06:00 16/09/2021

Đề xuất dùng nguồn kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ lao động

Phúc Minh

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất xem xét dùng nguồn kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho tất cả người lao động đã và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng trở lên…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đã có hơn 1,3 triệu người lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hàng chục nghìn công nhân, viên chức, người lao động đã nhiễm Covid-19; trên 1.000 doanh nghiệp phải thực hiện vừa cách ly, phong tỏa vừa sản xuất.

Cơ quan này dự báo, trong thời gian tới, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ tiếp tục có nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng tạm ngừng sản xuất, đóng cửa, dẫn đến có thêm nhiều người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập, không có thu nhập, cuộc sống gặp khó khăn.

Trong khi đó, thống kê tính đến ngày 11/9 của cơ quan này mới có hơn 1,16 triệu đoàn viên, người lao động được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng. Có trên 170.000 doanh nghiệp được giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai ở các địa phương vẫn còn có những cách hiểu khác nhau, do đó, chưa linh hoạt trong việc xử lý, một số địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt dẫn đến tiến độ triển khai còn chậm.

Về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận, có nguyên nhân từ mặt chính sách do một số quy định tại Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, cần được sửa đổi.

Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất dùng nguồn kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho tất cả người lao động đã và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ và giảm bớt khó khăn cho người lao động.

Trong thực tế, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, tỷ lệ người lao động thất nghiệp gia tăng, thì chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành “điểm tựa” giúp bảo đảm phần nào đời sống của một bộ phận người lao động thất nghiệp và gia đình họ.  

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chỉ tính riêng trong tháng 8/2021, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết cho 61.914 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có 61.215 người hưởng trợ cấp thất nghiệp và 699 người hưởng chế độ học nghề. Tính chung 8 tháng năm 2021, cả nước đã giải quyết cho 483.411 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Trước đó, khi trao đổi với VnEconomy, một số chuyên gia lao động cũng từng chia sẻ quan điểm rằng, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là khoản ngân sách dùng để hỗ trợ người lao động không may bị mất việc hoặc giảm giờ làm, mà nguồn tiền này còn dùng để đào tạo lại lao động.

Dù vậy, từ nhiều năm nay, nguồn quỹ này mới chỉ tập trung vào việc trợ cấp cho người lao động sau khi mất việc, phần đào tạo lại, hỗ trợ học nghề chưa thực sự được chú trọng. Do đó, về lâu dài cần có những điều chỉnh để sử dụng hiệu quả nguồn quỹ.

Hôm 9/9, trong nhóm giải pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được Chính phủ đề cập tại Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan khẩn trương trình cấp có thẩm quyền và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn.

Việc này nhằm kịp thời hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các đối tượng sử dụng lao động khác, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thành trong tháng 9/2021.