06:00 24/11/2021

Đề xuất áp mức trần học phí hỗ trợ giảng viên học tiến sĩ ở nước ngoài, ngân sách tiết kiệm hơn 3.300 tỷ

Trâm Anh

Ngân sách dự kiến tiết kiệm hơn 3.300 tỷ đồng thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030 (Đề án 89)...

Giảng viên được cử đi học tiến sĩ, thạc sĩ phải bồi hoàn kinh phí nếu không quay về trường làm việc.
Giảng viên được cử đi học tiến sĩ, thạc sĩ phải bồi hoàn kinh phí nếu không quay về trường làm việc.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 – 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/1/2019 (Đề án 89). Nguồn kinh phí thực hiện Đề án 89 do ngân sách nhà nước cấp. 

HỌC Ở NƯỚC NGOÀI ĐƯỢC HỖ TRỢ TỐI ĐA 25.000 USD HỌC PHÍ

Đáng lưu ý, theo dự thảo, giảng viên học tiến sĩ ở nước ngoài sẽ chỉ được hỗ trợ mức học phí tối đa 25.000 USD/năm (khoảng 567 triệu đồng/năm). Nếu du học tại một số quốc gia có học phí đắt đỏ như: Anh, Canada, Hà Lan..., người học sẽ phải tự chi trả mức chênh lệch. Nhờ đó, ngân sách nhà nước tiết kiệm chi khoảng 161 triệu USD (tương đương khoảng 3.785 tỷ đồng) thực hiện Đề án 89.

Mặt khác, kinh phí đào tạo nghiên cứu sinh trong nước được đề xuất chi "rủng rỉnh" hơn, lên 72 triệu đồng/năm, tương đương tiêu tốn ngân sách thêm 484 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo phân tích của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, kinh phí ngân sách tiết kiệm được 3.785 tỷ đồng hoàn toàn có thể bù đắp được số ngân sách tăng đối với phương thức đào tạo trong nước. Như vậy, theo đề xuất mức chi mới, ngân sách sẽ tiết kiệm được 3.301 tỷ đồng.

Cụ thể, theo dự thảo, ngân sách nhà nước sẽ cấp học phí cho người học áp dụng theo các hình thức, bao gồm: đào tạo tập trung toàn thời gian ở trong nước; đào tạo tập trung toàn thời gian ở nước ngoài và liên kết đào tạo một phần thời gian học tập trung ở trong nước và một phần thời gian học tập trung ở nước ngoài ở trình độ tiến sĩ, trong đó thời gian đào tạo ở nước ngoài tối đa không quá 2 năm.

Thứ nhất, đối với hình thức đào tạo tập trung toàn thời gian ở nước ngoài, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất học phí và các khoản chi liên quan đến học phí phải trả cho các cơ sở đào tạo nước ngoài được ngân sách nhà nước chi trả tối đa là 25.000 USD hoặc tương đương với đồng tiền nước sở tại cho một năm học.

 

"Dự thảo sẽ đảm bảo tính công bằng cho các ứng viên đi đào tạo ở các nước khác nhau, đồng thời, tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước và thực hiện nguyên tắc chia sẻ giữa ngân sách nhà nước cấp và cơ sở giáo dục đại học chi cho người học và chi phí khác do người học tự túc", Bộ Giáo dục và Đào tạo phân tích.

Đối với các cơ sở đào tạo nước ngoài có mức học phí thấp hơn 25.000 USD hoặc tương đương với đồng tiền nước sở tại cho một năm học thì học phí tính theo thông báo trong giấy tiếp nhận nhập học.

Trường hợp mức học phí cao hơn mức 25.000 USD/người học/năm thì mức chênh lệch học phí cao hơn do người học tự chi trả.

Ngoài ra, giảng viên đi học cũng được thanh toán sinh hoạt phí tối đa 1.300 USD/người/tháng; bảo hiểm y tế tối đa không vượt quá 1.000 USD/người/năm; phí đi đường với mức khoán là 100 USD/người/cho toàn bộ thời gian đào tạo; khen thưởng cho lưu học sinh; hỗ trợ một phần rủi ro, bất khả kháng…

Cụ thể, mức sinh hoạt phí cao nhất là 1.300 USD/tháng với nghiên cứu sinh ở Mỹ, Canada, Anh và Nhật Bản. Tiếp đó, sinh hoạt phí ở Úc và NewZealand với 1.120 USD/người/tháng. Thấp nhất tại Campuchia, Lào, Thái Lan... với mức 390 USD/người/tháng.

Như vậy, ngân sách có thể phải chi đến hơn 3,5 tỷ đồng cho một giảng viên học tiến sĩ tại nước ngoài.

Mức sinh hoạt phí tại một số quốc gia theo dự thảo.
Mức sinh hoạt phí tại một số quốc gia theo dự thảo.

Hiện nội dung chi và mức chi cho đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định tại
Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 05/12/2007 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao.

Tuy nhiên, "học phí của các cơ sở đào tạo nước ngoài ở một số nước cao hơn nhiều so với các nước khác, dẫn tới ứng viên đăng ký đi đào tạo ở các nước này nhiều hơn các nước khác", Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ rõ thực tế.

Vì vậy, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất chi trả tối đa là 25.000 USD/năm trong trường hợp đào tạo tập trung toàn thời gian ở nước ngoài.

