Củng cố hệ thống dịch vụ thú y để phát triển bền vững ngành chăn nuôi
Các bệnh ở động vật gây thiệt hại đáng kể đến chăn nuôi, thương mại, sinh kế, an ninh lương thực và nền kinh tế quốc gia, cũng như sức khỏe con người. Vì vậy, cấp thiết phải củng cố hệ thống dịch vụ thú y Việt Nam để giảm thiểu tác động của dịch bệnh trong chăn nuôi…
Ngày 23/6/2023, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Hội nghị tham vấn hỗ trợ triển khai Đề án quốc gia Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030 (theo Quyết định số 414/QĐ-TTg).
SẮP XẾP LẠI HỆ THỐNG NGÀNH THÚ Y
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định ngành chăn nuôi đóng góp hơn 1/4, xấp xỉ 25,2% GDP nông nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, những thay đổi nhanh chóng trong chăn nuôi đang làm tăng khả năng mầm bệnh mới xuất hiện, phát triển và lây lan từ động vật sang người.
Các bệnh ở động vật gây thiệt hại đáng kể đến chăn nuôi, thương mại, sinh kế, an ninh lương thực và nền kinh tế quốc gia, cũng như sức khỏe con người. Vì vậy, cấp thiết phải củng cố Hệ thống Dịch vụ Thú y tại Việt Nam.
“Mục tiêu chính của Đề án là tăng cường năng lực của hệ thống quản lý chuyên ngành thú y các cấp, bảo đảm thực hiện có hiệu lực và hiệu quả các hoạt động thú y, kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chủ động và hội nhập toàn cầu sâu rộng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Theo Cục Thú y, tính đến hết tháng 5/2023, tổng cộng đã có 56 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai sắp xếp lại hệ thống thú y. Trong đó, 13 tỉnh, thành phố đã sáp nhập Chi cục Thú y cấp tỉnh với các ngành nông nghiệp khác; 33 địa phương đã sáp nhập Trạm Thú y cấp huyện với các ngành nông nghiệp khác và chuyển thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp/Phòng kinh tế do UBND cấp huyện quản lý.
Trong khi đó, một tỉnh đã thành lập lại Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cấp tỉnh; 5 tỉnh đã thành lập lại Trạm Chăn nuôi Thú y/ Trạm Chăn nuôi Thú y và Thủy sản cấp huyện; 9 tỉnh đã có đề án thành lập lại Trạm Chăn nuôi Thú y/Trạm Chăn nuôi Thú y và Thủy sản cấp huyện.
Đến thời điểm tháng 6/2023, cả nước có tổng số hơn 16.000 người làm công tác thú y tại các địa phương. Hằng năm, Việt Nam bố trí trên 500 tỷ đồng để triển khai các nhiệm vụ thú y và đề án ngành thú y.
Nhằm thực hiện hiệu quả Đề án quốc gia 'Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu 8 nhóm giải pháp cần triển khai.
Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật ngành thú y
Thứ hai, kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp.
Thứ ba, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật.
Thứ tư, nâng cao năng lực kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, quản lý an toàn thực phẩm đối với động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật.
Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý thuốc thú y.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế và thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.
Thứ bảy, nâng cao năng lực nghiên cứu thú y.
Thứ tám, nâng cao năng lực quản lý các dịch vụ thú y.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Thủ tướng phê duyệt: Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng, giai đoạn 2023 - 2025; Kế hoạch quốc phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò, giai đoạn 2023 - 2030; Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại đến năm 2030…
TÁI CẤU TRÚC NGÀNH CHĂN NUÔI THEO HƯỚNG BỀN VỮNG
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho rằng sự phát triển kinh tế khiến Việt Nam đối diện nhiều mối đe dọa liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi như dịch bệnh trên động vật, đặc biệt là những bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Đề án "Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp" là một trong những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo phúc lợi và an ninh lương thực cũng như sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi.
“Cộng đồng quốc tế cùng chung tay hỗ trợ nâng cao năng lực cho ngành thú y Việt Nam, đóng góp cho Một sức khỏe để bảo đảm sức khỏe con người bền vững, sức khỏe động vật bền vững, từ đó đảm bảo sức khỏe nền kinh tế bền vững”, bà Pauline Tamesis nhấn mạnh.
Ông Thanawat Tiensin, Giám đốc Ban Chăn nuôi và Thú y FAO, nhận định nhu cầu về đạm động vật trên toàn cầu tăng nhanh trong khoảng 30 năm nữa. Cụ thể, đến năm 2050, nhân loại sẽ cần thêm 22% thịt, 14% sữa và khoảng 15% trứng so với năm 2020. Trong đó, nhu cầu tại châu Á tăng nhiều nhất, còn châu Âu và châu Đại Dương gần như ít biến động.
Trong bối cảnh đó, ông Thanawat Tiensin cho rằng ngành chăn nuôi vẫn gặp nhiều thách thức, một số vấn đề chính là nhiều dịch bệnh xuyên biên giới xuất hiện và hoành hành. Bên cạnh những tồn tại, hạn chế của ngành chăn nuôi, toàn thế giới vẫn đang phải chống chịu và giải quyết nhiều vấn đề khác như xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, nguồn gốc của các sản phẩm động vật.
Những điều này đòi hỏi ngành chăn nuôi phải tái cấu trúc theo hướng bền vững, không gây tác động đến môi trường, giảm phát thải, đảm bảo vệ sinh, an toàn môi trường. Làm thế nào để ngành chăn nuôi vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa ổn định sinh kế cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, nhưng vẫn giữ gìn, bảo vệ được đa dạng sinh học.
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 2 năm 2021 và 2023, các tổ chức quốc tế, các nước đã hợp tác, hỗ trợ Việt Nam triển khai nhiều vấn đề trong lĩnh vực thú y như: các hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật; các hoạt động giam sát, cảnh báo và kiểm soát kháng thuốc; các hoạt động của Khung đối tác Một sức khỏe.
Ngoài ra, các tổ chức quốc tế cũng hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật để nghiên cứu, sản xuất nhiều loại vaccine quan trọng, nhất là vaccin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi; đào tạo, tập huấn chuyên môn, nhiệm vụ cho hơn 200 cán bộ ngành thú y.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề xuất, các tổ chức quốc tế hỗ trợ ngành thú y Việt Nam với các nội dung: chủ động phòng bệnh với chi phí thấp nhất, hiệu quả cao nhất đó là xây dựng thành công các vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới, tạo ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm chăn nuôi, tạo sinh kế bền vững cho người dân Việt Nam.
Cùng với đó, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị các phòng thí nghiệm chủ lực để củng cố năng lực giám sát dịch bệnh, nghiên cứu, sản xuất, đánh giá các loại vaccin phòng bệnh.
Tiếp đến là hỗ trợ Việt Nam xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thú y; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác thú y; thiết lập hệ thống trực tuyến kết nối hệ thống thú y các cấp để phục vụ đào tạo, tập huấn, chỉ đạo điều hành trong công tác thú y.