20:36 05/05/2015

Đề nghị không áp án tử hình với người từ 70 tuổi

Nguyễn Lê

Chính phủ cho rằng điều này thể hiện chính sách hình sự nhân đạo đối với những người đã đến tuổi thượng thọ

Một phòng thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc ở nước ngoài.<br>
Một phòng thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc ở nước ngoài.<br>

Tại dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ đề xuất không áp dụng hình phạt tử hình với người từ 70 tuổi trở lên.

Dù trước đó, quy định này chưa nhận được sự đồng thuận cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp hồi tháng 4.

Khi
đó, cả Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đều không đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Bởi theo hai vị này, người 70 tuổi vẫn còn trẻ, còn sáng suốt, có người còn phạm tội rất ghê gớm và chống đối rất mạnh mẽ.

Tuy nhiên, kiên trì quan điểm, Chính phủ cho rằng việc bổ sung đối tượng này vào diện không áp dụng hình phạt tử hình thể hiện chính sách hình sự nhân đạo đối với những người đã đến tuổi thượng thọ - đối tượng được hưởng chế độ chúc thọ, mừng thọ của Nhà nước, được đặc cách hưởng chính sách bảo trợ xã hội.

Dự thảo luật cũng mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế.

Theo đó, ngoài trường hợp người bị kết án là phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như quy định hiện hành thì bổ sung thêm hai trường hợp: người bị kết án là người từ 70 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình không thuộc các đối tượng nêu trên nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Và, dù còn có ý kiến khác khi thảo luận ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, Chính phủ vẫn kiên trì đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh. Đó là các tội: cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.

Đồng thời, dự thảo bộ luật tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy  thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Còn đối với các tội danh khác thì mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Đáng chú ý, với lần sửa đổi này, dự thảo bộ luật đã bổ sung quy định về điều kiện áp dụng hình phạt theo hướng hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt ngoài tù.

Như, mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm ít nghiêm trọng. Theo đó, số khoản có quy định phạt tiền là hình phạt chính đối với tội ít nghiêm trọng trong dự thảo bộ luật tăng 35 khoản (từ 76 khoản lên 111 khoản) so với quy định hiện hành cũng như mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm nghiêm trọng.

Riêng đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường thì phạt tiền là hình phạt chính có thể áp dụng đối với cả tội rất nghiêm trọng.

Đồng thời, nhằm tăng tính cưỡng chế và ý nghĩa răn đe, phòng ngừa của hình phạt tiền, dự thảo quy định trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu người bị kết án không chấp hành hình phạt tiền thì hình phạt tiền chuyển thành hình phạt tù có thời hạn, nếu đó là hình phạt chính, tờ trình dự án luật nêu rõ.

Quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về che giấu tội phạm cũng được sửa đổi theo hướng người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác được Bộ luật Hình sự quy định.

Điểm mới nữa là dự thảo bộ luật đã quy định là tội phạm đối với hành vi cản trở việc thực hiện quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân; làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân và hành vi cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân.