09:31 16/10/2019

Dầu sụt giá phiên thứ hai liên tiếp do dự báo bi quan của IMF

Thăng Điệp

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg/MarketWatch.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg/MarketWatch.

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Loạt dữ liệu kinh tế u ám phát đi từ Trung Quốc thời gian gần đây cũng khiến nhà đầu tư lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

"Mối lo về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng, nhất là sau số liệu xấu về xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Ai đó có thể cho rằng kinh tế tăng trưởng yếu đi có thể sẽ khiến Trung Quốc phải ký kết cái gọi là thỏa thuận thương mại ‘giai đoạn 1’ với Mỹ", nhà phân tích cấp cao Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận định trong một báo cáo được trang MarketWatch trích dẫn.

"Nhưng có vẻ Mỹ và Trung Quốc còn phải tiếp tục đàm phán, và giá dầu lại sụt giảm", ông Flynn đánh giá.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 11 tại thị trường New York giảm 0,78 USD/thùng, tương đương giảm 1,5%, còn 52,81 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao tháng 12 trượt 0,61 USD/thùng, tương đương giảm 1%, còn 58,74 USD/thùng.

Trước đó, giá của cả hai loại dầu này cùng giảm khoảng 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai do hoài nghi về thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" mà Mỹ và Trung Quốc đạt được trong vòng đàm phán vào tuần trước. Thỏa thuận này còn thiếu chi tiết và giới thạo tin nói Trung Quốc muốn đàm phán thêm trước khi ký kết.

Giới phân tích cho rằng việc giá thoát đáy của phiên khi kết thúc ngày giao dịch thứ Ba là nhờ một số thông tin tích cực cùng ngày từ Bắc Kinh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này và Mỹ "đang ở cùng một điểm và không có khác biệt gì trong lập trường về đạt một thỏa thuận thương mại".

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, sự lạc quan thương mại này có thể chỉ ở mức dè dặt, trừ phi Mỹ và Trung Quốc có động thái dỡ thuế quan đã áp lên hàng hóa của nhau. Việc Washington và Bắc Kinh áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của đối phương trong hơn 1 năm qua bị xem là nguyên nhân chính khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc và nhu cầu tiêu thụ dầu yếu đi.

"Đàm phán Mỹ-Trung có vẻ như đã có một số tiến triển, và triển vọng về một thỏa thuận thực sự đã tăng lên. Nhưng chừng nào hai bên còn chưa dỡ thuế đã áp và Mỹ dỡ hạn chế đối với Huawei, rất khó có lý do dể thị trường ăn mừng", chiến lược gia Stephen Innes thuộc AxiTrader nhận định. "Và dĩ nhiên, vẫn còn quá sớm để tính đến một sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu".

IMF ngày 15/10 dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3% trong 2019, mức tăng yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố hôm thứ Hai cho thấy giá trị xuất khẩu và nhập khẩu của nước này trong tháng 9 đều sụt giảm mạnh hơn dự báo. Ngày thứ Ba, NBS cho biết chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 9 giảm mạnh nhất hơn 3 năm.

Đây được xem là những dấu hiệu mới nhất về sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, đồng thời là một quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu.