Đầu tư gần 22.000 tỷ đồng mở rộng quốc lộ 13 nối TP.HCM - Bình Dương
Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu (Thủ Đức, TP.HCM) đến cầu Vĩnh Bình (Thuận An, Bình Dương) có chiều dài khoảng 6,3 km sẽ được đầu tư mở rộng đến 60 m thành 10 làn xe, theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng...
![Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình có nền đường hẹn và lưu lượng giao thông đông đúc khiến cửa ngõ phía đông bắc TP.HCM thường xuyên ún tắc giao thông. Ảnh: Đào Trang](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/14/quoc-lo-13-6-5572-4138.jpg)
Phương án trên vừa được Sở Giao thông vận tải TP.HCM trình lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP.HCM báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến quốc lộ 13 đoạn Bình Triệu - Vĩnh Bình, cửa ngõ phía đông bắc TP.HCM.
Cụ thể, đoạn tuyến có chiều dài 6,3 km nối TP.HCM đi Bình Dương - một trong hai trung tâm công nghiệp của miền Đông Nam Bộ, cùng với Đồng Nai - sẽ được nâng cấp, mở rộng lên đến 60 m với 10 làn xe. Trên tuyến sẽ xây dựng đường trên cao (cầu cạn) từ nút giao Bình Triệu đến nút giao Bình Phước, vận tốc thiết kế 80 km/h; bên dưới, ngoài tuyến chính còn có đường song hành mỗi bên rộng 3 làn xe, tốc độ tối đa 60 km/h.
Tổng mức đầu tư dự án theo tính toán sơ bộ hơn 21.700 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách hơn 14.700 tỷ đồng, hơn 7.000 tỷ đồng còn lại do nhà đầu tư huy động. Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật hơn 15.200 tỷ đồng; khoảng 15,6 ha đất sẽ bị thu hồi làm dự án với 1.155 hộ dân bị ảnh hưởng. Dự kiến, khi đi vào khai thác, nhà đầu tư được thu phí hoàn vốn trong 21 năm 4 tháng.
Mặc dù là dự án PPP-BOT, nhưng công trình chỉ thu phí đối với phần đường chính. Người dân có thể lựa chọn đi miễn phí trên đường song hành hay trả phí khi đi đường trên cao. Điều này giúp tạo thêm sự lựa chọn, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết thêm rằng dự án dự kiến trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý 1/2025. Các bước lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự kiến sẽ từ quý 1 đến quý 3/2025. Khi đã được phê duyệt, giai đoạn giải phóng mặt bằng dự kiến thực hiện từ quý 3 đến quý 4/2026; khởi công từ quý 3/2026. Công trình dự kiến hoàn thành, bàn giao và đưa vào khai thác vào năm 2028.
Cũng theo báo cáo, tuyến quốc lộ 13 đoạn cửa ngõ phía đông bắc TP.HCM sẽ là trục giao thông nhanh, ít gián đoạn, kết nối khu trung tâm hiện hữu với tỉnh Bình Dương; hình thành trục giao thông hướng tâm kết nối tuyến đại lộ Phạm Văn Đồng với đường Vành đai 2 TP.HCM, đáp ứng nhu cầu giao thông liên vùng khu vực cửa ngõ thành phố với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên (qua quốc lộ 14).
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng công trình quốc lộ 13 đoạn cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình, được thực hiện theo Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM. Theo kế hoạch, Thường trực và Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân TP.HCM thống nhất trình Hội đồng nhân dân TP.HCM dự án BOT này tại kỳ họp tháng 02/2025.
Ngoài ra, báo cáo của Sở Giao thông vận tải trình Ủy ban nhân dân TP.HCM còn đề cập đến 3 dự án cửa ngõ khác là quốc lộ 22, trục Bắc - Nam và quốc lộ 1, theo tinh thần Nghị quyết 98. Tổng nguồn vốn (gồm dự án quốc lộ 13) vào khoảng 60.000 tỷ đồng.
Đó là các công trình: Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3 TP.HCM (thuộc địa phận quận 12, huyện Hóc Môn) có tổng mức đầu tư 10.045 tỷ đồng. Cơ cấu vốn: vốn nhà nước tham gia hơn 6.234 tỷ đồng (chiếm 59,6%), phần vốn nhà đầu tư huy động khoảng 4.217 tỷ đồng (chiếm hơn 40,3%). Dự kiến, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.204 tỷ đồng. Giai đoạn thực hiện: 2024 - 2028.
Dự án nâng cấp trục đường Bắc - Nam, từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành (quận 7 và huyện Nhà Bè) có tổng mức đầu tư 9.894 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố là 4.679 tỷ đồng (chiếm 47%), nguồn vốn huy động 5.214 tỷ đồng (chiếm 53%). Giai đoạn thực hiện: 2025 - 2028.
Và dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1, từ đường Kinh Dương Vương đến ranh giới tỉnh Long An, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, có tổng mức đầu tư hơn 16.270 tỷ đồng. Dự kiến trình thẩm định, phê duyệt trong quý 1-2025; khởi công vào quý 1-2026 và hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2028.