So sánh chi phí đào tạo hiện tại và theo đề xuất mới đối với phương thức đào tạo ở nước ngoài. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo.
So sánh chi phí đào tạo hiện tại và theo đề xuất mới đối với phương thức đào tạo ở nước ngoài. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiến hành so sánh giữa kinh phí ngân sách hỗ trợ đào tạo cho 15 nghiên cứu sinh theo quy định hiện hành với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, với số lượng tiến sĩ cần đào tạo dự kiến theo mục tiêu của Đề án 89, ngân sách nhà nước tiết kiệm chi được khoảng 161 triệu USD tương đương với khoảng 3.785 tỷ đồng.

Thứ hai, đối với hình thức đào tạo tập trung toàn thời gian ở trong nước, chi phí hỗ trợ học tập, nghiên cứu cho người học bao gồm 72 triệu đồng/người học/1 năm theo cơ chế khoán, hỗ trợ một phần sinh hoạt phí, thực hiện đề tài luận án; tham dự hội thảo, hội nghị ở trong nước.

Đồng thời, hỗ trợ 1 lần cho người học ở trình độ tiến sĩ tối đa 70 triệu đồng/người học tham dự hội thảo, hội nghị ở nước ngoài hoặc tối đa 70 triệu đồng cho các mục chi và mức chi vận dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí và sinh hoạt phí trong 3 tháng thực tập ngắn hạn ở nước ngoài.

Theo đó, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ đào tạo nghiên cứu sinh trong nước sẽ theo định mức đề xuất sẽ tăng so với quy định hiện hành là 384 triệu/01 nghiên cứu sinh/4 năm.

So sánh chi phí đào tạo hiện tại và theo đề xuất mới đối với phương thức đàotạo ở trong nước. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo.
So sánh chi phí đào tạo hiện tại và theo đề xuất mới đối với phương thức đàotạo ở trong nước. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo số liệu dự kiến đào tạo trình độ tiến sĩ trong nước, kinh phí ngân sách cần hỗ trợ cho phương thức đào tạo trong nước dự kiến tăng là 484 tỷ trong cả giai đoạn thực hiện Đề án 89.

PHẢI BỒI HOÀN KINH PHÍ NẾU KHÔNG QUAY VỀ TRƯỜNG LÀM VIỆC

Để được đi học theo đề án này, theo dự thảo, giảng viên cơ hữu, giảng viên nguồn của các trường phải tham gia tuyển chọn. Người tham gia không quá 40 tuổi, đáp ứng điều kiện tuyển sinh của chương trình đào tạo, được các trường nước ngoài tiếp nhận học chính thức hoặc giảng viên nguồn, cơ hữu đang theo học chương tình tiến sĩ còn thời gian học tập, nghiên cứu từ 18 tháng trở lên.

Được tuyển chọn và theo học diện Đề án 89, giảng viên có trách nhiệm hoàn thành chương trình và được cấp bằng đúng hạn.

Trong thời gian học tập, nghiên cứu hoặc chậm nhất trong 12 tháng sau khi tốt nghiệp, người học tiến sĩ phải công bố được kết quả nghiên cứu liên quan trực tiếp tới đề tài luận án trên các ấn phẩm thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus.

Giảng viên học xong cũng phải trở về cơ sở cử đi học ngay khi tốt nghiệp để làm việc. Trường hợp không thực hiện đầy đủ những trách nhiệm trên theo quy định sẽ phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ nhận từ đề án.

ĐÀO TẠO THÊM 3.882 THẠC SĨ, TIẾN SĨ ĐẾN NĂM 2030

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, mục tiêu Đề án 89 sẽ đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu.

Trong đó, 7% giảng viên được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; 3% giảng viên được đào tạo trong nước và phối hợp giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học nước ngoài đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới.

Cụ thể, số giảng viên được đào tạo trình độ tiến sĩ ít nhất khoảng 3.700 giảng viên. Trong đó, số giảng viên dự kiến được đào tạo ở nước ngoài là 2.310 người và số giảng viên dự kiến được đào tạo trong nước và phương thức phối hợp là 1.390 người.

 
"Đội ngũ giảng viên, nhân tố quyết định thành công trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, ở không ít cơ sở giáo dục đại học còn yếu kém về năng lực. Giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Năng lực giảng dạy theo phương pháp tiên tiến, năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin còn hạn chế", Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá.

Số giảng viên dự kiến được đào tạo trình độ thạc sĩ ít nhất khoảng 182 người thuộc các trường khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao theo phương thức đào tạo ở trong nước hoặc nước ngoài.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhìn nhận, hiện chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các cơ sở giáo dục đại học chưa cao.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các cơ sở giáo dục đại học nước ta còn có những bất cập.

Vì vậy, cần có giải pháp đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, nhanh chóng, tích cực đào tạo để tăng số lượng và chất lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đặc biệt ưu tiên việc đưa giảng viên có đủ năng lực đi đào tạo tiến sĩ ở các nước tiên tiến để giáo dục đại học Việt Nam nhanh chóng bắt kịp xu thế của giáo dục đại học quốc tế.

Đồng thời, đưa công nghệ và quy trình đào tạo mới, hiện đại vào nhà trường đại học Việt Nam đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học và sau đại học, thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, sáng tạo tri thức mới.