19:03 14/04/2023

Đặt mục tiêu lãi gấp 4 lần giữa lúc thị trường khó khăn, BSC thực hiện bằng cách nào?

Phan Linh

Giữa lúc kinh tế toàn cầu và trong nước đứng trước nguy cơ suy thoái, thị trường chứng khoán đối mặt với nhiều khó khăn thì Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC, mã chứng khoán BSI-HOSE) lại đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 gấp 4 lần 2022...

Các cổ đông BSC đề nghị có giải pháp để doanh nghiệp có vị trí ổn định trong Top 10 thị phần môi giới sàn HoSE.
Các cổ đông BSC đề nghị có giải pháp để doanh nghiệp có vị trí ổn định trong Top 10 thị phần môi giới sàn HoSE.

Theo các chuyên gia, năm 2023, thị trường chứng khoán đứng trước nguy cơ thiếu 2 động lực tăng trưởng quan trọng. Đó là: (1) Kết quả kinh doanh tăng trưởng thấp hoặc không có tăng trưởng; (2) Dòng tiền của nhà đầu tư trong nước thu gọn kéo theo thanh khoản thị trường giảm sút. Vì vậy, 2023 được dự báo là năm không dễ dàng với thị trường chứng khoán cũng như các công ty chứng khoán hoạt động trong ngành.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán BSC lại gây “sốc” khi đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 tăng gấp gần 4 lần thực hiện năm 2022.

THAM VỌNG LỢI NHUẬN TĂNG 3,8 LẦN CÓ KHẢ THI?

Ngày 14/4/2023, BSC tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 tại Hà Nội.

Tại Đại hội, lãnh đạo công ty trình kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế 565 tỷ đồng, gấp gần 3,8 lần kết quả đạt được năm 2022, Top 10 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HOSE.

Rất nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo về phương thức hiện thực hóa mục tiêu lợi nhuận trên, đồng thời làm thế nào duy trì vị thế Top 10 thị phần môi giới sàn HOSE bởi nhiều năm liền BSC liên tục “vào, ra” trên bảng xếp hạng mà không giữ được phong độ ổn định?

Trả lời thắc mắc của cổ đông, Tổng giám đốc Nguyễn Duy Viễn cho  biết cách làm của BSC vẫn sẽ tiếp tục đặt việc quản trị rủi ro lên hàng đầu. Môi giới sẽ là mảng cốt lõi, đóng góp 60-70% lợi nhuận. BSC cũng đẩy mạnh lợi nhuận từ mảng tự doanh. Hoạt động tự doanh của BSC không tập trung nhiều cổ phiếu mà liên quan đến nguồn vốn trái phiếu chính phủ, đây cũng là một thế mạnh khi công ty vẫn đang giữ vị trí số 1 về môi giới trái phiếu chính phủ.  Cùng đó, ông Viễn cho biết mảng tư vấn tài chính cũng kỳ vọng có thêm động lực tăng trưởng từ việc thực hiện các thương vụ mua bán - sáp nhập cho các khách hàng Hàn Quốc.

“Chúng tôi không chạy theo doanh số bằng mọi giá. Chúng tôi chỉ thực hiện những giao dịch thực sự an toàn, hiệu quả, minh bạch. Chính vì vậy, dù Top 10 là một trong những mục tiêu nhưng chúng tôi không bằng mọi giá để đạt được mục tiêu này. Trong thời gian tới, để quay trở lại Top 10 một cách vững chắc, chúng tôi sẽ dùng lợi thế lớn nhất của 2 cổ đông lớn là ngân hàng mẹ BIDV và Hana Securities…BIDV có sẵn lợi thế khách hàng còn Hana Securities có thế mạnh về công nghệ”, Tổng giám đốc BSC cho biết.

Theo vị CEO này, hoạt động chuyển đổi số sẽ diễn ra cực kỳ mạnh mẽ trong năm 2023 và là động lực lớn cho mảng môi giới trong năm nay. BSC hiện đã có một bộ phận riêng về chuyển đổi số do ông Chung Jae Hoon, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc đồng thời cũng là nhân sự phái cử của Hana Securities phụ trách. Với thay đổi trên, ông Viễn kỳ vọng BSC sẽ phát triển mạnh hơn ở nhóm khách hàng cá nhân.

Cải thiện chất lượng tổng thể các mảng kinh doanh trên cơ sở quản trị rủi ro, tạo nền tảng và nguồn lực vững mạnh để nắm bắt cơ hội kinh doanh khi thị trường phục hồi.

Lãnh đạo BSC cho biết để đạt được mục tiêu về doanh thu và thị phần, công ty sẽ tập trung vào các trọng tâm: (1) Cải thiện chất lượng tổng thể các mảng kinh doanh trên cơ sở quản trị rủi ro, tạo nền tảng và nguồn lực vững mạnh để nắm bắt cơ hội kinh doanh khi thị trường phục hồi;  (2) chuyển đổi số, tích hợp sâu vào từng hoạt động tại BSC, gắn liền với các sản phẩm dịch vụ và quy trình vận hành; (3) tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới trên cơ sở hợp tác với cổ đông chiến lược Hana Securities (phát triển các mảng kinh doanh fintech, quản lý tài sản,…).

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023, lợi nhuận trước thuế lũy kế của BSC đạt 121,5 tỷ đồng, hoàn thành 22% kế hoạch kinh doanh 2023, trong đó chủ yếu từ hoạt động môi giới và cho vay tài chính đạt 110,1 tỷ đồng (chiếm 55% tổng lợi nhuận gộp các hoạt động).

