16:15 14/11/2011

Dấu hỏi năng lực tài chính của nhiều “đại gia” địa ốc

Bảo Anh

Việc nợ đọng thuế của các doanh nghiệp bất động sản đã phần nào cho thấy “sức khỏe” tài chính của họ có vấn đề

Đầu ra khó khăn đã khiến các doanh nghiệp bất động sản lâm cảnh nợ nần.
Đầu ra khó khăn đã khiến các doanh nghiệp bất động sản lâm cảnh nợ nần.
Cùng với việc bán tháo dự án lấy tiền trả nợ, những con số về nợ tiền sử dụng đất của hàng loạt doanh nghiệp bất động sản vừa được công bố dường như đã “vạch áo” năng lực tài chính của khối doanh nghiệp này.

Theo một báo cáo của Chi cục Thuế quận Hà Đông (Hà Nội), hiện trên địa bàn quận này có 4 doanh nghiệp bất động sản chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với số tiền gốc lên tới gần 150 tỷ đồng. Nếu tính cả tiền phạt nộp chậm thì số tiền trên còn lớn hơn nhiều.

Tại huyện Hoài Đức, riêng khoản nợ tiền sử dụng đất của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD), công ty Vietracimex, công ty T&T đã lên tới 740 tỷ đồng, chưa kể tiền phạt chậm nộp vào khoảng hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, HUD (chủ đầu tư khu đô thị Vân Canh) nợ gần 400 tỷ đồng tiền gốc, Vietracimex (chủ đầu tư khu đô thị Kim Chung - Di Trạch) nợ gần 300 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại huyện Từ Liêm, chủ đầu tư khu nhà ở thấp tầng tại xã Cổ Nhuế là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội còn nợ hơn 220 tỷ đồng tiền gốc. Tại huyện Mê Linh, các chủ dự án nợ 400 tỷ đồng, chưa kể tiền phạt chậm nộp từ năm 2008 đến nay...

Theo ông Nguyễn Hồng Thái, Trưởng phòng Quản lý các khoản thu từ đất (Cục Thuế Hà Nội), trong 10 tháng đầu năm 2011, cơ quan này đã thu được hơn gần 7.000 tỷ đồng từ quyền sử dụng đất. Theo ông Thái, trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, đầu ra khó khăn thì đó cũng là một con số “đáng mừng”.

Tuy nhiên, danh sách nợ đọng tiền thuế từ đất của các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn Hà Nội cũng gây không ít băn khoăn về sự chây ì và khả năng tài chính của các doanh nghiệp vốn vẫn được mệnh danh là các “đại gia”.

Đại diện Cục Thuế Hà Nội cho hay, số nợ từ các doanh nghiệp bất động sản hiện tương đối lớn, khoảng gần 1.000 tỷ đồng, nằm ở các dự án khó khăn về tài chính, vướng mắc giải phóng mặt bằng, dự án trong quá trình hợp nhất bị mất diện tích phải xác định lại...

Bên cạnh đó, do Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được phép nộp tiền sử dụng đất khi đủ điều kiện huy động vốn, vì vậy có những dự án đã phát sinh tiền sử dụng đất, cơ quan quản lý đã xác định, nhưng chưa đến thời điểm phải nộp, do doanh nghiệp được nộp theo tiến độ khi dự án xây xong móng.

Cũng theo ông Thái, số nợ phải thu có thể lớn hơn nhiều con số 1.000 tỷ đồng, song trên thực tế lại có rất nhiều dự án thuộc diện trên, nên đến nay cơ quan này cũng chưa thể thống kê chính xác được.

Đại diện Cục Thuế Hà Nội cũng cho biết, số tiền nợ khoảng  1.000 tỷ đồng nói trên chỉ mới là tạm tính, vì trong thời gian tới kết quả rà soát của liên ngành đối với 240 dự án được công bố thì số tiền nợ còn tăng cao hơn nhiều do nhiều dự án phải tính lại tiền. Tất nhiên, theo vị này, để thu hồi khoản trên là chuyện không hề dễ dàng.

Sự chây ì nộp thuế của các doanh nghiệp bất động sản càng được thể hiện rõ hơn khi số tiền phạt do nộp chậm của các doanh nghiệp cũng xấp xỉ số tiền họ phải nộp. Chẳng hạn như công ty Vietracimex (chủ đầu tư khu đô thị Kim Chung - Di Trạch) có số nợ là hơn 324 tỷ đồng, nhưng số tiền phạt nộp chậm cũng gần 253 tỷ đồng; công ty Berjay - Handico 12 nợ 147 tỷ đồng, số tiền phải nộp phạt là 69 tỷ đồng; công ty Vinaconex 21 có số nợ chỉ là 2,2 tỷ nhưng số tiền phải nộp phạt lên đến 3,1 tỷ đồng.

Tại cuộc họp giữa lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội với các doanh nghiệp bất động sản nợ tiền sử dụng đất trên địa bàn cuối tuần qua, báo chí không được tham dự. Tuy nhiên, cùng với tình trạng chậm tiến độ, bán tháo dự án..., việc nợ đọng thuế của các doanh nghiệp bất động sản đã phần nào cho thấy “sức khỏe” tài chính của họ có vấn đề, đặc biệt khi thời hạn đáo nợ các khoản vay ngân hàng lại đang cận kề.

Với cơ quan chức năng, tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp bất động sản sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ thu ngân sách của họ, nhưng với người dân, khách hàng mua dự án, chừng nào chủ đầu tư chưa hoàn thành việc nộp thuế thì cũng đồng nghĩa chừng đó họ chưa thể được nhà nước cấp sổ đỏ cho căn hộ, mảnh đất của mình, dù dự án đã hoàn tất.