17:23 17/07/2023

Đề nghị Sóc Trăng làm rõ quy mô đầu tư dự án khu cảng Trần Đề

Xuân Nghi

Theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Sóc Trăng trong đó có dự án khu cảng Trần Đề, là cảng biển loại III. Vì vậy tỉnh Sóc Trăng chưa được công bố quy hoạch cảng biển đặc biệt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tỉnh Sóc Trăng chưa được công bố quy hoạch cảng biển đặc biệt đối với dự án cảng biển Trần Đề.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tỉnh Sóc Trăng chưa được công bố quy hoạch cảng biển đặc biệt đối với dự án cảng biển Trần Đề.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản phản hồi công văn của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đề xuất xin chủ trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu Trần Đề, trong đó tỉnh này đã đề cập đến quy hoạch cảng Trần Đề là cảng biển đặc biệt.

Cảng biển Trần Đề được quy hoạch tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quyết định này, hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 gồm 36 cảng biển với 5 nhóm, cảng biển Sóc Trăng thuộc nhóm cảng biển số 5 gồm các cảng biển khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Khu cảng Trần Đề được định hướng đầu tư trở thành cảng nước sâu cửa ngõ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Còn theo phân loại thì cảng biển Sóc Trăng thuộc cảng biển loại III (có 4 loại: đặc biệt, loại I, II và III) đồng thời được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, cùng với các cảng biển Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa (hai cảng biển đặc biệt hiện tại là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu).

Ngày 18/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết này có đề ra định hướng là “Hoàn thành hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng…” (Mục 15, điều 2, chương II).

Trả lời Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Nghị quyết 78 của Chính phủ không nêu rõ thời điểm nào sẽ quy hoạch cảng biển Trần Đề (cảng biển Sóc Trăng), mốc 2030 hay mốc 2045, thành cảng biển đặc biệt và là cảng cửa ngõ vùng. Vì vậy, căn cứ vào quy hoạch chung tại Quyết định 1579/QĐ-TTg và Nghị quyết 78/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tỉnh Sóc Trăng chưa được công bố quy hoạch cảng biển Trần Đề là cảng đặc biệt.

Bộ này cũng đề nghị tỉnh Sóc Trăng xác định và làm rõ quy mô đầu tư của dự án cảng biển Trần Đề phù hợp với quy hoạch chung.

Được biết, trước đó ngày 28/02/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó cũng nêu rõ: Khu bến Trần Đề (cảng biển Sóc Trăng) định hướng quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Tháng 5/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất chủ trương lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề. Về phương thức đầu tư, tỉnh này kiến nghị trung ương xem xét, chấp thuận việc cho phép nhà đầu tư đề xuất dự án theo quy định pháp luật về đầu tư công, hoặc theo phương thức đối tác công tư (PPP) phù hợp nhu cầu, năng lực của nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước đề xuất dự án.

UBND tỉnh Sóc Trăng đã đề nghị Bộ GTVT thống nhất để Sóc Trăng sử dụng ngân sách địa phương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng biển Trần Đề. Ảnh minh họa.
UBND tỉnh Sóc Trăng đã đề nghị Bộ GTVT thống nhất để Sóc Trăng sử dụng ngân sách địa phương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cảng biển Trần Đề. Ảnh minh họa.

Đến giữa tháng 6/2023, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ủng hộ đề xuất nói trên của tỉnh này. Ngày 07/7/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã ký ban hành Quyết định số 1638/QĐ-UBND giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cảng biển Trần Đề cho Sở Giao thông vận tải cùng các sở, ngành liên quan.

Xét về nguồn vốn và phương thức đầu tư theo đề xuất của tỉnh Sóc Trăng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Theo quy định tại Luật Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I.

Còn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển loại I có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A (Luật Đầu tư công 2019 quy định, về vốn thì dự án nhóm A có quy mô vốn từ 2.300 tỷ trở lên – NV) theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc xác định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư không chỉ căn cứ vào tiêu chí phân loại cảng biển mà còn căn cứ vào các tiêu chí gồm số vốn đầu tư công vào dự án, quy mô chuyển mục đích sử dụng đất, quy mô di dân tái định cư, cơ chế chính sách đặc biệt áp dụng cho dự án... được quy định tại các luật đã nêu trên.

Từ những phân tích trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cần xác định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định. “Pháp luật về đầu tư không quy định cụ thể về nguồn vốn để cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng căn cứ quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn vốn ngân sách của địa phương bố trí cho công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.