Đề xuất kéo dài dịp nghỉ lễ Quốc khánh đến 5/9
Cử tri các tỉnh Bắc Kạn, Hải Dương, Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Thuận kiến nghị bổ sung thêm các ngày nghỉ lễ trong năm cho người lao động, trong đó có việc kéo dài dịp nghỉ Quốc khánh đến ngày 5/9…
Gửi kiến nghị đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cử tri các địa phương trên đề nghị nghiên cứu bổ sung tăng thêm 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh (nghỉ từ ngày 2-5/9), nhằm tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng.
Đây là nguyện vọng rất thiết tha của số đông công nhân có con đang tuổi đến trường.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cử tri là đoàn viên, người lao động đồng tình với đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tăng thêm 2 ngày nghỉ dịp Quốc khánh (từ ngày 2 đến 5/9 hằng năm).
Bởi hiện nay, số ngày nghỉ chính thức trong năm của Việt Nam còn ít, hơn nữa thêm ngày nghỉ dịp này để công nhân có cơ hội được đựa con tới trường dự lễ khai giảng.
Mặt khác, cử tri cũng đề nghị xem xét trình Quốc hội sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng bổ sung thêm một ngày người lao động được nghỉ làm việc (hưởng nguyên lương) là ngày 5/9 hằng năm.
Đây được coi là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, một phong tục đẹp của người dân Việt Nam, nhằm chăm lo cho tương lai của thế hệ trẻ, minh chứng cho sự quan tâm của cha mẹ đối với con em mình, và của cộng đồng xã hội đối với giáo dục.
Ngoài đề xuất tăng thêm ngày nghỉ trong dịp Quốc khánh, cử tri cũng đề nghị nghiên cứu, xem xét, bổ sung vào Bộ luật Lao động năm 2019 quy định ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ hằng năm là ngày nghỉ lễ. Theo đó, dịp này, toàn dân được nghỉ 1 ngày, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương.
Cử tri dẫn quy định tại Nghị định số 145/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua, nghỉ lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài, ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) là ngày lễ lớn của đất nước. Đây là sự kiện mang ý nghĩa lịch sử to lớn của dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, cử tri cũng cho rằng ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3⁄2) là một ngày rất quan trọng, đây là một mốc lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam nhằm tuyên truyền đến các tâng lớp nhân dân ý nghĩa lịch sử, vai trò lãnh đạo to lớn của Đảng. Vì vậy, cử tri đề nghị trình Quốc hội nghiên cứu, xem xét đưa ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày nghỉ lễ của nước ta.
Phản hồi các kiến nghị của cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thời gian nghỉ lễ, Tết cho người lao động được nghiên cứu, đề xuất căn cứ vào nhiều yếu tố như, tôn giáo, phong tục, tập quán, ý nghĩa của ngày nghỉ và tác động kinh tế - xã hội.
“Việc bổ sung thêm ngày lễ, Tết được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngoài ý nghĩa động viên người lao động, cũng sẽ tạo áp lực cho người sử dụng lao động, vì đây là ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay.
Do đó, Bộ này sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan đánh giá tác động kinh tế - xã hội, và nghiên cứu, tham mưu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.
Việt Nam hiện có 11 ngày nghỉ lễ chính thức gồm: Tết Dương lịch (1 ngày), Tết Nguyên đán (5 ngày), Giỗ Tổ Hùng Vương (1 ngày), ngày Chiến thắng và Quốc tế lao động (2 ngày), Quốc khánh (2 ngày), thấp hơn bình quân chung của khu vực Đông Nam Á và thế giới khoảng 3-6 ngày.