Số liệu báo cáo tài chính quý 1/2023 vừa công bố cho thấy dư nợ cho vay margin trong quý I đã tăng lên đáng kể trong bối cảnh nhiều công ty chứng khoán khó mở rộng margin do thanh khoản thị trường trầm lắng. Lý giải điều này, ông Nguyễn Duy Viễn cho biết, nguyên nhân cũng chính bởi BSC đã có thêm nhiều khách hàng mới, các khách hàng lớn trên thị trường chuyển sang.

BỐN THÁCH THỨC NGẮN HẠN VỚI CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

Ngành tài chính nói chung và ngành dịch vụ chứng khoán nói riêng được cho rằng chịu ảnh hưởng sâu sắc của chu kỳ kinh tế và tác động từ các yếu tố vĩ mô.

Ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm, FiinRtings chỉ ra 4 thách thức trong ngắn hạn với các doanh nghiệp ngành chứng khoán.

Thứ nhất, mặt bằng lãi suất gia tăng làm giảm tính hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán, khiến dòng tiền dịch chuyển về kênh tiền gửi tiết kiệm, từ đó làm giảm lượng giao dịch của nhà đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu môi giới cũng như cho vay ký quỹ.

Ngoài ra, tăng lãi suất khiến chi phí vốn gia tăng, từ đó ảnh hưởng đến biên lãi thuần của các công ty chứng khoán. Đối với lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như ngành chứng khoán, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục giảm quy mô cho vay ký quỹ, thu hẹp quy mô kinh doanh so với năm 2022 nhằm chờ đợi các tín hiệu vĩ mô tích cực hơn, đặc biệt là môi trường lãi suất không thuận lợi với hoạt động cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán. Mặt khác, việc chủ động thu hẹp quy mô cho vay ký quỹ cũng góp phần cung cấp thanh khoản ngắn hạn để thanh toán gốc lãi đến hạn của các trái phiếu do chính công ty công ty chứng khoán phát hành, hoặc để mua lại các trái phiếu doanh nghiệp được bảo lãnh phát hành hoặc bán kỳ hạn. 

 

Năm 2023, thị trường chứng khoán đứng trước nguy cơ thiếu 2 động lực tăng trưởng quan trọng. Đó là: (1) Kết quả kinh doanh tăng trưởng thấp hoặc không có tăng trưởng; (2) Dòng tiền của nhà đầu tư trong nước thu gọn kéo theo thanh khoản thị trường giảm sút.

Thứ hai, xu hướng điều chỉnh giảm của thị trường cũng khiến chất lượng tài sản của các công ty chứng khoán bị ảnh hưởng, thể hiện qua sự giảm sút về thanh khoản cũng như về thị giá. Trong đó, bao gồm các tài sản tài chính trong danh mục tự doanh cũng như các chứng khoán được dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay ký quỹ của khách hàng. Đây được coi là phép thử cho hệ thống quản trị rủi ro của các công ty chứng khoán, khi khẩu vị rủi ro được phản ảnh trực tiếp qua con số nợ xấu và kết quả kinh doanh.

Thứ ba, ngoại trừ phân khúc khách hàng tổ chức là sân chơi truyền thống của các công ty chứng khoán hàng đầu thị trường, phân khúc khách hàng cá nhân chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành đối với hoạt động đem lại nguồn thu lớn là cho vay ký quỹ, nhất là khi lượng giao dịch trên thị trường có phần giảm sút. Có thể kể đến các chiến dịch miễn phí môi giới, ưu đãi lãi vay ký quỹ, chuyển đổi số mạnh mẽ, tiếp cận nhà đầu tư qua các kênh đa phương tiện, tăng cường các kênh thông tin giá trị cho nhà đầu tư và các công cụ phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật,…

Thứ tư, trong bối cảnh chủ trương minh bạch hóa dòng vốn vào hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát vốn vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản; các công ty chứng khoán sẽ cần thận trọng hơn trong hoạt động phân phối và bảo lãnh phát hành, cũng như quản trị rủi ro danh tiếng. Bên cạnh những khó khăn trên, 2023 cũng sẽ là năm khó khăn với các công ty chứng khoán có quy mô vừa và nhỏ dựa vào phát hành trái phiếu để tái cấp vốn, nhằm duy trì quy mô hoạt động cho vay ký quỹ.

Tuy nhiên, trong dài hạn, ông Khang đánh giá triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam cùng với ngành Dịch vụ chứng khoán ở Việt Nam là tích cực khi khi tỷ lệ tham gia thị trường vẫn còn thấp dựa trên tính toán số lượng nhà đầu tư trên tổng dân số cũng như quy mô thị trường vốn được dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ dù các thách thức ở thời điểm hiện tại là không hề nhỏ.

Hiện nay, đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoản và định hướng hoàn thành nâng hạng thị trường năm 2025  vẫn đang được các cơ quan quản lý đẩy mạnh thực thi. Điều này trực tiếp và gián tiếp đem lại các lợi ích cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường chứng khoản, kích hoạt dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng cường giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp đẩy mặt bằng giá (P/E) của thị trường Việt Nam ngang bằng với thị trường các nước mới nổi trong khu vực và giúp nâng cao tính minh bạch, đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư.