12:07 11/03/2022

Dầu khí tiếp tục bị xả, cổ phiếu phân bón vẫn bùng nổ

Kim Phong

Giá dầu suy yếu khiến các cổ phiếu dầu khí có thêm một phiên giảm giá khá mạnh nữa. Trong khi đó lệnh cấm xuất khẩu phân bón của Nga thổi bùng đà tăng giá của cổ phiếu ngành này. Trong bối cảnh dòng tiền chung suy yếu đáng kể thì một số mã phân bón vẫn lọt vào nhóm thanh khoản cao nhất sáng nay...

Cổ phiếu ngân hàng cũng có một số mã tăng, nhưng dòng tiền vào nhóm này rất nhỏ.
Cổ phiếu ngân hàng cũng có một số mã tăng, nhưng dòng tiền vào nhóm này rất nhỏ.

Giá dầu suy yếu khiến các cổ phiếu dầu khí có thêm một phiên giảm giá khá mạnh nữa. Trong khi đó lệnh cấm xuất khẩu phân bón của Nga thổi bùng đà tăng giá của cổ phiếu ngành này. Trong bối cảnh dòng tiền chung suy yếu đáng kể thì một số mã phân bón vẫn lọt vào nhóm thanh khoản cao nhất sáng nay.

Ảnh hưởng của cổ phiếu dầu khí là đáng kể khi tác động tới các chỉ số. GAS rớt 2,45%, PLX giảm 1,14% là hai blue-chips gây áp lực nhất lên VN-Index. Dù vậy chỉ số này cũng mới giảm 0,25% tương đương 3,74 điểm, vẫn còn là rất nhẹ so với các thị trường khu vực.

Nhóm cổ phiếu dầu khí dĩ nhiên đang kém nhất dù còn vài mã đang tăng ngược dòng như PND, PPY, PSH, PSN. Thanh khoản nhỏ ở các sàn như UpCOM ít được chú ý và biến động cũng khó lường tùy vào cung cầu. Các cổ phiếu dầu khí thanh khoản lớn đều giảm khá mạnh: PVS giảm 3,14%, PVC giảm 9,15%, PVD giảm 4,64%, PVO giảm 12,68%, POV giảm 7,39%, PVB giảm 5,49%...

Ngược lại, nhóm cổ phiếu phân bón hóa chất sáng nay tăng rất tốt, bất chấp đà lên giá trước đó mạnh không kém gì cổ phiếu dầu khí. DCM tăng 4,79%, DPM tăng 5,63%, HSI tăng 12,5%, BFC tăng 6,87%, VAF tăng 5,82%, LAS tăng 3,8%, PSE tăng 3%... Thanh khoản ở cổ phiếu phân bón hiện vẫn chủ đạo tập trung vào DCM và DPM, với tương ứng 334,2 tỷ đồng và 382,6 tỷ đồng, thuộc Top 5 thanh khoản toàn thị trường.

VN30-Index hiện đang là chỉ số yếu nhất khi giảm 0,41% và chỉ có 8 mã tăng/21 mã giảm. Cổ phiếu ngân hàng bất ngờ có khá nhiều mã đang xanh, dù lực đẩy chỉ số rất hạn chế: STB tăng 2,06%, MBB tăng 1,61%, BID tăng 1,1%, HDB tăng 1,3%, VPB tăng 0,14%, CTG tăng 0,47%. Số giảm chỉ có ACB, VCB, TCB.

Các mã ngân hàng nói trên không làm trụ được vì chỉ có BID là vốn hóa tương đối lớn. Mức giảm nhẹ 3,74 điểm của VN-Index một phần cũng do phía giảm giá không quá áp đảo. Tuy số lượng thì nhiều, nhưng mức giảm chính cũng chỉ đến từ GAS, MSN, HPG, những trụ đang rơi trên 1%.

Độ rộng kém nhưng VN-Index chỉ chịu áp lực từ vài cổ phiếu lớn giảm sâu.
Độ rộng kém nhưng VN-Index chỉ chịu áp lực từ vài cổ phiếu lớn giảm sâu.

Độ rộng sàn HoSE hơi đuối với 173 mã tăng/267 mã giảm. Tuy số giảm nhỉnh hơn nhưng biên độ biến động thì khá cân bằng: khoảng 110 mã đang rớt hơn 1% đồng thời 109 mã tăng trên 1%. Nhóm tăng mạnh nhất trải khá rộng ở các nhóm ngành khác nhau và cũng không mang tính đại diện: PTB, GTA, SAV, HT1, TTF, DAG đang kịch trần. Nhóm tăng trên 4% có nhiều mã thanh khoản khá lớn như SHI, BKG, TCM, ANV, DPG, SKG, ASM, VND.

Thanh khoản sáng nay có cải thiện nhẹ, nhưng không phải nhờ nhóm blue-chips. VN30 giao dịch giảm hơn 4% trong khi HoSE tăng gần 18%. Hai sàn tính chung mức khớp lệnh cũng tăng 17%, đạt 16.377 tỷ đồng. Trong Top 10 thanh khoản toàn thị trường, chỉ có 3 mã thuộc rổ VN30 là HPG, SSI và STB. Thậm chí trong Top 20 thanh khoản sàn HoSE chỉ có 5 mã thuộc rổ blue-chips này.

Đặc biệt cổ phiếu ngân hàng sáng nay có một số mã tăng, nhưng vẫn không hút được dòng tiền. Tất cả các mã ngân hàng trên HoSE chỉ giao dịch được khoảng 1.362 tỷ đồng, tương đương 9,7% giá trị khớp sàn này. Hôm nay rất có tiềm năng nhóm ngân hàng sẽ tụt thị phần tại HoSE xuống dưới 10%, một mức thảm hại nếu so với chỉ cách đây 3 tuần vẫn còn trên 30%.

Điểm tích cực là nhóm cổ phiếu tài chính không còn đóng vai trò nâng đỡ thanh khoản chung cho thị trường nữa, nhưng tổng thanh khoản vẫn còn khá cao. Nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu nhóm ngành khác nhau. Thép, phân bón, chứng khoán, dầu khí vẫn là các mã hút tiền nhất sáng nay.

Nhà đầu tư nước ngoài giảm cường độ giao dịch rất nhiều trong sáng nay. Tổng giá trị bán ra tại HoSE co lại còn 545,1 tỷ đồng, chiếm gần 3,8% sàn. Mức mua vào khoảng 389,3 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,7%. Mức bán ròng tương ứng là 155,8 tỷ. Chỉ có 3 mã bị bán ròng trên mức 20 tỷ đồng là VND (66,7 tỷ), MSN (46,4 tỷ), VHM (28,8 tỷ). Phía mua ròng cũng chỉ có 2 mã là DGC (39,7 tỷ) và VCB (20,4 tỷ).