10:13 30/07/2023

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để giải quyết những bất cập của ngành chăn nuôi

Vũ Khuê

Chỉ có công nghệ mới có thể giúp ngành chăn nuôi Việt Nam xử lý được những mâu thuẫn của các yếu tố giới hạn về không gian, tài nguyên và sự đòi hỏi ngày càng cao của vấn đề an toàn thực phẩm, môi trường sinh thái…

Ngành chăn nuôi của Việt Nam đang phát triển năng động và nhanh chóng, mang lại nhiều cơ hội các nhà đầu tư.
Ngành chăn nuôi của Việt Nam đang phát triển năng động và nhanh chóng, mang lại nhiều cơ hội các nhà đầu tư.

Chia sẻ tại buổi họp báo “Giới thiệu triển lãm ILDEX Vietnam 2024” mới đây, Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết dư địa phát triển ngành chăn nuôi là rất lớn. Giống, thức ăn chăn nuôi; môi trường và công nghệ là 3 trụ cột chính để  phát triển ngành chăn nuôi bền vững.

NHIỀU ÁP LỰC PHÁT TRIỂN

Theo số liệu được đưa ra tại cuộc họp báo, ngành chăn nuôi của Việt Nam đang phát triển năng động và nhanh chóng, mang lại nhiều cơ hội các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài.

Tổng sản lượng chăn nuôi của Việt Nam năm 2022 trị giá khoảng 21 tỷ USD, tăng 5-6% so với cùng kỳ năm 2021. Nhu cầu các sản phẩm chăn nuôi tại thị trường Việt Nam được dự đoán sẽ tăng đáng kể trong những năm tới. Nhu cầu về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ tăng lên 28 – 30 triệu tấn mỗi năm, với chi phí 12-13 tỷ USD trong 5 năm tới.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng trưởng 13-15% hàng năm, đưa Việt Nam trở thành nhà sản xuất lớn thứ 10 trên thế giới và lớn nhất trong Đông Nam Á.

Hiện nay, ngành chăn nuôi Việt Nam sản xuất và tiêu thụ rất nhiều loại sản phẩm, bao gồm thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, thịt bò và sữa. Việt Nam được cho là một trong những quốc gia có sản lượng thịt lợn cao nhất toàn cầu, với hơn 4,19 tỷ tấn được sản xuất vào năm 2021.

Tại cuộc họp báo, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng những năm gần đây, ngành chăn nuôi phát triển hết sức ấn tượng cả về số lượng và chất lượng, chiếm tỷ trọng tới 27% trong nông nghiệp. Đến nay sản lượng thịt đã đạt hơn 7 triệu tấn, trứng ước đạt 19 tỷ quả, sữa tươi 1,2 triệu tấn.

Bên cạnh kết quả đáng ghi nhận, thách thức với ngành chăn nuôi cũng rất lớn. Chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 65 - 70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay giá thức ăn chăn nuôi có nhiều biến động, ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó giá con giống, chi phí thuốc thú y, dịch bệnh… cũng gây khó khăn cho ngành.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT chia sẻ tại họp báo.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT chia sẻ tại họp báo.

Đồng tình, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam, bổ sung, sau một thời gian dài phát triển, ngành chăn nuôi Việt Nam đã xuất hiện những nút thắt, những vấn đề bất cập thiếu bền vững trong phát triển.

Đó là xuất hiện ngày càng nhiều các loại dịch bệnh nguy hiểm; quy mô đàn các loại vật nuôi cao gây áp lực lên các yếu tố tài nguyên, môi trường.

Cùng với đó, phương thức chăn nuôi thay đổi, chăn nuôi trang trại, công nghiệp thay thế nhanh, lấn át loại hình chăn nuôi nông hộ truyền thống vốn là đặc trưng của chăn nuôi Việt Nam.

Những yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường, đối xử nhân đạo với vật nuôi và kinh tế chia sẻ... đây không những là thử thách của chăn nuôi toàn cầu nói chung, mà còn là áp lực lớn hơn với chăn nuôi Việt Nam nói riêng.

Ông Dương phân tích, vì chúng ta không có không gian chăn nuôi rộng như nhiều nước trên thế giới, nhưng chúng ta vẫn phải phát triển chăn nuôi nhằm mục tiêu an ninh dinh dưỡng cho đất nước và sinh kế của người nông dân. Nên không thể một sớm một chiều có thể chuyển ngay được những người nông dân chăn nuôi sang làm công nghiệp, dịch vụ... như các nước phát triển được.

