07:09 25/02/2025

Đề nghị hợp nhất Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa với Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật

Chương Phượng

Sau gần 20 năm thực thi, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật đang tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Nhiều quy định chưa sát với thực tiễn sản xuất, gây khó khăn cho các doanh nghiệp…

Quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa.
Quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa.

Ngày 24/2/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hiệp hội phân bón Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Những bất cập trong thực hiện Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường”.

Tham dự Hội thảo có ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA); ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; cùng đại diện các hiệp hội, ngành hàng, các tổ chức doanh nghiệp Nhật Bản, EU, Mỹ, Hàn Quốc…

QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA NHIỀU BẤT CẬP

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, cho biết Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, quyết định toàn bộ cách thức tiếp cận và phương thức kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm, hàng hóa và chi phí sản xuất sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Trong đó, Luật Chất lượng sản phẩm chi phối tới 79 văn bản và Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn chi phối tới 104 văn bản luật, pháp lệnh quản lý chuyên ngành liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên sau gần 20 năm triển khai, hai bộ luật này đang tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

Việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn còn chưa đồng bộ, một số quy định chưa sát với thực tiễn sản xuất. Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc quản lý chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp và người sản xuất chưa cao, dẫn đến tình trạng sản phẩm không đạt chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường.

 
 
Đề nghị hợp nhất Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa với Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật - Ảnh 1
Ông Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội

"Quốc hội đã đưa Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật vào chương trình các Luật sửa đổi trong năm 2024-2025. Vì vậy, cơ quan chủ trì xây dựng hai Luật này phải xác định đây là công việc rất quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đến sức sản xuất, sức cạnh tranh, giá trị thương hiệu của sản phẩm hay hàng hóa Việt Nam. Đây cũng là thời vận tốt nhất, để Việt Nam có được thể chế pháp luật và chính sách phát triển tốt nhất, nâng tầm chất lượng, sức cạnh tranh của thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam".

TS Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho hay hiện nay dù ngành nông nghiệp đã có hơn 1.400 tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia nhưng nhiều vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón và thức ăn chăn nuôi gặp khó khăn trong quản lý chất lượng.

“Việc quản lý chất lượng hiện nay còn nhiều bất cập, như sự lạm dụng quy chuẩn kỹ thuật đối với các nhóm hàng và quy định công bố hợp quy gây tốn kém, phiền hà cho doanh nghiệp. Ngoài ra, quy định kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu quá mức cần thiết cũng tạo thêm chi phí và mất cơ hội kinh doanh”, TS. Dương nêu thực tế.

Theo TS. Dương, cả hai bộ luật này có tính khoa học cao, tính quy phạm và đại diện cao. Vì vậy, cần hạn chế thấp nhất vấn đề để các luật, quy phạm pháp luật chuyên ngành lạm dụng làm mất đi tính nhất thể hóa. Do đó, đề nghị hợp nhất 2 luật này thành 1 luật sau khi sửa đổi.

 
 
Đề nghị hợp nhất Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa với Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật - Ảnh 2
TS, Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam.

"Quy trình xây dựng và sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quá lâu, không theo kịp với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ và thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của ngành. Vì vậy, đề nghị cần sửa đổi luật theo hướng cải cách mạnh mẽ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời nhanh chóng thúc đẩy cổ phần hóa các tổ chức đánh giá sự phù hợp để tạo sự minh bạch và công bằng cho các doanh nghiệp.

Đề nghị các nhà sửa luật cần khảo sát thực tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và lắng nghe ý kiến đa chiều từ các bên liên quan để xây dựng luật pháp có tính khoa học, khách quan, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”.

KIẾN NGHỊ BỎ QUY ĐỊNH CÔNG BỐ HỢP QUY

Tại hội thảo, nhiều đại biểu nêu lên điểm nghẽn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải là quy định về công bố hợp quy sản phẩm trước khi đưa vào sản xuất và lưu thông. Bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam, cho rằng thủ tục công bố hợp quy thuốc thú y gây trùng lặp không cần thiết, gây lãng phí thời gian và nguồn lực vì sản phẩm đã trải qua quá trình kiểm nghiệm khi đăng ký lưu hành theo tiêu chuẩn GMP-WHO.

“Hiện nay, các chỉ tiêu chất lượng và an toàn của sản phẩm đã được doanh nghiệp công bố trong hồ sơ đăng ký sản phẩm cũng như trên nhãn mác bao bì. Việc yêu cầu thêm thủ tục công bố hợp quy không những không mang lại giá trị gia tăng trong kiểm soát chất lượng mà còn làm gia tăng chi phí và thời gian chờ đợi”, bà Hương nêu quan điểm.

 

"Ngày 11/2/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có công văn số 57/LHHVN về việc góp ý xây dựng văn bản pháp luật gửi Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy”.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, quy trình đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật buộc các cơ sở phải tuân thủ nhiều thủ tục như giám sát hằng năm, thử nghiệm toàn bộ chỉ tiêu kỹ thuật, làm giấy chứng nhận hợp quy cho từng lô hàng nhập khẩu và sản xuất trong nước. Điều này không chỉ tạo ra sự chồng chéo giữa các quy định mà còn tăng chi phí cho ngành thức ăn chăn nuôi, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nội địa so với nhập khẩu.

Do đó, ông Tuế kiến nghị bãi bỏ quy định công bố hợp quy, thay vào đó chỉ áp dụng quy chuẩn kỹ thuật để thanh tra, kiểm tra và xử phạt nếu vi phạm, đồng thời rà soát các tiêu chuẩn không còn phù hợp.

Cụ thể hơn, TS Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, kiến nghị nên bỏ Điều 48 trong Quy định phải công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Điều này có lợi cho người dân, cho đất nước trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ông Lê Quang Huy: "Dự án Luật sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025".
Ông Lê Quang Huy: "Dự án Luật sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025".

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết hiện nay, có 3 phương án được đưa ra: thứ nhất, nên bỏ hoàn toàn quy định công bố hợp quy; thứ hai, nên giữ lại công bố hợp quy; thứ ba, vẫn giữ thủ tục công bố hợp quy nhưng có điều chỉnh một số vấn đề có liên quan, bất cập trong quy định.

“Thông qua ý kiến, góp ý của các đại biểu tại hội thảo hôm nay, chúng tôi sẽ củng cố thêm thông tin để hoàn thiện báo cáo gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan nhằm tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025", ông Lê Quang Huy phát biểu.