 690 người dân, nếu tính cả khách vãng lai thì số này lên tới 1.117 người dân. Cần một bộ máy chính quyền đô thị hiện đại, có khả năng lập kế hoạch, sử dụng các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ, hiệu quả cao.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư, cần quan tâm đến chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng thành phố triển khai xây dựng chính quyền đô thị trong khi ngân sách đầu tư còn khó khăn, hạ tầng quá tải, giao thông chưa thông suốt. Ngay như việc chống dịch Covid-19 vừa qua, thành phố đã chi rất lớn, ảnh hưởng đến ngân sách đầu tư cho các việc khác.

 
Để TP.HCM xây dựng hiệu quả chính quyền đô thị cần có sự phân cấp, phân quyền và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương; tăng quyền tự chủ cho địa phương, để vừa thực hiện xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM.

Đối với công tác cán bộ, theo bà Phạm Phương Thảo, số lượng cán bộ, công chức có giảm khi thực hiện chính quyền đô thị nhưng không nên giảm quá nhiều, phải tính trên cơ sở dân cư để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Cần tính đến biên chế công chức của phường, xã như thế nào cho hài hòa.

“Về tỷ lệ điều tiết ngân sách của TP.HCM, nên chăng Trung ương có tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM cao hơn hoặc có con số ổn định tuyệt đối để TP.HCM chủ động nguồn lực đầu tư”, bà Thảo nói. 

Cùng quan điểm này, một số ý kiến cho rằng TP.HCM cần kiến nghị Chính phủ tăng tỷ lệ giữ lại cho đầu tư phát triển tại thành phố lên 33%.

Còn ông Ma Xuân Việt, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM nhận định, cốt lõi của chính quyền đô thị không chỉ ở những thay đổi trong tổ chức cấp chính quyền hay mô hình “thành phố trong thành phố”, quan trọng là cải cách thể chế liên quan đến quản lý phát triển đô thị.

Thực tế, văn bản quy phạm pháp luật hiện nay trên các lĩnh vực vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu hỗ trợ cần thiết cho tiến trình phát triển đô thị nước ta, trong khi xây dựng chính quyền đô thị cần sự dung hợp tinh thần cải cách đồng bộ, thống nhất…

“Một trong những nhiệm vụ sắp tới là TP.HCM cần tập trung xây dựng, đề xuất một số chính sách liên quan đến cơ chế khai thác nguồn lực từ đất; các mô hình phù hợp với đô thị thông minh; chế độ chính sách đối với đội ngũ nhân lực chất lượng cao…”, ông Việt nhấn mạnh.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng thành phố cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn về thủ tục, quy định hành chính để thu hút vốn FDI. Tăng chất lượng cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục hải quan nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Cùng với đó, đào tạo nguồn nhân lực lao động kỹ thuật trình độ cao.