11:45 22/01/2014

Để cải cách thể chế không chỉ là lời nói

Nguyên Thảo

Đột phá đổi mới thể chế kinh tế không phụ thuộc vào số đông mà cần sự xuất hiện của cá nhân đủ tầm có tư duy đổi mới

Từng đề cập sự ngập ngừng, thiếu nhất quán về nhiều vấn đề trong đổi mới
 thể chế kinh tế, một thành viên khác của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế 
hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh ở nhiều diễn đàn đều nhấn mạnh sự cấp 
thiết phải cải cách thể chế kinh tế.
Từng đề cập sự ngập ngừng, thiếu nhất quán về nhiều vấn đề trong đổi mới thể chế kinh tế, một thành viên khác của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh ở nhiều diễn đàn đều nhấn mạnh sự cấp thiết phải cải cách thể chế kinh tế.
2014 được xác định là năm phải tạo được bước đột phá mới trong xây dựng thể chế, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ dẫn lời Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tổng kết của ban chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 vào cuối tuần qua.

Và theo ghi nhận của VnEconomy, đây cũng chỉ là một trong nhiều thông điệp về cải cách thể chế từ các thành viên Chính phủ, kể từ khi bản Hiến pháp mới có hiệu lực thi hành từ ngày đầu tiên của năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong bài viết được đăng tải trên nhiều trang báo đúng ngày 1/1/2014, đã đặt “hoàn thiện thể chế” đầu tiên trên tiêu đề.

Sau đó, vào ngày 13/1, ông “trả nợ” chất vấn của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch từ kỳ họp thứ 6 về sự nhất quán trong thực thi đẩy mạnh đổi mới thể chế.

Trong câu hỏi, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch không giấu được sự sốt ruột khi nghe chính Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội rằng một số vấn đề trong đổi mới thể chế vẫn còn ngập ngừng, thiếu nhất quán, nhất là vai trò của nhà nước và vai trò của kinh tế nhà nước trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ở phần trả lời khá ngắn gọn, người đứng đầu Chính phủ khẳng định “chúng ta kiên định xây dựng chủ nghĩa xã hội”, song ông cũng nói “đây là con đường chưa có tiền lệ”.

Theo ông, chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải được thể chế hóa và tổ chức thực hiện. Nhưng vai trò của Nhà nước, của kinh tế nhà nước và của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là những vấn đề rất mới, chưa có sẵn mô hình. Trong quá trình triển khai, nhận thức về phạm vi, nội hàm, định lượng, giải pháp, lộ trình, bước đi… ý kiến cũng rất khác nhau, phải chờ đợi nhau và phải dành nhiều thời gian thảo luận để cụ thể hóa. Phải vừa làm, vừa tổng kết rút kinh nghiệm, lấy kết quả thực tiễn để khẳng định sự phù hợp cũng như phương hướng và cách làm tiếp theo. Vì vậy, việc triển khai thực hiện có lúc, có việc chưa dứt khoát, chưa mạnh mẽ, chưa nhất quán và kết quả đạt được chưa như mong muốn.

Từng đề cập sự ngập ngừng, thiếu nhất quán về nhiều vấn đề trong đổi mới thể chế kinh tế, một thành viên khác của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh ở nhiều diễn đàn đều nhấn mạnh sự cấp thiết phải cải cách thể chế kinh tế.

Tháng 10/2013, trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vị "tư lệnh" ngành kế hoạch và đầu tư cho biết, báo cáo cải cách toàn diện thể chế kinh tế đang được tích cực xây dựng để trình ra trước Đại hội 12 của Đảng.

Tiếp đó, tại nghị trường và một số diễn đàn khác, Bộ trưởng Vinh cũng dốc bầu gan ruột rằng, nếu Việt Nam không đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt và khẩn trương, đặc biệt là đổi mới thể chế kinh tế, sẽ tụt hậu xa so với khu vực, thậm chí tụt hậu so với Campuchia, Lào.

Ngày 17/1 vừa qua, trong một cuộc làm việc kéo dài từ 8 giờ đến 14 giờ, với bữa trưa tại chỗ là hai chiếc bánh bao cho mỗi người, Bộ trưởng Vinh đã lắng nghe các chuyên gia kinh tế tham vấn cho dự thảo đề cương nghiên cứu cải cách thể chế kinh tế Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn 2030.

Theo dự thảo này thì kết quả cuối cùng của nghiên cứu sẽ là hệ thống các kiến nghị được đưa thành nội dung các văn kiện Đại hội lần thứ 12 của Đảng, gồm: kiến nghị về tiếp tục đổi mới tư duy, quan niệm về phát triển kinh tế thị trường, những định hướng, nội dung cơ bản của cải cách thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Kết quả thứ hai là kiến nghị các giải pháp cụ thể, rõ ràng và lộ trình thực hiện cải cách mạnh mẽ  thể chế kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020, gắn cải cách thể chế kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị nhằm đưa kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao và bền vững.

Cuối cùng là các đề xuất chính sách điều hành kinh tế trong hai năm 2014 - 2015 và những đổi mới thể chế trong thẩm quyền của chính phủ, các bộ và chính quyền địa phương.

Dù mới chỉ là bước khởi động mới cho một vấn đề không mới, song việc đích thân một vị bộ trưởng chủ trì một nghiên cứu đang rất cần thiết cho sự phát triển của đất nước đã truyền nhiệt huyết cho các chuyên gia.

Nhiều ý kiến dễ dàng thống nhất với Bộ trưởng Bùi Quang Vinh rằng việc cải cách thể chế không thể chần chừ hơn được nữa. Và nếu không đổi mới tư duy, quan điểm phát triển thì nền kinh tế sẽ chỉ quanh quẩn ở mức tăng trưởng thấp và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường vẫn chỉ là lời hô hào trên giấy.

Nhưng, nói như một số chuyên gia thì bước đột phá đổi mới thể chế kinh tế không phụ thuộc vào số đông, mà cần sự xuất hiện của cá nhân đủ tầm có tư duy đổi mới. Bởi nhân tài quyết định thể chế.

Vậy nên dù Bộ trưởng Vinh đã lường trước là “phất ngọn cờ” cải cách thể chể chẳng hề là việc dễ dàng hay sung sướng gì, thì theo nhìn nhận của một vị chuyên gia có mặt tại buổi tham vấn trên, sự thuyết phục của đề án trong đó chứa đựng lộ trình và cả các giải pháp cụ thể mà Bộ trưởng Vinh đang trực tiếp cầm chịch có ý nghĩa rất quan trọng, dẫu chỉ là đốm lửa đầu tiên.