08:50 19/11/2019

Dầu tụt giá vì nỗi lo Mỹ-Trung không ký được thỏa thuận

Thăng Điệp

Giá dầu thế giới giảm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, xóa hết thành quả tăng của tuần trước

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Giá dầu thế giới giảm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, xóa hết thành quả tăng của tuần trước, do mối lo của nhà đầu tư về tình trạng bấp bênh trong cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao tháng 12 tại thị trường London giảm 0,95 USD/thùng, tương đương giảm 1,5%, còn 62,35 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York chốt phiên với mức giảm 0,67 USD/thùng, tương đương giảm 1,2%, còn 57,05 USD/thùng.

Thị trường tài chính Mỹ bất an khi hãng tin CNBC dẫn nguồn thạo tin nói rằng Bắc Kinh không mấy tin tưởng vào khả năng đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ vì Tổng thống Donald Trump không muốn dỡ thuế quan đã áp lên hàng hóa Trung Quốc.

Cuối tuần trước, giới đầu tư lạc quan khi cả Mỹ và Trung Quốc cùng đưa ra những đánh giá tích cực về tiến trình đàm phán.

"Giá dầu đã trở nên rất nhạy cảm trước các thông tin về đàm phán thương mại Mỹ-Trung, cho dù thông tin đi theo chiều hướng nào. Khi có tin xấu về cuộc đàm phán này, giá dầu giảm ngay lập tức", nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital LLC nhận định.

Ông Kilduff giải thích chừng nào thương chiến còn chưa kết thúc, kinh tế toàn cầu còn chịu áp lực giảm tốc, khiến nhu cầu năng lượng giảm theo, từ đó gây sức ép giảm giá dầu.

Bên phía nguồn cung, các mức đỉnh mới tiếp tục được xác lập, đặt ra khả năng thế giới thừa mứa dầu trong năm 2020.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (IEA) vào tuần trước cho thấy sản lượng dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 8/11 đạt mức cao kỷ lục 12,8 triệu thùng/ngày.

Báo cáo hàng tháng do EIA công bố hôm thứ Hai dự báo sản lượng dầu thô từ 7 mỏ dầu đá phiến chính của Mỹ sẽ tăng thêm 49.000 thùng/ngày trong tháng 12, đạt mức 9,133 triệu thùng/ngày.

Thị trường đang chờ xem liệu Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+, có đưa ra một quyết định cắt giảm thêm sản lượng để hỗ trợ giá dầu.

Tuần trước, OPEC đưa ra dự báo rằng nhu cầu đối với dầu do khối này sản xuất có thể giảm trong năm 2020. Tuyên bố này được xem là một tín hiệu cho thấy OPEC không muốn giảm sản lượng sâu hơn.

Hiện OPEC+ đang thực thi thỏa thuận giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày. Thỏa thuận này có hiệu lực từ đầu năm nay sẽ hết hạn vào cuối tháng 3/2020 nếu không được gia hạn. Cuộc họp của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 5-6/12 tại Vienna, Áo.