08:32 23/11/2013

Dầu thô có tuần tăng giá đầu tiên trong 7 tuần

Thanh Hải

Giá xăng bán lẻ trung bình tại Mỹ phiên 22/11 là 3,235 USD mỗi gallon, giảm mạnh từ mức 3,339 USD/gallon một tháng trước

Cung dầu thô tại Mỹ đã tăng liên tiếp suốt 9 tuần lễ vừa qua, trong khi lượng cầu vẫn chưa được cải thiện rõ nét - Ảnh: Getty.<br>
Cung dầu thô tại Mỹ đã tăng liên tiếp suốt 9 tuần lễ vừa qua, trong khi lượng cầu vẫn chưa được cải thiện rõ nét - Ảnh: Getty.<br>
Mặc dù giảm nhẹ trong phiên giao dịch đêm qua (22/11), song tính chung cả tuần, dầu thô vẫn tăng giá hơn 1%. Đây cũng là tuần đầu tiên trong 7 tuần qua, giá dầu có sự điều chỉnh đi lên.

Kết thúc phiên cuối tuần, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 1/2014 trên sàn giao dịch hàng hóa New York giảm nhẹ 60 cent, tương ứng với mức giảm 0,6%, xuống còn 94,84 USD mỗi thùng, sau khi đã tăng được 1,7% trong phiên liền trước (21/11) lên mức trên 95 USD, cao nhất kể từ ngày 31/10. Theo số liệu của FactSet, tính cả tuần này, giá dầu thô tăng được 1,1%.

Trên sàn London, giá dầu thô ngọt, nhẹ Brent Biển Bắc giao tháng 1 năm tới tăng được 97 cent, tương ứng với mức tăng 0,9%, lên chốt ở 111,05 USD mỗi thùng, cao nhất trong hơn 2 tháng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent đã tăng được 2,4%. Hiện khoảng chênh lệch giá giữa dầu thô hợp đồng New York và dầu thô Brent Biển Bắc đang là trên mức 16 USD mỗi thùng.

Theo giới phân tích, nguyên nhân chính khiến giá dầu thô tại New York và London biến động trái chiều trong ngày cuối tuần là do tác động từ những báo cáo cho thấy tình hình tiêu thụ tại Mỹ vẫn chưa tốt hơn, trong khi cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 (5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Đức) vẫn còn đang trong tình trạng bế tắc.

Cụ thể, về tình hình cung cầu dầu thô tại Mỹ, theo báo cáo công bố một ngày trước của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong tuần kết thúc ngày 15/11 vừa qua, cung dầu thô tại Mỹ tăng 400.000 thùng, cao hơn nhiều so với dự báo hạ 500.000 thùng của giới phân tích trong điều tra của Platts. Như vậy, cung dầu thô tại Mỹ đã tăng liên tiếp trong suốt 9 tuần lễ vừa qua.

Đây là điều đáng lo ngại, bởi lẽ việc tiêu thụ dầu thô tại Mỹ cho tới giờ vẫn chưa được cải thiện rõ rệt so với trước. Những dự báo trước đây về lượng tiêu thụ dầu thô của thế giới rất u ám và hiện vẫn chưa được thay đổi. Điều này có nghĩa là lượng cung đang quá cao so với lượng cầu. Theo giới phân tích, việc cung cao hơn cầu sẽ buộc giá dầu phải điều chỉnh giảm xuống.

Trong khi đó, liên quan tới tình hình Iran, hôm 21/11, khi kết thúc ngày đàm phán thứ 2, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Abbas Araqchi cho biết bất đồng lớn nhất chưa thể vượt qua là quyền làm giàu urani của Tehran. Song, giới ngoại giao lạc quan rằng, cuộc đàm phán sẽ không đổ vỡ như các lần trước và có thể sẽ kéo dài đến ngày 23/11.

Về phía mình, tại ngày đàm phán thứ hai, Iran vẫn khẳng định quyền làm giàu urani. Theo giới phân tích, điều này cho thấy khả năng Iran và nhóm P5+1 sớm đạt được một thỏa thuận làm hài lòng tất cả các bên ngay trong cuộc đàm phán này có thể khó mà đạt được. Và như thế, những trừng phạt đối với các giao dịch dầu của Iran vẫn chưa thể được gỡ bỏ như mong đợi.

Trở lại sàn giao dịch hàng hóa New York, kết thúc phiên 22/11, giá xăng giao tháng 12 giảm gần 2 cent, tương ứng với mức giảm 0,7%, xuống 2,73 USD/gallon. Giá dầu sưởi tăng 3,5 cent, tương ứng 1,2%, lên 3,04 USD/gallon. Giá khí đốt tăng gần 7 cent, tương ứng 1,8%, lên 3,77 USD/gallon. Tính cả tuần, giá xăng tăng 2,6%, dầu sưởi tăng 3,5%, khí đốt tăng được 3%.

Riêng về giá xăng bán lẻ trung bình tại Mỹ, phiên 22/11 là 3,235 USD mỗi gallon, tăng nhẹ từ mức 3,22 USD mỗi gallon phiên 21/11, nhưng giảm khá mạnh từ mức 3,339 USD mỗi gallon một tháng trước, theo báo cáo của AAA.