Đề xuất hỗ trợ lao động Bắc Giang và Bắc Ninh khó khăn do Covid-19
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đề xuất các chính sách hỗ trợ cụ thể cho người lao động và các doanh nghiệp khó khăn do Covid-19 trên địa bàn tỉnh…
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh về việc hỗ trợ công nhân, các đối tượng yếu thế và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Uỷ ban nhân dân hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đề xuất các chính sách, cơ chế hỗ trợ cụ thể cho nhân dân, công nhân, người lao động, người có điều kiện khó khăn, người yếu thế và các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, tính đến ngày 28/5, toàn tỉnh đã phải tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, có 575 doanh nghiệp phải dừng hoạt động với 196.345 người lao động phải ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Số công nhân lao động phải điều trị và cách ly y tế, theo dõi tại gia đình, gồm công nhân lao động là F0 1.355 người; công nhân, viên chức, người lao động là F1 11.943 người (cách ly tập trung), công nhân, viên chức, người lao động là F2 37.13 người; công nhân, viên chức, người lao động cách ly theo dõi tại gia đình 84.123 người.
Tổng kinh phí tỉnh Bắc Giang đề nghị Trung ương hỗ trợ người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đang điều trị Covid-19 hoặc đang thực hiện quyết định cách ly y tế tập trung, cách ly xã hội theo các chỉ thị của Chính phủ là khoảng 270 tỷ đồng.
Còn tại Bắc Ninh, theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, tính từ ngày 12 – 22/5, Liên đoàn Lao động tỉnh đã trao hỗ trợ cho đoàn viên, công nhân lao động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng trị giá 810 triệu đồng.
Trong đó, hỗ trợ 7.200 công nhân lao động ngoại tỉnh thuộc diện F2 phải cách ly tại nhà và công nhân lao động ngoại tỉnh tạm trú tại các khu dân cư bị phong tỏa trong các huyện Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong, Tiên Du và thị xã Từ Sơn.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Vân Hà thông tin, khó khăn nhất hiện nay là số lượng công nhân lao động cần hỗ trợ rất đông, tập trung nhiều nhất ở huyện Quế Võ với gần 30.000 người, trong khi nguồn lực huy động được chưa nhiều.
Ngoài ra, số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách cấp huyện rất ít, các cấp công đoàn rất cần sự hỗ trợ của cả hệ thống, nhất là các tổ chức đoàn thể cấp xã, thôn để có thể chuyển hỗ trợ sớm nhất đến công nhân lao động.