09:05 31/07/2007

Đấu giá tài sản ở Việt Nam

Chu Minh Khôi

"Hoạt động bán đấu giá tài sản ở nước ta hiện nay còn khá nhiều vướng mắc, xin điểm một số khó khăn chính"

Chiếc búa gỗ của người chủ trì - vật dụng quen thuộc trong các cuộc bán đấu giá.
Chiếc búa gỗ của người chủ trì - vật dụng quen thuộc trong các cuộc bán đấu giá.
Hỏi chuyện ông Tô Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bán đấu giá Hà Nội.

Xin ông cho biết những đối tượng tài sản thường được đưa ra bán đấu giá hiện nay?

Thị trường bán đấu giá ở nước ta đã hình thành, nhưng mới chỉ khu biệt ở một số loại tài sản: tang vật thi hành án, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; tài sản cầm cố thế chấp được ngân hàng cho phát mại; tài sản thanh lý của cơ quan nhà nước khi được cổ phần hoá.

Những tài sản do cá nhân, tổ chức uỷ quyền bán đấu giá còn hạn chế và điều này phần nào giải thích được lý do tại sao thị trường bán đấu giá tài sản của chúng ta lại có nét riêng biệt như vậy - nét đặc trưng của một thị trường bán đấu giá chưa thực sự phát triển.

Tài sản đem đấu giá hầu hết đã qua sử dụng, có khó khăn gì trong việc giám định chất lượng để đưa ra giá sàn?

Doanh nghiệp thực thi đấu giá không được phép giám định sản phẩm, bởi những công đoạn này thuộc chức năng của Trung tâm Thông tin - Tư vấn dịch vụ về tài sản và bất động sản, thuộc Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), đây là quy định bắt buộc do nhà nước đề ra.

Cán bộ của Trung tâm đều là những chuyên viên cao cấp có trình độ chuyên môn giỏi, họ luôn làm tốt công tác giám định và đưa ra giá sàn sát thực. Tuy nhiên do số lượng nhân lực của cơ quan này còn thiếu, nên quá trình định giá mất nhiều thời gian, khiến không ít lần đấu giá thanh lý tài sản của doanh nghiệp cổ phần hoá bị chậm so với yêu cầu.

Hiện tại, còn có những khó khăn, vướng mắc nào trong hoạt động bán đấu giá tài sản?

Hoạt động bán đấu giá tài sản ở nước ta hiện nay còn khá nhiều vướng mắc, xin điểm một số khó khăn chính.

Lệ phí bán đấu giá bị khống chế, thường chưa đáp ứng nhu cầu. Mặc dù pháp luật quy định mức lệ phí do thoả thuận giữa chủ tài sản và doanh nghiệp đấu giá, nhưng tài sản chủ yếu thuộc quyền của cơ quan nhà nước, nên những người thi hành không dám thoả thuận, bởi họ sợ bị nghi ngờ là không minh bạch. Họ thường đưa ra mức thù lao thấp nhất.

Muốn bán được tài sản, chúng tôi phải chi phí cho khâu tuyên truyền quảng cáo. Khi thù lao trả cho doanh nghiệp đấu giá quá thấp, buộc chúng tôi phải hạn chế quảng cáo tài sản.

Khó khăn tiếp theo là quá trình tham gia đấu giá phải qua nhiều thủ tục, đòi hỏi người mua cần am hiểu luật pháp về lĩnh vực này, nên đã hạn chế số lượng khách hàng tham gia.

Một vướng mắc có thể coi là vấn nạn, giờ đây xuất hiện rất nhiều “cò” đấu giá. Chúng không phải khách hàng đích thực, nhưng cấu kết với nhau để cưỡng ép, khống chế người mua. Chúng doạ nạt khách hàng, cưỡng ép họ phải đưa ra giá mua thấp một cách phi lý.

Mục đích là để tài sản đấu giá rơi vào tay chúng với giá quá “bèo”, rồi sau đó chúng bán lại cho khách hàng có nhu cầu thực sự.

Các ông đã có những biện pháp nào đối phó với nạn “cò”?

Khi khách hàng bị chúng tôi phát hiện là “cò”, chúng tôi sẽ không cho đăng ký tham gia đấu giá. Tuy nhiên, chỉ cần xin được một giấy phép kinh doanh là có quyền đăng ký tham gia mua tài sản đấu giá, rất nhiều “cò” mới liên tục xuất hiện. Vì vậy chúng tôi chưa có biện pháp nào hữu hiệu để đối phó với nạn “cò” đấu giá.

Ông là đấu giá viên đầu tiên ở nước ta, được Bộ Tư pháp công nhận. Xin ông cho biết những nhận định về hoạt động bán đấu giá ở nước ta hiện nay?

Hoạt động bán đấu giá tại Việt Nam đang có tốc độ phát triển rất nhanh. Công ty Cổ phần Bán đấu giá Hà Nội là doanh nghiệp chuyên nghiệp đầu tiên khai khẩn thị trường này, bắt đầu hoạt động từ năm 2001. Đến nay cả nước đã có trên 50 trung tâm dịch vụ bán đấu giá, nhiều trung tâm hoạt động rất hiệu quả, đã tự chủ được trong thu chi tài chính.

Hạn chế lớn nhất ở Việt Nam là các tài sản ở trong dân chưa quen đem ra bán đấu giá. Đặc biệt những tác phẩm nghệ thuật chưa thực sự trở thành hàng hoá trong các phiên bán đấu giá, do vậy không định giá được giá trị thực của nó.

Là người say mê nghệ thuật, tôi cho rằng nên đưa hoạt động bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật vào đời sống cộng đồng. Ngoài việc đạt lợi ích kinh tế, việc bán đấu giá sẽ tìm ra giá trị xác thực của mỗi tác phẩm nghệ thuật.

Việt Nam đã gia nhập WTO, những doanh nghiệp đấu giá tài sản ở Việt Nam có sợ bị thua trên sân nhà?

Chúng tôi rất mong có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài, điều đó sẽ tạo sự phát triển tích cực cho thị trường đấu giá Việt Nam. Tuy nhiên, do đặc thù của lĩnh vực này, người nước ngoài chưa đủ điều kiện tham gia thị trường đấu giá tài sản Việt Nam.

Để được tham gia hoạt động đấu giá, doanh nghiệp phải có những người là “đấu giá viên”, đây là chức danh do Bộ Tư pháp bổ nhiệm. Để trở thành đấu giá viên, phải có lý lịch chuẩn mực, tư cách đạo đức, và trình độ chuyên môn, điều này sẽ rất khó đối với những người không có quốc tịch Việt Nam.

Mặt khác ở nước ngoài, đấu giá chủ yếu nhằm tới tài sản văn hoá nghệ thuật: tranh, cổ vật... Người Việt Nam chưa trả giá cao cho những sản phẩm này. Người nước ngoài sẵn sàng trả giá cao để mua những tác phẩm nghệ thuật, cổ vật... nhưng sẽ khó đem những tài sản này ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, do những quy định ràng buộc của Việt Nam về xuất nhập cảnh.