XỬ LÝ THÁCH THỨC BẰNG CÔNG NGHỆ MỚI

Ông Thắng khẳng định, dư địa phát triển ngành chăn nuôi là rất lớn. Giống, thức ăn chăn nuôi; môi trường và công nghệ là 3 trụ cột chính để phát triển ngành chăn nuôi bền vững.

Để phát triển bền vững, cần tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học nhằm giảm thiểu chi phí đầu vào, giảm nguy cơ dịch bệnh, từ đó cạnh tranh được trong thị trường mở, đặc biệt với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như trang trại.

Cùng với đó, chăn nuôi phải theo mô hình kinh tế tuần hoàn, không đánh đổi môi trường. Đây cũng là trách nhiệm của ngành nhằm thực hiện mục tiêu cam kết COP 26.

Mặt khác, cần đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại trong chuồng trại, thiết bị chăn nuôi để chúng ta tiệm cận được với thế giới và khu vực.

Ông Thắng cho biết gần đây, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho phép xây dựng 2 lĩnh vực đầu tiên trong ngành nông nghiệp về chuyển đổi số đó là chăn nuôi và trồng trọt. Trong đó, đưa vào khá đầy đủ luật, nghị định, thông tư. Tháng 6/2022 đã từng bước triển khai thí điểm chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi.  

Vấn đề nữa, vẫn còn sự thiết hụt, dư thừa trong sản xuất chăn nuôi. Do đó, cần đẩy mạnh liên kết sản xuất và thị trường. Thị trường rất quan trọng, gần như quyết định sản xuất. Thị trường cần gì yêu cầu thị trường ra sao, chúng ta cần định hướng sản xuất để phát triển bền vững.

Ông Dương cũng cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam muốn tiếp tục phát triển và hội nhập, cần tiếp cận được với các giải pháp công nghệ hiện đại. Chỉ có công nghệ mới có thể giúp chăn nuôi Việt Nam xử lý được những thách thức hiện hữu cũng như sự đòi hỏi ngày càng cao của vấn đề an toàn thực phẩm, môi trường sinh thái (khi Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế, đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050) và vấn đề đối xử nhân đạo với vật nuôi.

Để tiếp cận được những mô hình công nghệ chăn nuôi tiên tiến, bà Panadda Kongma, Giám đốc điều hành và kinh doanh Nông nghiệp, VNU Asia Pacific cho rằng các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi Việt Nam có thể tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ xúc tiến thương mại và đầu tư.

Tiêu biểu như triển lãm "ILDEX Vietnam 2024" về chăn nuôi, ngành sữa, chế biến thịt và nuôi trồng thuỷ sản. Những giải pháp công nghệ hiện đại như kiểm soát carbon trong chăn nuôi; công nghệ chuồng trại, giết mổ, chế biến hiện đại và thân thiện; an toàn sinh học chăn nuôi và kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, ứng dụng chuỗi khối, máy móc và phần mềm, di truyền học và nhân giống… sẽ được giới thiệu tại triển lãm.

“Điều này tạo ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác với các doanh nghiệp địa phương để nâng cấp trang trại của họ hoặc tìm kiếm các công nghệ mới để tăng sản lượng”, bà Panadda Kongma nhấn mạnh.

 

ILDEX Vietnam 2024 - Triển lãm Quốc tế lần thứ 9 về chăn nuôi, ngành sữa, chế biến thịt và nuôi trồng thủy sản sẽ được tổ chức từ ngày 29-31/5/2024, tại Trung tâm Hội trợ và Triển lãm Sài Gòn, SECC ở TP. Hồ Chí Minh.

Đây là triển lãm hàng đầu duy nhất trong chuỗi triển lãm toàn cầu của VIV Worldwide và được quản lý bởi VNU Asia Pacific và đối tác chính thức là Công ty Cổ phần Triển lãm Công nghệ và Sự kiện Quốc tế (ITEC).

Triển lãm lần thứ 9 với quy mô lớn, hơn 200 công ty hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới và dự kiến sẽ có hơn 10.000 khách thăm quan thương mại. Nhận thấy sự tăng trưởng đáng kể trong ngành kinh doanh chế biến thịt ở Việt Nam và Đông Nam Á, ban tổ chức giới thiệu một khu vực mới có tên là 'Meat Pro Pavilion'.

Khu gian hàng này sẽ giới thiệu nhiều thương hiệu chế biến và đóng gói thịt khác nhau, cùng với các buổi giới thiệu sản phẩm và các chương trình hội nghị chuyên sâu.