14:00 21/09/2022

Đề nghị tỉnh Đồng Nai sớm mở rộng đường tỉnh 769, "chia lửa" giao thông với vòng xoay Dầu Giây

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải cho biết công tác thi công điều chỉnh vòng xoay Dầu Giây đã hoàn thành. Tuy nhiên, UBND tỉnh Đồng Nai sớm đầu tư xây dựng mở rộng ĐT769 mới là giải pháp để chia sẻ lưu lượng giao thông với vòng xoay Dầu Giây, tránh ùn tắc...

Đường tỉnh 769 sẽ được đầu tư nâng cấp, mở rộng.
Đường tỉnh 769 sẽ được đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Tỉnh Đồng Nai vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải về việc thiết kế vòng xoay tại ngã tư Dầu Giây chưa hợp lý. Cụ thể, vòng xoay có kích thước lớn còn lòng đường giao thông nhỏ, hẹp, gây ách tắc giao thông, nhất là khi xe tải và xe công di chuyển qua khu vực này.

Do đó, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh lại thiết kế vòng xoay để đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực này.

Ngã tư Dầu Giây là nút giao thông huyết mạch giữa hai tuyến Quốc lộ 1A và Quốc lộ 20, dẫn xe từ TP. HCM ra các tỉnh phía Bắc và lên Đà Lạt. Điểm giao thông này cũng kết nối cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây cách đó khoảng 1,5 km. Nhiều năm trước đây, Ngã tư Dầu Giây nổi tiếng là điểm nghẽn giao thông và "điểm đen" tai nạn giao thông, gây ám ảnh cho giới tài xế. 

Sau 5 năm trễ hẹn, dự án cầu vượt Dầu Giây do Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng vào tháng 2/2017, được thông xe vào ngày 8/3 vừa qua.

 

Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai sớm đầu tư xây dựng mở rộng đường tỉnh 769 (ĐT 769) đảm bảo quy mô theo quy hoạch được phê duyệt để chia sẻ lưu lượng giao thông với vòng xoay Dầu Giây, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Được biết, đường tỉnh 769 có chiều dài khoảng 30km, trong đó, khoảng 5km từ Quốc lộ 51 đi vào. Đây là dự án nằm trong danh mục trọng điểm của tỉnh Đồng Nai.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 6.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2027.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 769 hướng đến mục tiêu từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tăng cường khả năng lưu thông giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh Tây nguyên, kết nối với cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành; đáp ứng nhu cầu giao thông, vận tải, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các huyện có tuyến đường đi qua.

Còn về việc thiết kế vòng xoay tại ngã tư Dầu Giây, theo Bộ Giao thông vận tải, do lưu lượng xe trên các nhánh đường nút giao Dầu Giây, đặc biệt xe container lớn nên thường xảy ra ùn tắc giao thông.

Để đảm bảo giao thông tại nút giao nêu trên, Bộ Giao thông vận tải có giải pháp bố trí cầu vượt dọc theo Quốc lộ 1 và tổ chức giao thông các nhánh đảo xuyến phía bên dưới cầu vượt đi xoay quanh vòng xuyến để hạn chế giao cắt, xung đột trực tiếp các dòng xe, tăng năng lực thông hành giao thông.

Tuy nhiên, "do lưu lượng xe ngày càng tăng nhanh, bên cạnh đó còn xảy ra tình trạng phương tiện giao thông dừng đỗ đón trả khách dưới gầm cầu nên làm thu hẹp làn đường..., gây ùn tắc giao thông như phản ánh", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ bất cập.

Vì vậy, các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải, nhà đầu tư dự án và địa phương kiểm tra và triển khai một số giải pháp xử lý như: thu nhỏ đảo xuyến, mở rộng mặt đường, bổ sung một số một số công trình và xử lý, giải tỏa phương tiện dừng chờ đón khách dưới gầm cầu.

Đến nay, các nội dung phản ánh được nhà đầu tư dự án nghiên cứu bổ sung điều chỉnh, khắc phục thiết kế kỹ thuật vòng xoay, công tác thi công điều chỉnh vòng xoay Dầu Giây hoàn thành.

Theo báo cáo của nhà đầu tư dự án, từ khi hoàn thành điều chỉnh vòng xoay Dầu Giây đến nay, giao thông khu vực nút giao luôn được thông suốt và không xảy ra ùn tắc.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ tiếp tục theo dõi tình hình giao thông, có giải pháp điều tiết giao thông cho phù hợp năng lực thông hành của vòng xoay Dầu Giây.